Tổng Bí thư hẳn là muốn nhắc nhở rằng, việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh chung mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước ngoài và trong nước, đầu tư phát triển nếu muốn đạt mức tăng trưởng 8% và phấn đấu mức 2 con số.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao ngoài các dự đoán của hầu hết chuyên gia, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Yếu tố chủ yếu tạo nên mức tăng trưởng này là sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh; xuất khẩu tăng cao nhờ cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế đối tác chủ yếu phục hồi và tăng mạnh so với năm 2023.
Tuy vậy, nhìn kỹ hơn vào “mặt sau của tấm huy chương tăng trưởng năm 2024”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định, một số nghịch lý đã xuất hiện. Tăng trưởng GDP cao cùng với tăng trưởng tín dụng cao (15,08% so với cuối năm 2023, tương đương với 2,1 triệu tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế) chưa tạo ra cơ hội đầu tư tương ứng.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đã phục hồi ở mức gia tăng trước dịch Covid-19, đạt hơn 10,6%. Đầu tư ngoài nhà nước cũng có cải thiện so với năm 2023, tăng 7,7% so với 2,7% năm 2023. Tuy vậy, mức tăng nói trên còn thấp nhiều so với bình quân giai đoạn 2014-2019 là 13,6%.
Đầu tư tư nhân tăng thấp, trung bình 4 năm chỉ bằng hơn 1/3 so với trung bình thời kỳ 2014-2019. Theo tính toán của TS Nguyễn Đình Cung, số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp, trong năm 2024 có đến 6 tháng có số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn tháng trước. Trong khi đó số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở mức cao. Hệ số doanh nghiệp gia nhập thị trường/rút khỏi thị trường là 1,18 và số doanh nghiệp tăng thêm năm 2024 - là mức khá thấp. Đáng lưu ý, đầu tư công năm 2024 chỉ tăng 3,3%, đột ngột giảm mạnh từ mức trung bình quãng 19% trong 2 năm 2022-2023.
Ở góc nhìn tích cực, điều này có nghĩa chính sách tài khóa còn dư địa lớn, có thể sử dụng để thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng. Tương tự, đầu tư tư nhân cũng còn không gian phát triển rộng rãi. Một khi các dòng vốn đầu tư trong nước được khai thông, các chính sách của Nhà nước phát huy tác dụng thúc đẩy và khích lệ đầu tư tư nhân, hàng ngàn dự án đầu tư còn dở dang được tháo gỡ khó khăn để hồi sinh, cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường, tạo thêm giá trị mới cho xã hội.
Bằng cách nào? Trước hết và bao trùm là tinh thần đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu. Đặc biệt, nghiên cứu làm rõ nội hàm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” để hiểu, áp dụng và thực thi thống nhất, giải tỏa tâm trạng băn khoăn, lo lắng, “vừa làm, vừa sợ”; không phát huy được tối đa tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận mạo hiểm. Muốn vậy phải quán triệt nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng: đối với quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau thì áp dụng cách hiểu có lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cùng với đó nghiên cứu thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, thuế thu nhập cá nhân và một số loại thuế, phí khác đến năm 2030 nhằm phục hồi lại sức lực, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Cũng không kém phần quan trọng là hoàn thành việc tháo bỏ các vướng mắc pháp lý đối với hàng ngàn dự án đầu tư đang bị “đóng băng” vì nhiều nguyên nhân khác nhau, sớm đưa các dự án này vào khai thác, sử dụng.
Theo ANH THƯ (SGGPO)