"Tuyệt vọng!". Đó là dòng trạng thái trên Facebook của L.T.T.H. (25 tuổi, ở TP Nha Trang, Khánh Hòa) khi hay tin mình dương tính với chủng mới của virus corona (nCoV). Nhưng mọi thứ chưa phải đã chấm hết...
Bạn trai chị H. đón chị H. rời bệnh viện chiều 4-2 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Tôi mong muốn mọi người đừng quá sợ hãi dịch bệnh này. Nếu ai đó có mắc thì sớm vào viện và chắc cũng được chữa trị hết như tôi, đừng quá lo lắng! L.T.T.H. nhắn nhủ |
H. đã cùng với bạn trai và đội ngũ các y bác sĩ vượt qua tất cả để chiến thắng dịch bệnh này.
Đầu giờ chiều 4-2, H. - nữ nhân viên lễ tân khách sạn, người Việt Nam đầu tiên mắc nCoV trong nước - vui mừng đón bó hoa tươi từ tay BS Nguyễn Đông, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, trong tiếng vỗ tay chúc mừng của các bác sĩ điều trị cho cô sau hơn 8 ngày được điều trị cách ly tại đây.
"Sức khỏe tôi ổn định rồi!"
H. bước vào hội trường Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa với những bước chân khỏe khoắn và người ta đọc được trong đôi mắt của cô ánh lên niềm vui và sự xúc động. "Sức khỏe tôi ổn định rồi!", H. vui mừng thông báo. Điều đó hoàn toàn khác so với cách đó gần 4 ngày, sau khi biết tin mình dương tính với nCoV, H. đã đăng lên Facebook mình hai chữ "tuyệt vọng!".
Tôi hỏi H. vì sao khi ấy đăng dòng trạng thái như vậy, cô trả lời rằng khi biết mình dương tính với nCoV, loại virus khiến nhiều người ở Trung Quốc tử vong, cô vô cùng hoảng loạn. "Tuy nhiên, trong thời gian cách ly điều trị, tôi thấy sức khỏe mình tốt lại, có vẻ như virus không tác động lớn lắm đến mình, nên tôi không còn cảm giác ấy nữa và tôi làm clip trấn an mọi người".
H. là ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Việt Nam bị lây nhiễm từ chính những người khách Trung Quốc đến thuê chỗ nghỉ tại khách sạn mà cô đang làm việc và bị lây nhiễm, theo dự đoán của bác sĩ điều trị cho cô, là do đi cùng thang máy với hai vị khách từ Vũ Hán đến hôm 16-1.
Trước "rừng" thông tin có thể nói là khủng khiếp về cấp độ tăng của lượng bệnh nhân bên trong Trung Quốc và hàng chục nước bên ngoài, cô gái trẻ 25 tuổi không thể không lo lắng, nhất là khi mới mùng 3 Tết Nguyên đán, cô đã bị đưa vào cách ly, chung khu vực với những người bệnh Trung Quốc. "Vừa hết sức lo lắng cho mình, tôi còn lo cho ba má, hai em, bạn trai, đồng nghiệp... mà mình đã tiếp xúc, không biết sức khỏe họ có sao không" - H. thổ lộ.
Giờ đây, sau hơn 8 ngày bị cách ly, H. nói sức khỏe cô hoàn toàn bình thường, có thể đi làm trở lại được ngay. Cô cảm ơn các bác sĩ và ngành y tế đã tận tình, ân cần chăm sóc mình trong những ngày cách ly điều trị tại bệnh viện, cảm ơn bạn bè và những người không quen biết đã gọi điện, nhắn tin chia sẻ, động viên, tạo động lực để cô thoát khỏi bệnh tình.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Khánh Hòa chúc mừng chị L.T.T.H. âm tính với nCoV và ra viện - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Dùng nhiều "liệu pháp"
Bác sĩ Nguyễn Đông cho biết hiện chưa có thuốc đặc trị đối với dịch bệnh do nCoV gây ra. Do vậy, các bác sĩ đã điều trị bằng phác đồ nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể của bệnh nhân bằng cách tăng đề kháng, ăn uống đủ chất và điều trị triệu chứng nếu có.
Nhưng quan trọng không chỉ là thuốc mà còn những "liệu pháp" khác đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa áp dụng đối với trường hợp của H.. Bác sĩ Nguyễn Đông kể ban đầu H. được đưa vào khu cách ly đặc biệt. Tuy nhiên, khi thấy H. đăng dòng trạng thái với hai chữ "tuyệt vọng!" và điện thoại cho ông trong hoang mang hốt hoảng, ông quyết định chuyển cô cùng 3 người Trung Quốc đang điều trị cách ly cùng khu vực lên khu cách ly E, nơi dành cho bệnh nhân điều trị sắp khỏi, chuẩn bị cho xuất viện.
"Đây là một trong những liệu pháp tâm lý để H. bớt lo sợ, bởi bệnh nhân về khu E là coi như bệnh sắp hết và trên thực tế thời điểm đó sức khỏe của H. cũng khá tốt. Hơn nữa, ngay trong chiều 1-2, cả ba bệnh nhân người Trung Quốc có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV đã được cho xuất viện ngay. Chúng tôi tin điều này làm tăng sự lạc quan và niềm tin trong H., giúp cô nhanh chóng thoát bệnh" - bác sĩ Đông kể.
Vị bác sĩ giám đốc bệnh viện cũng cho hay khu vực cách ly được mở sóng WiFi để H. theo dõi tình hình thời sự, vào mạng xã hội, từ đó cô tự làm 1 clip thông báo tình hình sức khỏe ổn định của mình cũng như trấn an mọi người vào ngày 1-2.
Không chỉ có vậy, vì lo ngại kết quả xét nghiệm dương tính nCoV có thể khiến H. nghĩ quẩn, suy sụp, bác sĩ Đông thống nhất cùng ban giám đốc bệnh viện xin ý kiến Sở Y tế Khánh Hòa cho anh V., bạn trai của H., được vào thăm và động viên nữ nhân viên lễ tân này. Bác sĩ Đông nói ngay tối 31-1, khi có kết quả mẫu bệnh phẩm của H. dương tính với nCoV, ông đã cùng anh V. vào trò chuyện, động viên H.. Từ sáng 1-2 đến nay, ngày nào anh V. cũng vào 2-3 lần để mang đồ ăn, thức uống, trò chuyện, động viên V..
Trò chuyện với chúng tôi, V. cho biết anh là người gặp gỡ rất nhiều và rất gần với H. ngay sau khi cô tiếp xúc với 2 người Trung Quốc có nCoV. "Khi nghe H. bị cách ly rồi dương tính với nCoV, nói thật ban đầu tôi cũng sợ và lo lắng. Tuy nhiên, tôi thấy sức khỏe mình vẫn bình thường, không có gì khác lạ, nên khi được các bác sĩ cho vào thăm H., tôi vào thăm và động viên H. ngay". Đương nhiên, khi vào khu cách ly, anh V. phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chống nhiễm khuẩn theo quy định.
Bác sĩ Đông nói kết quả điều trị thành công ca dương tính với nCoV đầu tiên tại Khánh Hòa cho thấy việc nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh là rất cần thiết, nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng vì việc mắc bệnh và chữa trị bệnh này cũng như những loại bệnh thông thường khác. "Chúng ta hãy vượt qua nỗi sợ hãi về nCoV" - ông nói.
"Đánh tan" lo lắng ngay trong bệnh viện Theo bác sĩ Nguyễn Đông, khi hay có các ca nghi mắc nCoV, một vài bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của bệnh viện tỏ ra lo lắng, thậm chí có người còn đòi nghỉ việc nếu đưa họ đến làm việc tại các khu cách ly. Tuy nhiên, là người đã từng có kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và điều trị các dịch bệnh truyền nhiễm từ thời dịch SARS, H1N1..., bác sĩ Đông trực tiếp "xắn tay áo" vào cuộc đầu tiên. Tham gia cùng ông là các bác sĩ trong ban giám đốc và nhiều y bác sĩ tâm huyết khác của bệnh viện. "Gần tết, kế hoạch trực thay đổi, nhiều anh chị em bị điều động đột xuất đến bệnh viện để làm việc trong sự lo lắng về nCoV mà dư luận đặc biệt quan tâm, nên họ có hoang mang cũng là dễ hiểu. Nhưng khi anh em thấy lãnh đạo bệnh viện trực tiếp vào cuộc, thấy việc cứu chữa người mắc bệnh và nCoV cũng bình thường nếu tuân thủ các quy trình bảo vệ an toàn, nên bây giờ mọi thứ hoạt động rất trơn tru" - bác sĩ Đông tâm sự. |
Duy Thanh (TTO)