Đoàn công tác UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chuyến đến tỉnh Hòa Bình, trực tiếp đến vùng trồng cây dổi Chí Đạo (huyện Lạc Sơn) để mục sở thị cách trồng, giá trị, hiệu quả kinh tế của loài cây quý. Thời điểm đoàn đến thăm quan, tìm hiểu mô hình đúng lúc người dân vùng trồng cây dổi quý hân hoan đón vụ thu hoạch.
Đoàn công tác UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chuyến đến Hòa Bình, trực tiếp đến vùng dổi Chí Đạo (Lạc Sơn) để mục sở thị cách trồng, giá trị, hiệu quả kinh tế của loài cây quý. Thời điểm đoàn đến thăm quan, tìm hiểu mô hình đúng lúc người dân vùng dổi hân hoan đón vụ thu hoạch.
Người dân xóm Be Trên, xã Chí Đạo (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) thu hoạch dổi. |
Năm nay, anh Bùi Văn Nhỏ ở xóm Be Trên, xã Chí Đạo tiếp tục trúng vụ dổi với sản lượng thu được ngót 1 tấn hạt đỏ. Trên diện tích khoảng hơn 3.000 m2 đất vườn, anh trồng 100 cây dổi, trong đó 80 cây đã cho thu.
Cùng với số cây dổi đến chu kỳ thu hoạch mỗi năm được nhân lên, số tiền gia đình anh có được từ cây dổi cũng tăng đều đặn.
Anh Nhỏ cho biết: Diện tích này có những cây dổi trồng từ đời ông, đời cha đã cho ăn hạt. Những cây này càng về sau càng sai hạt, có cây cho thu 2 - 3 tạ hạt/vụ.
Đối với diện tích cây dổi trồng sau, mới bước vào chu kỳ khai thác hạt thì sản lượng ít hơn, bình quân 20 - 30 kg hạt mỗi cây.
Nhờ vào diện tích cây dổi quý mà mỗi năm, anh Nhỏ thu mấy trăm triệu đồng, nhà cửa sửa khang trang, anh lại mới sắm thêm xe ô tô để phục vụ công việc, sinh hoạt gia đình.
Ở xóm Be Ngoài, những hộ đứng đầu về diện tích và có được nguồn thu lớn từ dổi quý cũng không hề thua kém. Đó là các ông: Bùi Văn Lực, Bùi Văn Chụn với số lượng dổi trồng cả mới và cũ đến hàng trăm cây.
Mỗi năm, vụ thu hoạch hạt dổi đỏ từ tháng 9 - 11. Các gia đình không phải tốn công chăm sóc, chỉ việc thu hoạch, đem bán là về tay hàng trăm triệu đồng. Với số lượng cây hiện có, cho thu hoạch đều mỗi năm, ông Lực, ông Chụn có thu nhập bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/vụ dổi. |
Từ loài cây mọc tự nhiên, cây dổi giờ đã được người dân xã Chí Đạo và một số xã lân cận thuộc phía Tây của huyện Lạc Sơn chọn là cây nông nghiệp chủ lực, mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với sản phẩm nông nghiệp khác trong vùng.
Những đổi thay trong cuộc sống và thương hiệu sản phẩm hạt dổi gắn với vùng đất xã Chí Đạo. Cũng từ đây, bà con trong xã đã phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dổi giá trị kinh tế cao, ươm cây dổi giống cung cấp cho thị trường.
Hiện nay, xã đã thành lập được 1 HTX cung ứng cây dổi giống ở xóm Be Trên. Cây dổi giống từ đây đã cung ứng cho nhiều tỉnh như: Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Thanh Hóa, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng...
Theo chia sẻ của đồng chí Quách Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, Chí Đạo có 6 xóm, 642 hộ, 2.945 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm tới 99%, tỷ lệ hộ nghèo còn 28%, cận nghèo 49%. Mặc dù là xã vùng đặc biệt khó khăn nhưng nhờ có cây dổi quý, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực, hộ khá, giàu chiếm 23%.
Giai đoạn 2015 - 2020, diện tích cây dổi tăng mạnh, hiện đạt 40 ha với khoảng trên 15.000 cây, quá nửa số cây trong số đó đã cho thu hoạch.
Niên vụ 2019, toàn xã đạt sản lượng 25 tấn hạt dổi đỏ, tương đương 7,5 tấn hạt khô. Theo cách tính của bà con, 1 kg hạt đỏ bằng 1.200 hạt, mỗi kg hạt khô bằng 3.500 hạt. Giá hạt dổi đỏ đang bán giao động từ 600 - 800 nghìn đồng/kg, hạt khô từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/kg.
Trong năm, HTX cung ứng giống, bà con nhân dân ươm được 220 vạn cây dổi giống, giá bán cây dổi giống ươm 5.000 - 7.000 đồng/cây (trồng sau 8 - 10 năm cho thu hoạch quả).
HTX cung ứng 20 vạn cây giống dổi ghép với giá bán 50.000 - 60.000 đồng/cây (trồng sau 2 - 3 năm cho thu hoạch quả).
Toàn xã Chí Đạo có 20 cây dổi quý đầu dòng (cây trội) được Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cấp chứng chỉ công nhận giống lâm nghiệp.
Nhờ việc ươm, ghép cây dổi giống và bán hạt dổi, nhiều gia đình ở vùng đất còn khó khăn này đã xây nhà khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền cho nhu cầu sinh hoạt như ô tô, xe máy, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trong chuyến thăm quan, tìm hiểu, đoàn khách đến từ tỉnh Lâm Đồng đã thực sự ấn tượng về dổi và người dân vùng dổi Chí Đạo, đồng thời tìm được nguồn cung cấp giống dổi chất lượng.
|
Theo Bùi Minh (Báo Hòa Bình/Dân Việt)