Xây dựng nông thôn mới ở Mang Yang: Nhiều tiêu chí khó đạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 7 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo huyện Mang Yang (Gia Lai) có nhiều đổi thay. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 6 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, huyện mới có 2/11 xã đạt chuẩn NTM. Nhiều tiêu chí khó như: hộ nghèo; thu nhập; cơ sở vật chất văn hóa; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; an ninh, trật tự xã hội... đang là thách thức trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM-đến nay, huyện Mang Yang có 2 xã đạt chuẩn NTM là Đak Yă và Đak Djrăng, có 3 xã đạt 10-14 tiêu chí, 6 xã đạt 5-9 tiêu chí.
  Đoạn cuối tuyến đường từ xã Lơ Pang đi Đak Yă.                                      Ảnh: Đ.Y
Đoạn cuối tuyến đường từ xã Lơ Pang đi Đak Yă. Ảnh: Đ.Y
Trong năm 2018, trên địa bàn huyện có 20 tuyến đường giao thông được đầu tư với chiều dài 10 km, tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp tiền và ngày công gần 1 tỷ đồng. Để hoàn thành tiêu chí nước sạch nông thôn, huyện cũng đã đầu tư xây dựng 4 công trình nước tự chảy tại 2 xã Ayun và Hà Ra với tổng kinh phí 251 triệu đồng. Tiêu chí môi trường cũng được cải thiện đáng kể với 4/11 xã đạt yêu cầu. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân đã biết nuôi nhốt để đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã xây nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Qua rà soát thực tế cho thấy, những tiêu chí khó đạt nhất hiện nay là hộ nghèo; thu nhập; cơ sở vật chất văn hóa; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; an ninh, trật tự xã hội. Ông Phạm Ngọc Cơ phân tích: “Theo quy định về tiêu chí hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của huyện phải dưới 7% nhưng đến nay con số này là trên 20%. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi cán bộ và nhân dân phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn cán đích xã đạt chuẩn NTM trong tương lai gần”.
Về tiêu chí thu nhập, thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn NTM là 38 triệu đồng/năm nhưng hiện mới đạt mức 27,7 triệu đồng. Năm 2018, những loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su trên địa bàn vừa mất mùa vừa mất giá càng khiến thu nhập của người dân thấp hơn.
Với tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, hiện chỉ có 60% số xã đăng ký phấn đấu nhưng để đạt được cũng rất nan giải. Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào nội lực thì Mang Yang khó có thể thực hiện nhiệm vụ này. Còn về tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh thì hầu hết cán bộ, công chức cấp xã đều chưa đạt chuẩn. Để đạt được tiêu chí này, huyện phải đề xuất với tỉnh hỗ trợ mở lớp đào tạo các chức danh.
Còn về tiêu chí an ninh, trật tự xã hội, tuy huyện có nhiều nỗ lực đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nhưng nổi lên gần đây là tình trạng thanh niên tụ tập đua xe, gây mất trật tự, khiến người dân trên địa bàn bất an. 
“Thời gian tới, huyện Mang Yang sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân cũng như định hướng các loại cây trồng phù hợp, giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đô thị, phát triển lực lượng sản xuất vững mạnh, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”-ông Cơ thông tin.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm