(GLO)- Những tưởng cụm từ “vượt khó đến trường” chỉ dành cho các em học sinh, nhưng thực ra còn dành cho các giáo viên vùng sâu, vùng xa vẫn ngày ngày kiên trì vượt qua bao vất vả, khó nhọc để gieo chữ, trong đó có Trường Tiểu học Đak Sơ Mei (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa).
Vất vả đường đến điểm trường
Trường Tiểu học Đak Sơ Mei có 6 điểm trường và 1 trường trung tâm. Điều đáng nói, trong 6 điểm trường ở các làng thì có tới 3 điểm trường khá xa trung tâm xã, đường sá đi lại rất vất vả. Điểm xa nhất cách trung tâm 12 km, điểm gần nhất cũng cách hơn 2 km. Dù vậy, thầy cô ở các điểm trường này vẫn kiên trì bám lớp, bám trường bằng tình yêu nghề, thương trẻ.
Những ngày đầu tiên của năm học, lớp học lúc nào cũng tràn đầy hứng khởi. Ảnh: P.L |
Quãng đường từ nhà của cô giáo Lê Thị Hồng Thắm (thôn 5, xã Nam Yang) đến điểm trường ở làng Đê Sơ Mei dài hơn 25 km, trong đó có đến hơn 10 km đường rừng. Đây là điểm trường xa nhất của Trường Tiểu học Đak Sơ Mei. Những ngày nắng, chị Thắm mất khoảng 45 phút để đi từ nhà đến trường. Những ngày mưa, quãng thời gian ấy kéo dài thêm ra gần nửa tiếng đồng hồ. Chị Thắm còn nhớ rõ, chỉ mới mùa mưa cuối học kỳ II của năm học 2016-2017 đây thôi, con đường rừng dẫn vào trường vô cùng lầy lội, nhiều đoạn đường trơn như đổ mỡ. Ấy vậy mà các thầy cô vẫn mặc áo mưa, chân mang ủng cao su, giữ vững tay lái vượt qua để đến trường cùng học trò. Năm học này, điểm trường ở làng Đê Sơ Mei có 6 lớp học (trong đó có 2 lớp 3). Chị Thắm đảm nhiệm lớp 4 với 37 học sinh. “Năm đầu đi dạy ở điểm trường này vì chưa quen đường nên tôi rất vất vả. Có hôm dù cố đi từ rất sớm nhưng vào đến trường cũng đã gần 7 giờ 30 phút vì đường quá xấu, vừa đi vừa phải khiêng xe. Nhưng bây giờ thì cũng đã quen rồi, đường sá đang được sửa chữa, dần thuận tiện hơn, học sinh cũng đã gắn bó, thân thiết hơn với cô giáo, nên mỗi ngày đi dạy là một ngày vui”-chị Thắm chia sẻ.
Trong suốt thời gian dạy ở điểm trường này, chị Thắm và các thầy cô nhiều lần rơi nước mắt khi thấy các em học sinh đến lớp mà co ro trong bộ quần áo cũ kỹ, sách vở không đầy đủ. Từ đó, chị và đồng nghiệp vẫn thường âm thầm tự trích một phần lương của mình để mua cho các em khi thì giấy bọc vở, nhãn vở, cây bút, cái thước, vận động các Mạnh Thường Quân ủng hộ áo ấm, quần áo đi học cho các em. Hiểu được tình cảm của thầy cô, các em học sinh trong làng cũng ngoan ngoãn hơn, kiên trì đến lớp. Riêng với thầy Uưh, sau nhiều năm vượt quãng đường khó khăn đến với trường, anh đã chọn định cư luôn tại làng Đê Sơ Mei. Người thầy ấy đã kéo đường dây điện đến lớp học, tự mình trả tiền điện hàng tháng, nhiệt tình chỉ dạy học sinh, mở lớp phụ đạo miễn phí vào buổi tối để giúp các em mau tiến bộ.
Nỗ lực duy trì sĩ số
Trường Tiểu học Đak Sơ Mei bắt đầu chính thức “ra riêng” từ năm học 2016-2017. Trước đó, ngôi trường với một dãy phòng học này còn đảm nhiệm cả khối THCS (nay đã tách thành Trường THCS Anh hùng Wừu). Năm học 2017-2018 này, Trường Tiểu học Đak Sơ Mei có 31 lớp với 891 học sinh, trong đó có 88% học sinh dân tộc thiểu số. Thầy Hoàng Ngọc Hải-Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đak Sơ Mei là một xã vùng sâu, vùng xa nên còn rất khó khăn, nhiều phụ huynh người dân tộc thiểu số vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con em đến trường. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn không nhớ rõ năm sinh của con để cho con đi học đúng tuổi. Trước những trở ngại đó, các thầy cô đã nỗ lực hết sức để đảm bảo huy động được các em đến tuổi ra lớp và duy trì sĩ số”. Cứ mỗi đầu năm học, giáo viên lại đến từng làng, nhờ trưởng thôn, già làng nắm danh sách học sinh và vận động. Có khi, chính các thầy cô phải đến từng gia đình, hỏi thông tin và làm hồ sơ nộp học thay cho phụ huynh để giúp các em nhỏ được đến trường đúng độ tuổi.
Việc vận động học sinh đến lớp đã trở thành công việc khá quen thuộc với chị Thắm. Điểm trường nằm ngay giữa làng Đê Sơ Mei là điều kiện thuận lợi để chị nắm rõ địa chỉ cũng như hoàn cảnh gia đình học sinh của mình. Chị Thắm chia sẻ bí quyết: “Bình thường thì trường vẫn hay kết hợp với trưởng thôn, già làng, các đoàn thể trong làng để đến vận động, kêu gọi phụ huynh đưa con đến trường. Để cho các em không bỏ học giữa chừng, giáo viên như tôi thường phải tìm hiểu kỹ lý do vì sao các em không đến lớp, nắm bắt tâm lý của từng em để có cách nói khác nhau, đồng thời không tạo áp lực học tập ở trên lớp để các em cảm thấy vui thích khi đến trường hơn. Từ đó mới có thể đảm bảo được sĩ số học sinh mỗi ngày”.
Phương Linh