Vườn rau sạch Công đoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm tận dụng diện tích trồng rau sạch ngay tại đất vườn, gần 1.600 hộ công nhân, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã tham gia cuộc thi  “Vườn rau sạch gia đình”. Cuộc thi mang lại hiệu quả thiết thực khi vận động được các đoàn viên Công đoàn sản xuất rau sạch để sử dụng. 
Tận dụng đất vườn nhà 
Tận dụng khuôn viên hơn 100 m2 đất trống sau nhà, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (công nhân Đội 23, Nông trường Đoàn Kết) trồng rất nhiều loại rau: cải ngọt, rau ngót, rau muống, rau dền, xà lách, cải cúc, su hào, rau thơm, hành, tỏi... Ngoài việc đảm bảo rau sạch cho gia đình trong các bữa ăn hàng ngày và chăn nuôi, chị Thanh còn cung cấp rau cho bà con trong vùng. Chị Thanh cho biết: Trước đây, gia đình chị có thói quen tận dụng những diện tích đất trống để trồng rau sạch nhưng chỉ một vài loại dễ trồng như rau cải, rau mùi. Đầu năm 2018, khi Công đoàn Công ty tổ chức cuộc thi “Vườn rau sạch gia đình”, chị đã tích cực tham gia. Trên diện tích trồng cà phê sau nhà vốn cho hiệu quả kinh tế không cao, chị phá bỏ chuyển sang trồng rau. Để rau phát triển tốt, chị tận dụng vỏ cà phê ủ chung với phân bò bón cho rau, đất thì cày xới cho tơi xốp trước khi lên luống.
“Diện tích trồng rau này vừa phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình, vừa là nguồn thức ăn xanh cho gà, heo, giúp tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ. Xung quanh vườn rau, tôi còn tận dụng trồng một số loại cây ăn quả như đu đủ, mãng cầu và trồng xen chanh dây để cải thiện thu nhập”-chị Thanh vui vẻ cho biết.
 Công đoàn Công ty chấm điểm vườn rau sạch gia đình công nhân Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: đ.y
Công đoàn Công ty chấm điểm vườn rau sạch gia đình công nhân Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Đinh Yến
Chị Kpă A (Đội 7, Nông trường Đoàn Kết) trước đây cũng có thói quen hái các loại rau ở trên rẫy về ăn chứ không tự trồng. “Nhưng từ khi được Công đoàn Công ty phát động trồng rau, mình đầu tư hơn 1 triệu đồng mua dây kẽm về rào 30 m2 đất cạnh nhà làm thành vườn để trồng rau sạch. Vườn nhà bỏ hoang để cỏ mọc um tùm, giờ cải tạo đất trồng rau, cây ăn quả, có sẵn phân chuồng nên lúc nào rau cũng xanh tốt, không lo thiếu rau ăn, lại đỡ tốn kém, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe. Sau giờ học, 2 con của mình thường giúp bố mẹ nhặt cỏ, tưới rau. Rau sạch ăn không hết, các con tranh thủ mang ra chợ bán được hơn 3 triệu đồng/vụ. Mình dùng một ít để mua sách, bút cho con, còn lại mua thêm mắm muối, thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình”-chị Kpă A tâm sự.
Ông Vũ Trung Kiên-Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Đoàn Kết-cho biết: “Phần lớn công nhân nông trường là người địa phương, chưa có thói quen trồng rau xanh ở vườn nhà. Vì thế, khi phát động cuộc thi “Vườn rau sạch gia đình”, Công đoàn Nông trường đã trích quỹ mua giống rau hỗ trợ các hộ công nhân. Đồng thời, cử ra một tổ chuyên trách hướng dẫn công nhân làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch rau xanh. Đến nay, trên 80% công nhân đã có vườn rau sạch gia đình”. 
Hiệu quả thiết thực
Đến nay, cuộc thi “Vườn rau sạch gia đình” không chỉ được triển khai đến các hộ công nhân mà còn đến tất cả các nông trường, xí nghiệp, trung tâm y tế, trường học, cơ quan trực thuộc Công ty. Nông trường An Biên là đơn vị xa nhất đứng chân trên địa bàn 2 xã biên giới Ia Mơr và Ia Púch, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, sỏi đá nên việc trồng rau xanh không hề dễ dàng. Song, hưởng ứng cuộc thi, Công đoàn Nông trường An Biên đã vận động cán bộ, nhân viên chung sức cải tạo đất lấy mặt bằng trồng rau. Do lớp đất mặt mỏng, dưới là đá nên Công đoàn Nông trường đã vận động đoàn viên lấy đất màu ở bờ suối về đổ lên trồng rau trên diện tích 100 m2, dùng lưới thép vây quanh làm hàng rào. Để có rau ăn thường xuyên, hễ thu hoạch xong thì cán bộ, nhân viên Nông trường lại cải tạo đất, trồng gối vụ, hàng ngày phân công người chăm sóc. Nhờ vậy, vườn lúc nào cũng có rau xanh, không chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, nhân viên Nông trường mà còn là địa chỉ để bà con trong vùng tham quan, học tập về trồng rau sạch tại vườn nhà.
“Vào tất cả các buổi chiều trong tuần, hết giờ làm việc, vườn rau lúc nào cũng đông vui khi đoàn viên Công đoàn Nông trường tập trung đến bắt sâu, nhổ cỏ, thu hoạch để chuẩn bị cơm tối cho gia đình. Chính vì thế, vườn rau sạch Công đoàn không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần to lớn”-ông Trịnh Đình Luận-Giám đốc Nông trường An Biên-chia sẻ.
Nói về hiệu quả cuộc thi “Vườn rau sạch gia đình”, ông Lương Quang Hiến-Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, Trưởng ban giám khảo cuộc thi-cho biết: Lần đầu tiên Công đoàn Công ty phát động cuộc thi nhưng đã có gần 1.600 hộ công nhân và tất cả đoàn viên Công đoàn tích cực hưởng ứng. Chi phí hỗ trợ xây dựng vườn rau, giống rau và giải thưởng hết khoảng 74 triệu đồng, nhưng giá trị mang lại vô cùng to lớn. Đến nay, tổng diện tích vườn rau sạch trong toàn Công ty đã phát triển đến cả héc ta. Các vườn rau được thiết kế trên diện tích đất nhàn rỗi, trồng đủ các chủng loại rau theo mùa vụ, tưới bằng nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học... Nhiều đơn vị như: Nông trường An Biên, Đoàn Kết, Thanh Bình, Thống Nhất, Xí nghiệp gỗ, Trung tâm Y tế Công ty, Cơ quan Công ty đã xây dựng được vườn rau sạch, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, nhiều hộ công nhân, nhất là hộ công nhân dân tộc thiểu số đã hình thành thói quen tự trồng rau tại gia đình để chủ động một phần thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn. 
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.