(GLO)- Nguồn lực xã hội hóa hạn chế cùng với nhiều tập quán lạc hậu còn ăn sâu trong đời sống sản xuất, sinh hoạt là những lực cản lớn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Krông Pa, GIa Lai.
Theo kế hoạch, năm 2018, huyện Krông Pa sẽ có 2 xã là Ia Mlah và Phú Cần về đích NTM. Tuy nhiên, trong khi xã Phú Cần đạt 19/19 tiêu chí thì xã Ia Mlah chỉ đạt 15/19 tiêu chí. Vì vậy, xã Ia Malh sẽ lùi thời gian hoàn thành xây dựng NTM đến năm 2020. Trong 2 năm tới, xã sẽ phải nỗ lực để thực hiện 4 tiêu chí chưa đạt gồm: thu nhập; hộ nghèo; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Ia Mlah đã có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, ông Vũ Quang Huy-Chủ tịch UBND xã Ia Mlah-cũng chia sẻ một số khó khăn: “Xã Ia Mlah đã hoàn thành công tác quy hoạch nghĩa trang với diện tích 10 ha tại buôn Dù và buôn Prong. Người dân đồng ý nhường diện tích đất sản xuất phục vụ quy hoạch nhưng không biết lấy đâu nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng cho các hộ này. Với quy hoạch chợ cũng gặp khó khăn tương tự. Chủ trương chung là kêu gọi xã hội hóa, Nhà nước đầu tư hạ tầng nhưng trên địa bàn xã không có doanh nghiệp đứng ra hỗ trợ, trong khi người dân thì nghèo, nếu hiến đất mà không có hỗ trợ họ biết lấy gì làm kế sinh nhai?”.
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo ở Krông Pa. Ảnh: H.L |
Áp lực trong việc thực hiện một số tiêu chí NTM không chỉ đến từ nguồn kinh phí mà còn từ những tập quán lạc hậu vốn đã ăn sâu trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. “Đồng bào Jrai bao đời quen tắm sông suối. Giờ yêu cầu phải có nhà tắm thì họ không quen, không thích làm. Nhưng việc này vẫn chưa khó bằng vận động làm nhà vệ sinh bởi số tiền bỏ ra để xây nhà vệ sinh tự hoại là khá lớn so với điều kiện của người dân”-ông Huy chia sẻ.
Tương tự, tại xã Chư Gu, số nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn mới chỉ đạt khoảng 20%. Bên cạnh đó, xã còn 328 hộ nghèo, chiếm 22,9% tổng số hộ. Để đạt được tiêu chí về hộ nghèo vào năm 2020, trung bình mỗi năm, xã phải giảm 8-10% số hộ nghèo. Trong điều kiện xã có đến 75% số hộ là người dân tộc thiểu số, thu nhập hầu hết trông chờ vào sản xuất nông nghiệp thì đây là thách thức không nhỏ.
Không chỉ Ia Mlah, Chư Gu mà các xã còn lại trên địa bàn huyện Krông Pa cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự. Chính quyền huyện Krông Pa thời gian qua cũng đã nắm bắt, đồng thời huy động các ngành, lực lượng để cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn này. Buôn Mlah (xã Phú Cần) là một ví dụ. “Buôn Mlah được huyện chọn làm điểm xây dựng buôn NTM trong vùng dân tộc thiểu số. Dù nằm sát trung tâm huyện với nhiều thuận lợi nhưng khi bắt tay triển khai làm điểm, buôn Mlah cũng gặp nhiều trở lực. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, sự chung tay phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, lực lượng và sự nỗ lực của địa phương, buôn Mlah đã bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhất như: di dời chuồng trại; tu sửa, chỉnh trang đường làng; xóa bỏ nhà tạm; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hố rác, trồng cây xanh… Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, buôn Mlah nói riêng và xã Phú Cần nói chung đến nay đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM”-ông Âu Thành Trung-Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Pa-cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Krông Pa-cho rằng: “Xuất phát điểm xây dựng NTM tại các địa phương thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong cộng đồng dân cư vẫn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu khiến việc triển khai xây dựng NTM tại Krông Pa gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, công tác xã hội hóa thực hiện chương trình chỉ ở chừng mực nhất định. Tuy vậy, với sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, tin rằng buôn làng sẽ ngày càng khởi sắc hơn từ chương trình xây dựng NTM”.
Hải Lê