Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm tại lòng hồ Ya Ly ở Sa Thầy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đoàn kiểm tra bước đầu nhận định, tình trạng nước hồ tại khu vực cầu Đông Hưng có màu xanh, nổi váng là do dư thừa các chất dinh dưỡng hay còn gọi là hiện tượng “tảo nở hoa.”
Khi nước dâng, cây và củ sắn thu hoạch sót lại là nguyên nhân dẫn đến thối rữa, tạo váng và bốc mùi hôi thối. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN
Khi nước dâng, cây và củ sắn thu hoạch sót lại là nguyên nhân dẫn đến thối rữa, tạo váng và bốc mùi hôi thối. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã có Báo cáo số 38/BC-STNMT ngày 21/1 về việc kiểm tra, xác minh thông tin về việc TTXVN và một số cơ quan báo chí phải ánh tình trạng lòng hồ Ya Ly (huyện Sa Thầy) bị ô nhiễm.
Qua kiểm tra bằng mắt thường, Đoàn kiểm tra nhận thấy nước suối Đăk Sia tại các vị trí xả thải của các nhà máy và nước suối Đăk Sia chảy về khu vực thị trấn Sa Thầy trước khi đổ ra lòng hồ Ya Ly không có màu sắc khác thường.
Đoàn cũng đi thực địa dọc lòng hồ thủy điện Ya Ly từ thượng nguồn về đến xã Ya Ly (khu vực có phản ánh của báo chí) và nhận thấy nước hồ có màu sắc bình thường, không có mùi hôi.
Tại vị trí xung quanh cầu Đông Hưng (thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) xuất hiện nước có màu xanh đậm, nổi váng, đặc biệt là vùng nước gần bờ. Khảo sát khu vực xung quanh cầu Đông Hưng xác định không có các nguồn thải công nghiệp thải vào nguồn nước hồ Ya Ly.
Kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra nhận định bước đầu tại lưu vực suối Đăk Sia, huyện Sa Thầy (nguồn tiếp nhận nước thải của các nhà máy trên địa bàn huyện) không phát hiện nước suối có màu khác thường; khu vực xung quanh cầu Đông Hưng (thuộc thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) nước có màu xanh lục, đặc biệt tại các khu vực gần bờ có nổi váng thành từng mảng nhỏ, có màu xanh đậm, mùi hơi tanh của rêu.
Hiện, có khoảng 6 lồng nuôi cá của người dân dọc khu vực này và không có hiện tượng cá chết, các hoạt động khai thác thủy sản trên lòng hồ vẫn diễn ra bình thường.
Đặc biệt, tại khu vực bán ngập thuộc lòng hồ Ya Ly (thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) còn sót lại lượng lớn cành cây mỳ (sắn) chưa phân hủy hết đang được người dân thu dọn để trồng vụ mới; khu vực xung quanh hồ không có các nguồn nước thải công nghiệp đổ vào.
Qua ý kiến trình bày của chính quyền địa phương và kết quả khảo sát thực tế, Đoàn kiểm tra bước đầu nhận định, tình trạng nước hồ tại khu vực cầu Đông Hưng có màu xanh, nổi váng là do dư thừa các chất dinh dưỡng hay còn gọi là hiện tượng “phú dưỡng hóa” kết hợp với điều kiện nhiệt độ trong nước tăng lên do ánh nắng mặt trời đã làm cho tảo lam phát triển đột biến và bị phân hủy làm đổi màu nước. Đây còn gọi là hiện tượng “tảo nở hoa.”
Hiện, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã tiến hành lấy 2 mẫu nước tại hồ Ya Ly để kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm và sẽ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum khi có kết quả giám định và thông tin đến người dân.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đề nghị, Phòng chức năng huyện Sa Thầy tăng cường giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các Nhà máy trên địa bàn; phối hợp với chính quyền xã tiếp tục theo dõi các hiện tượng bất thường (nếu có) tại khu vực lòng hồ Ya Ly và kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.
Đối với Ủy ban Bhân dân xã Ya Ly cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thu dọn triệt để các phế phẩm từ quá trình canh tác trong vùng bán ngập, đặc biệt là cây mỳ (sắn) sau khi thu hoạch xong; thực hiện thu hoạch theo đúng thời vụ, phù hợp với thời điểm nước hồ dâng lên để hạn chế việc phát thải các chất hữu cơ vào lòng hồ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Trước đó vào ngày 19/1, TTXVN đã đưa tin về việc làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm tại lòng hồ thủy điện Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy cho biết, người dân quanh khu vực cầu Đông Hưng (làng Kiến Hưng) canh tác sắn ở vùng bán ngập với diện tích khoảng 300ha.
Đến mùa thủy điện đóng nước thì người dân bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, bà con thu hoạch không sạch sẽ, còn sót lại cây và củ sắn nên khi nước dâng dẫn đến thối rữa, tạo váng làm nước đổi màu, bốc mùi hôi.
Quan sát tại hiện trường, phóng viên nhận thấy tình trạng nước ô nhiễm và bốc mùi tại khu vực bán ngập cầu Đông Hưng (thuộc làng Kiến Hưng) có xảy ra nhưng không có tình trạng cá, ốc chết. Người dân vẫn nuôi, trồng và đánh bắt thủy sản tại khu vực này.
Ở những nơi nước đã rút có nhiều thân cây sắn bị người dân bỏ lại sau thu hoạch đã thối rữa hết phần củ, chỉ còn lại thân, đúng như kết quả kiểm tra của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Thầy.
Khoa Chương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.