Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Băng (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã triển khai một số mô hình phát triển kinh tế trong hội viên, phụ nữ người dân tộc thiểu số.  Trong số này, mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái” đã thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia, qua đó đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày.
 Vườn rau xanh của gia đình chị Kpa Bly.  Ảnh: Nguyễn Diệp
Vườn rau xanh của gia đình chị Kpa Bly. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ia Băng được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017. Để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã đã triển khai nhiều giải pháp tích cực. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số triển khai nhiều mô hình như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Con đường hoa”, “Hàng rào xanh” và đặc biệt là mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái”.
Theo đó, trên cơ sở các kế hoạch của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Băng chọn 64 hộ dân tộc thiểu số tại làng Kuao thực hiện mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái”. Trước khi triển khai, Hội đã tổ chức tuyên truyền để hội viên, phụ nữ hiểu được lợi ích của việc trồng rau xanh và cây ăn trái, từ đó mạnh dạn tham gia. Bên cạnh đó, Hội đã huy động các nguồn lực của xã và huyện mua giống rau và các loại cây ăn trái hỗ trợ các hộ tham gia. 
Chị Kpa La (làng Kuao) cho hay: “Mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái” hiện đã lan tỏa khắp các hộ trong làng. Từ khi triển khai thực hiện, gia đình tôi đã dành một phần đất trong vườn để trồng các loại rau xanh, như: mướp, bầu, bí… đủ cung cấp trong bữa ăn hàng ngày. Nhờ trồng rau xanh, gia đình tôi đã tiết kiệm được một phần chi phí. Hiện tại, ngoài vườn rau xanh tốt, gia đình tôi còn trồng xen các loại cây như bơ, mì, đu đủ và măng… để cải tạo vườn tạp và tạo nguồn thu trong những năm tới”.
Cũng tham gia mô hình này, chị Kpa Bly (làng Kuao) chia sẻ: “Vườn rau xanh nhà mình chủ yếu để ăn chứ không bán. Khi ăn không hết thì mình mang cho anh em, bà con trong làng. Nguồn rau gia đình trồng đảm bảo an toàn không phải lo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, trong vườn còn có các loại cây ăn trái khác như bơ, chuối, mít… phát triển khá tốt, hứa hẹn sẽ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Hữu Cường-Phó Trưởng thôn Kuao-cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống của bà con trong làng đã từng bước được nâng cao. Thời gian qua, mô hình “Mỗi hộ một vườn rau xanh và cây ăn trái” đã thu hút người dân trong làng tham gia. Đến nay, các hộ đã có đủ nguồn rau xanh cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, các hộ đều đã làm hàng rào, từng bước phá bỏ các loại cây tạp không hiệu quả trong vườn để thay thế bằng các loại cây ăn trái khác. Đây là tín hiệu vui khi nhận thức của người dân đã thay đổi.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Ánh Hường-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Băng-cho hay: Hội đăng ký cung cấp giống rau, cây ăn trái cho người dân làng Kuao; mở các lớp tập huấn trồng rau sạch ở làng. Bước đầu, mô hình “Mỗi hộ một vườn rau và cây ăn trái” đã phát huy hiệu quả. Từ làng Kuao, mô hình đang tiếp tục triển khai nhân rộng sang các thôn, làng khác trên địa bàn xã. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng đang triển khai một số mô hình khác thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia như: Mô hình “Hàng rào xanh” tại làng Phun, “Con đường hoa” tại làng Bạc… “Đặc biệt, chúng tôi vận động hội viên, phụ nữ tham gia Câu lạc bộ tiết kiệm 5-10 triệu đồng/tháng để hỗ trợ chị em vay đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút được 25 chị tham gia với số tiền 29,5 triệu đồng. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ của xã trong xây dựng nông thôn mới hiện nay”-bà Hường khẳng định.
Nguyễn Diệp
----------------------
CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH GIA LAI

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.