(GLO)- Quản lý đoạn biên giới dài 11 km tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), những năm qua, Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông) đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, lấy công tác vận động quần chúng làm biện pháp cơ bản trong quản lý, bảo vệ biên giới và xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Cấp ủy-Ban Chỉ huy đồn đã phối hợp với Đảng ủy xã Ia Mơr tiến hành khảo sát địa bàn, tình hình hoạt động của các tổ chức quần chúng, đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các thôn, làng xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước tự quản gắn với nội dung “5 không”: không biểu tình bạo loạn, không theo “Tin lành Đê-ga”, không nghe theo lời kẻ xấu, không vượt biên sang Campuchia, không chứa chấp tội phạm-đến từng hộ gia đình trong đó có sự xác nhận của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng. Cùng với đó, đồn phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nhân dân các thôn, làng tham gia ký kết thực hiện nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới…
Tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: K.N.B |
Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã và Ban Chỉ huy đồn thường xuyên quan tâm, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, thành viên các tổ an ninh tự quản tại các làng phù hợp với điều kiện thực tế và phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn trong thực hiện các phong trào ở địa phương đi vào nền nếp, hiệu quả. Chưa hết, Ban chỉ đạo và các tổ tự quản cũng đã thực hiện tốt việc tuyên truyền các nội dung về tự quản đường biên, cột mốc đến đông đảo quần chúng nhân dân nhằm phát huy sức mạnh của cả khối đại đoàn kết, đồng thời, duy trì nghiêm quy chế thực hiện phong trào tự quản đường biên, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng.
Nhờ đó, các tổ tự quản thường xuyên nắm bắt và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, các vụ việc xảy ra trong thôn, làng. Và cán bộ biên phòng địa bàn cũng tham mưu cho xã hòa giải nhiều vụ xích mích, mâu thuẫn trong khu dân cư một cách thấu tình đạt lý, góp phần ổn định trật tự địa bàn. Hơn thế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cũng thường xuyên phối hợp với Công an, dân quân tuần tra, kiểm soát địa bàn khu vực biên giới; rà soát lập hồ sơ đưa vào diện quản lý giáo dục tại cộng đồng với những trường hợp thanh niên hư…
Đi đôi với việc phát động quần chúng bảo vệ biên giới, đồn cũng đã quán triệt triển khai Nghị quyết 182 của Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh về xây dựng mô hình điểm giúp dân phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, tạo nền tảng động lực xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tham gia tự quản đường biên, an ninh trật tự thôn, làng đạt hiệu quả. Căn cứ vào tình hình thực tế, đồn đã khảo sát, nghiên cứu lựa chọn mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, phù hợp với đặc điểm canh tác và điều kiện thực tế của địa bàn đồn phụ trách; phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã và các ban ngành vận động nhân dân ổn định định canh định cư, lập vườn hộ gia đình, xây dựng quy ước, hương ước của từng làng, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với địa phương. Đặc biệt, đơn vị phối hợp với Trung đoàn 710 của Binh đoàn 15 hướng dẫn nhân dân trồng điều, vay vốn để chăn nuôi bò, hướng dẫn trồng giống lúa mới cho năng suất cao… góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
Phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an ninh thôn, làng đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia và nhờ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng củng cố vững chắc.
Anh Huy