Được gì chưa thấy, nhưng chỉ qua thông tin báo chí đã có ít nhất hai vị giám đốc công ty bảo vệ bị bắt giữ vì giương súng thị uy, đe dọa người khác giữa thanh thiên bạch nhật.
Mới đây là ông Nguyễn Văn Sướng - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hàm Long (trụ sở tại TP Bắc Ninh, Bắc Ninh). Ông Sướng bị bắt vì rút súng (loại súng công cụ hỗ trợ) dọa "bắn vỡ sọ" tài xế xe tải do mâu thuẫn trên đường.
Người bị bắt trước đó là ông Bùi Đức Phương - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ an ninh Việt Nhật (trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM). Ngày 5-12-2016, mẹ của một nhân viên đã nghỉ việc đến đòi nợ lương cho con mình, bị ông Phương rút súng uy hiếp và nổ một phát đạn hơi cay đe dọa ngay trước công ty.
Và còn nhiều nữa những vụ súng đã được rút ra và lăm lăm trên tay của những người được cấp phép sử dụng. Súng quân dụng có, súng công cụ hỗ trợ bắn đạn cao su và đạn hơi cay cũng có.
Điều đáng nói, hầu hết những người vung súng lên như thế đều không phải trong tình huống cấp bách cần phải tự vệ hay bảo vệ tính mạng người khác. Trái lại, họ luôn trong tư thế tấn công, hoặc chí ít là đe dọa tấn công người khác.
Trở lại câu hỏi: vung súng lên như thế, họ được gì?
Sau khi chứng tỏ "tao có súng" và trấn áp tinh thần người khác, những người vung súng bị phát hiện đều phải đối mặt với pháp luật, từ mức xử lý hành chính tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Rõ ràng họ chẳng được gì ngoài thỏa tính hung hăng, mà thường sau đó người nào cũng phân bua rằng do nóng giận nhất thời nên thiếu kiềm chế.
Trong khi đó về mặt xã hội, mỗi một khẩu súng vung lên đều gieo rắc cho người dân một cảm giác bất an.
Những tên tội phạm thủ súng để gây án, những thanh niên "trẻ trâu" lận súng tự chế trong người để giải quyết xích mích gây lo sợ một thì những người có giấy phép sử dụng súng lại vung súng bừa bãi càng đáng lo gấp bội. Bởi có giấy phép nên họ luôn có thể kè súng bên người rồi bất thần vung lên ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và nhằm vào bất cứ ai khiến họ phật ý.
Súng, dù là súng quân dụng hay công cụ hỗ trợ, cũng đều là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây sát thương, gây chết người. Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành quy định người sử dụng súng quân dụng, súng công cụ hỗ trợ phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của quân đội hoặc công an cấp.
Luật cũng quy định người được giao sử dụng súng, công cụ hỗ trợ ngoài đảm bảo các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, lý lịch tư pháp, còn phải "có phẩm chất đạo đức tốt".
Phẩm chất đạo đức không phải đại lượng vật lý, không thể cân đo bằng những công cụ hữu hình. Mong sao cơ quan chức năng có giải pháp kiểm soát việc cấp phép sử dụng súng, công cụ hỗ trợ hữu hiệu hơn để tránh trao súng nhầm vào tay "kẻ ác", cũng như có biện pháp xử lý thích đáng các trường hợp lạm dụng súng, công cụ hỗ trợ gây bất an cho người dân, cho xã hội.
Theo NGUYỄN TRIỀU (TTO)