Vườn rừng trong phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ðó là công viên rộng 9.000m2 ngay tại trung tâm Hà Nội không phải do Nhà nước đầu tư, mà hình thành từ sự đóng góp của cộng đồng. Với sự chủ trì của một số nhóm hoạt động xã hội và đoàn thể địa phương, người dân đã tiến hành dọn rác tạo mặt bằng, trồng cây, mua sắm, lắp đặt và tự quản lý công viên.
Trẻ em vui chơi ở vườn rừng ven sông Hồng.

Trẻ em vui chơi ở vườn rừng ven sông Hồng.

Các chuyên gia cùng người dân cải tạo những cây mọc hoang, kết hợp trồng mới cây, hoa, tạo hệ sinh thái thân thiện với các loài sinh vật. Ðó là lý do giải thích cho nguồn gốc cái tên “công viên-rừng” hay “vườn rừng trong phố”.

Từ một bãi rác lớn, khu vực này đã trở thành nơi vui chơi của trẻ nhỏ, nơi tập luyện của người già và giờ, công viên-rừng ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn tấp nập người đến vui chơi, tập luyện từ sáng đến tối.

Từ bãi rác đến công viên-rừng

Ba giờ chiều, công viên đã lác đác người cao tuổi đến tập thể dục. Anh Nguyễn Văn Tưởng ở số 112, phố Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm) vẫn đang hì hục với cái hố dở dang để trồng cây cau giống. “Tôi chưa biết cây cau này của ai, nhưng ở đây vẫn thế, cây mới liên tục “xuất hiện” ở góc công viên do mọi người đem ra tặng. Có hôm trồng xong rồi mới biết người gửi. Khi thì cây vải, khi thì cây ngọc lan... Các loại hoa thì nhiều lắm. Hoa thì dành cho chị em phụ nữ trồng thành những khu vườn nhỏ, thành hàng dọc lối đi. Cây lâu năm phải đào hố dành cho đàn ông chúng tôi”, mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Tưởng kể chuyện.

Anh Tưởng là một trong những người gắn bó nhất với công viên-rừng bên bờ vở sông Hồng (cách gọi của người dân nơi đây về dải đất ven sông). Hơn hai tháng gần đây, anh dừng toàn bộ công việc khác, ngày nào cũng vác cuốc, xẻng ra công viên. Gần một tiếng sau, có thêm sáu, bảy người tay cuốc, tay xẻng đến “tiếp sức” anh Tưởng, người đánh lại luống hoa, người trồng lại những cây bị xô xệch. Một nhóm khác tổ chức san gạt, rải sỏi tạo thêm lối đi mới. Anh Hoàng Minh Tâm ở phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) bảo: “Chỗ này trước đây là bãi rác, cây dại mọc ngập đầu, người dân vứt đủ phế thải ra đây.

Muốn cải tạo thành công viên thì phải tiến hành không biết bao nhiêu việc. Những người thường xuyên chăm sóc công viên chúng tôi thành lập một nhóm Zalo, hiện nhóm có hơn 70 người. Phân công trách nhiệm công việc, đề xuất, thảo luận những cách làm đều trên đó cả. Thường thì buổi chiều, mọi người tập hợp nhau lại để tiếp tục công việc cải tạo. Bây giờ công viên chưa đẹp, nhưng tôi tin không còn lâu nữa, khi những cây, những vườn hoa mới trồng này lớn thêm…”.

Bóng chiều đã đổ, khi những tình nguyện viên tíu tít với công việc của mình thì khu vực sân chơi cũng ríu rít tiếng trẻ em chơi đùa, khu vực tập luyện thể thao bắt đầu rôm rả. Khu vui chơi dành cho trẻ em gồm một sân bóng rổ, một sân chơi mới có các trò bập bênh, xích đu, cầu trượt, thang leo, tất cả đều mới được lắp đặt; một sân chơi cũ hơn được làm từ các vật liệu tái chế như lốp xe, các loại gỗ…; cạnh đó là khu tập luyện thể thao, với hàng chục thiết bị. Riêng khu sân chơi, tập luyện đã rộng gần 1.000m2.

