Xin chào người Việt nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phải trong hoạn nạn mới thấu lòng nhau. Xưa nay, người Việt là như vậy.


Bình thường cũng có chuyện này chuyện khác, nhưng khi xuất hiện những vùng dịch bệnh, những vùng bị thiên tai, thì ngay lập tức, người Việt hướng về đó với những ủng hộ khiến chính người Việt phải rơi nước mắt.

Khi Bắc Giang chìm trong khốn khổ vì dịch Covid-19, hàng vạn công nhân phải nghỉ việc, phải chịu cách ly, phong tỏa, thiếu thốn mọi bề, và mỗi ngày số người dương tính với Covid-19 cứ tăng lên con số hàng trăm, thì người Việt trong cả nước, người Việt ở nước ngoài đã vào cuộc. Những đoàn tình nguyện đã lên đường hướng về Bắc Giang, Bắc Ninh, những lời kêu gọi quyên góp ủng hộ đã vang lên trên nhiều tỉnh thành, và những đồng tiền chắt chiu từ cộng đồng không phân biệt giàu nghèo đã được quyên góp, tập trung gửi về những nơi bà con mình đang phải chịu tai họa.

Việt Nam là như thế. Người Việt là như thế. Điều này dù đã diễn ra bao lần, vẫn khiến chúng ta vô cùng xúc động. Với rất nhiều người, đó còn là động lực để họ sống và đóng góp.

Tôi nhớ, khi báo đưa tin một em học sinh lớp 11 ở Gia Lai tình nguyện ra Bắc Giang chống dịch, rồi một anh thợ nhôm kính rất không giàu có ở Đà Lạt sau khi đóng góp 100 triệu đồng, là số tiền anh tiết kiệm được qua thời gian, gửi ra Bắc Giang chống dịch. Chưa yên tâm, anh còn bay ra ngay Bắc Giang, tình nguyện làm bất cứ công việc gì có thể để cùng bà con Bắc Giang dập dịch. Một anh thanh niên khác, tự lái xe từ Quảng Bình ra Bắc Giang để tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ, chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, chuyển người trong diện cách ly tới những khu cách ly. Những người tình nguyện trong nghĩa cao cả nhất của từ ấy, đã làm hết sức mình mà không mong bất cứ một sự đền đáp nào. Hơn cả những tấm gương, họ là niềm tự hào của cộng đồng người Việt, họ mang lại cho chúng ta niềm tin vào lòng tốt vô tư của con người, họ động viên chúng ta hãy biết sống vì người khác, vì những người đang cần chúng ta giúp đỡ.

Những đoàn bác sĩ, điều dưỡng từ nhiều vùng trong nước đã lên đường tới Bắc Giang, trực tiếp tham gia truy vết, điều trị bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến còn thiếu thốn nhiều tiện nghi. Có những người đã ngất xỉu vì thời tiết nóng, vì quần áo bảo hộ ngột ngạt, vì phải liên tục làm việc ngày này sang ngày khác, thời gian để ngủ nghỉ lại rất ít.

Họ đúng là những người lính giữa chiến trường, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hiểm nguy, kể cả hy sinh tính mạng.

Người Việt Nam biết ơn những chiến sĩ tình nguyện, những người lính dập dịch đầy quả cảm và đầy tinh thần trách nhiệm ấy. Chúng ta đều biết, đợt dịch lần này rất nguy hiểm, và biến thể của vi rút không chỉ tấn công người già hay người bị bệnh nền, mà tấn công cả những người trẻ, những công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp.

Mới sáng thứ bảy 29.5 này, tại Quảng Ngãi, “Ly cà phê nghĩa tình” đã được mở ra, thu hút hơn 100 triệu đồng của cộng đồng đóng góp cho Bắc Giang, và hứa hẹn sẽ còn góp thêm nhiều nữa. Nếu nơi nào trên đất nước chúng ta cũng đều có những hoạt động thiện nguyện như thế, thì các cộng đồng sẽ đều có điều kiện được đóng góp, không phân biệt giàu nghèo, cùng vì một mục đích chung đẹp đẽ.

Trong gian khổ, hiểm nguy, bao giờ người Việt cũng sát cánh với nhau, như ngày xưa trong chiến tranh, và bây giờ trong dịch bệnh. Đã sáng lên tâm hồn người Việt, tình yêu thương của người Việt, và đó chính là điều chúng ta mong được thấy, mong được tham gia đóng góp nhất. Không ai ở ngoài cuộc trong trận chiến này.

 

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đừng hỏi vì sao sức mua yếu?

Đừng hỏi vì sao sức mua yếu?

Một loạt dịch vụ, sản phẩm đã và sẽ tăng giá trong thời gian tới khiến người dân và doanh nghiệp đều cảm thấy mệt mỏi. Giá vé máy bay đắt đỏ là vấn đề của ngành du lịch cả năm nay. Nhiều gia đình chính thức "cắt" đi chơi dịp Tết dương lịch này khi giá vé quá đắt đỏ.
Trợ lực cho xuất khẩu

Trợ lực cho xuất khẩu

Theo Bộ KH-ĐT, trong 11 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính: xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ 10,3 tỷ USD); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 322,5 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu 296,67 tỷ USD.
An cư để lạc nghiệp

An cư để lạc nghiệp

'Công ty có 600 công nhân, phần lớn là lao động nhập cư, nhưng đến nay mới chỉ có 1 người được tiếp cận với nhà ở xã hội' là thực tế đáng buồn được bà Đinh Thị Hường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH cao su Phong Thái (Bình Dương), chia sẻ tại diễn đàn của Đại hội XIII Công đoàn VN.
Báo chí cần được chia sẻ kịp thời

Báo chí cần được chia sẻ kịp thời

Một loạt các quy định về tài chính, thuế, chi phí... liên quan đến báo chí đã lỗi thời nhưng chưa sửa đổi đang khiến hàng vạn nhà báo đứng trước nguy cơ bị giảm mạnh thu nhập; các cơ quan báo chí đã khó khăn lại càng thêm khó.
Điều tử tế còn đây

Điều tử tế còn đây

Câu chuyện tử tế được tài khoản N.N.H. kể lại trong hành trình của anh ở Côn Đảo vừa qua. Bài viết của tài khoản N.N.H., thu hút hơn 18.000 lượt thích và gần 1.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội, chỉ với vài dòng “Đó là mấy tờ tiền 500 ngàn do ai đó đặt hòn đá lên (để không bị bay mất).
Ngăn chặn tội phạm mua bán người

Ngăn chặn tội phạm mua bán người

Thực tiễn cho thấy tội phạm mua, bán người đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng đến công tác đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này, đồng thời xác định bảo vệ quyền cho nạn nhân mua bán người là trọng tâm của Việt Nam trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này, góp phần bảo đảm quyền con người.