Công viên-rừng của người dân địa bàn phường Chương Dương được khởi đầu bởi ý tưởng của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống-tập hợp của một nhóm kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội hướng đến xây dựng một Hà Nội tốt đẹp hơn. Giai đoạn 1 của dự án đưa vào hoạt động từ năm 2021, với một khu “vườn rừng” và một sân chơi rộng khoảng 3.000m2. Giai đoạn 2 của dự án được tiến hành từ tháng 7/2022, bàn giao đầu năm 2023, đưa tổng diện tích khu vực lên đến 9.000m2, với ba phân khu: Khu vườn rừng trồng các loại rau, các loại thuốc nam của chị em phụ nữ; khu “vườn giác quan” trồng các loại cây, loại hoa để mọi người khám phá; khu tập luyện thể dục, thể thao và vui chơi.

Cùng tham gia cải tạo, chăm sóc công viên với người dân hôm nay có chị Phạm Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương. Chị Hạnh kéo vòi tưới nước, xới lại những luống hoa được trồng bên bờ dốc thoai thoải từ con đường xuống công viên. Sau đó, chị dừng tay giới thiệu: “Kinh phí cải tạo khu đất này thành công viên không lấy từ ngân sách, mà hoàn toàn từ công sức của cộng đồng, cho nên chúng tôi họp dân nhiều lần. Khi mọi người đều xác định quyết tâm phải làm cho được thì dự án mới có thể tiến hành.

Chỉ riêng giai đoạn 1, khi xây dựng vườn rừng, chúng tôi đã vận chuyển đi 200 tấn rác. Lúc chúng tôi bắt tay vào làm, nhiều người con nghi ngờ lắm. Thậm chí có người vẫn bảo các ông các bà lại tìm cách chiếm đất cho cán bộ chứ gì? Không ai có thể tin được bây giờ đây lại là một công viên”. Quá trình cải tạo còn gặp khó khăn khác vì khu vực này là nơi ẩn náu của một số đối tượng xã hội. Chính quyền quận Hoàn Kiếm, phường Chương Dương hỗ trợ “đòi” mặt bằng, còn chị Hạnh cùng nhiều cán bộ khác vừa cải tạo vừa đấu tranh. Khi các đối tượng xã hội thấy đây không còn là mảnh đất “của họ” nữa, họ đã bỏ đi.

Cách tiếp cận mới trong cải tạo không gian công cộng

Không giống bất kỳ một công viên nào trên địa bàn Hà Nội, ngoại trừ sân bóng rổ, tất cả khu vui chơi, tập luyện công viên bờ vở sông Hồng đều là nền đất, các nhà thiết kế chỉ lát gạch cho con đường dạo ven sông. Hệ thống cây xanh cũng hết sức đặc biệt, các loại cây đa tầng tán, từ cây có bóng mát như mít, si, sấu, ngọc lan…, cho đến các loại cây bụi, cây cỏ, các loại hoa. Ðơn vị lập quy hoạch là doanh nghiệp xã hội Thinks Playground.

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Ðạt, Giám đốc Thinks Playground chia sẻ: “Công viên-rừng là khái niệm còn mới ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đã phổ biến với nhiều mô hình. Trong đó có mô hình dựa trên những tàn tích còn sót lại của vùng hoang dã hoặc bán hoang dã. Bờ vở sông Hồng rất phù hợp mô hình này, ở đây có những cây cối mọc hoang kết hợp với cây ăn quả người dân trồng. Chúng tôi đã khảo sát các loài thực vật, lên danh mục cây nào nên giữ lại, cây nào nên chặt bỏ.

Ngoài trồng thêm cây bóng mát, chúng tôi vừa giữ lại, vừa bổ sung các cây bò dưới mặt đất như: Tàu bay, rau muối, rau dền, tầm bóp, cam thảo... Cây bụi thì giữ lại những cây chim thích ăn như cây phèn đen, phèn trắng, ráy... vừa tạo hệ sinh thái đa dạng cho các loài sinh vật, vừa tạo mầu xanh cho con người”.

Ban đầu, không phải người dân nào cũng đồng tình với cách làm của các chuyên gia. Khá nhiều người ngần ngại khi nghĩ tới việc để sân nền đất thì không bảo đảm vệ sinh. Các chuyên gia đã gặp gỡ, thuyết phục để người dân hiểu rằng, đây chính là giải pháp “hòa hợp” với thiên nhiên; giải pháp này cũng tiết kiệm chi phí.

Anh Nguyễn Văn Tưởng cho biết thêm: “Ban đầu chúng tôi cũng không hiểu lắm về mô hình công viên-rừng. Nhưng nếu phải giải phóng mặt bằng, xây dựng công viên từ đầu thì hàng chục tỷ đồng có lẽ cũng không đủ. Sau này khi công viên-rừng hình thành, chúng tôi mới nhận thấy cái hay là sự gần gũi với thiên nhiên. Khi ra đây, bọn trẻ không chỉ vui chơi mà còn được học về thế giới tự nhiên”.

Khởi xướng, kết nối cộng đồng để tạo dựng nên công viên-rừng là Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống. Từng khảo sát nhiều khu vực của Hà Nội, anh Lê Quang Bình, điều phối viên của Mạng lưới nhận ra, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm không xa, nhưng người dân sinh sống ở khu vực ngoài đê sông Hồng lại chịu nhiều thiệt thòi, nhất là trẻ em.

Nơi đây có nhiều hộ dân “nhảy dù”, an ninh trật tự phức tạp, lại không có chỗ vui chơi. Vì thế, anh Bình cùng cộng sự quyết định chọn nơi này để “tạo ra một sự thay đổi”. Tổ chức Vì một Hà Nội đáng sống hoạt động đúng với ý nghĩa của một “mạng lưới”, đó là vận động, kết nối những “người lạ” từ khắp mọi nơi, từ doanh nhân cho đến học sinh, sinh viên hay nhân viên đại sứ quán các nước đóng tại Hà Nội… Cứ thứ bảy, chủ nhật, các tình nguyện viên lại đến đây dọn rác, trồng cây.

Anh Bình kể: “Ban đầu là cán bộ đoàn thể, những người dân giàu nhiệt huyết và tình nguyện viên từ khắp nơi kéo đến làm việc. Khi người dân thấy lợi ích rồi thì họ bị cuốn theo. Từ đầu năm 2023, chúng tôi bàn giao toàn bộ công viên cho người dân, chỉ thi thoảng xuống khảo sát, tư vấn. Hiện giờ cộng đồng vẫn tiếp tục cải tạo, hoàn thiện. Mỗi lần xuống là một lần vui hơn. Có thêm cây mới, công viên-rừng sạch đẹp hơn”.

Công viên-rừng bên bờ vở sông Hồng chưa có một cái tên chính thức. Người dân quen gọi là “Vườn rừng Chương Dương”, hay “Vườn rừng trong phố”. Hỏi anh Bình về những dự định tiếp theo, anh bảo: “Nó sẽ được mở rộng. Nhưng điều quan trọng mà chúng tôi hướng đến là tạo ra một hướng tiếp cận mới và chứng minh rằng những không gian hoang vu, tồi tàn, hoàn toàn có thể cải tạo thành những không gian hữu ích với chi phí thấp nhất thông qua tập hợp cộng đồng.

Nhiều địa phương đã biến điểm đổ rác thành vườn hoa, đó cũng là một minh chứng về vai trò của cộng đồng. Hà Nội có hàng chục ki-lô-mét bờ sông, bao nhiêu trong số đó đang để hoang phí, là nơi đổ rác, còn người dân thiếu chỗ vui chơi? Ngay cả sau này, khi thành phố quy hoạch cải tạo hai bên bờ sông, mô hình vườn rừng với sự tham gia của cộng đồng vẫn hữu ích. Thành phố thì giảm được chi phí, còn cộng đồng có thêm không gian sạch đẹp, còn người dân thì được nâng cao trách nhiệm, ý thức trong cải tạo, môi trường”.

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.