Vũ khúc ban mai

(GLO)- Sớm mai, ngước mắt nhìn lên bầu trời trong veo, tôi chợt nhớ đến lời ví von “ban mai như một tờ giấy trắng” và cười một mình. Thì chẳng phải hôm nay, ban mai tựa như một thiếu nữ vừa thức giấc chưa kịp điểm trang và giận dỗi người yêu. 
Những cành lá đẫm sương vương vấn rời phiến lá xuống lăn dài trên cỏ đầy nghịch ngợm. Đôi chim chào mào trên cây thiết mộc lan hết bay ra lại bay vào, ngó nghiêng một đỗi rồi cất tiếng hót chào ngày mới.
Ngày mới, tôi thấy lòng mình dịu lại, thảnh thơi dõi theo khóm hồng leo nơi hàng rào nhà bên chúm chím nụ, rung rinh, rung rinh. Thoáng nghe trong gió vọng về giọng ca Lệ Quyên đầy réo rắt “Em ơi, có phải ngoài trời đang mưa?”. Là của quán cà phê phía bên kia đường, giờ này chắc đã lác đác khách. Tôi ngẩn người, hôm nay trời không mưa, chỉ như đôi mắt mẹ già chờ trông con theo dọc dài năm tháng cứ vời vợi, cứ mờ xa.
Tôi nhìn ban mai trong tất bật của chị bán bánh mì, miệng đon đả chào khách, tay nhanh nhẹn đảo trứng trên cái chảo con con. Cạnh đó, anh chồng nhanh tay lấy bánh mì trên lò than nóng bỏ vào bao giấy đưa cho khách, tay kia thu tiền rồi bỏ vào hộp thiếc. Lúc vắng khách, chị vợ mở hộp thiếc, lấy ra những đồng 1, 2, 5 ngàn quăn góc, đếm rồi vuốt thẳng. Ánh mắt rạng lên niềm vui. Anh chồng vừa chở con đi học thêm về phụ vợ xếp gọn lại mấy chiếc ghế rồi nhắc vợ ăn sáng. Bên kia đường, 2 bác xe ôm ngồi xổm xuống vỉa hè lôi ra bàn cờ tướng. Bà cụ bán quán cóc đã quen nếp, lẳng lặng đặt xuống bên cạnh 2 ly cà phê đen, một ấm trà rồi trở vào. Quán của bà là một chiếc tủ kính con con, bày dăm gói bánh, ít bim bim, vài gói thuốc lá, dăm chai bia... và cà phê. Quán cóc như là cái cớ để bà tìm người chuyện vãn cho nhẹ bớt ưu tư.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tôi thấy ban mai trong nụ cười của đôi tình nhân trên chiếc xe ngược ra chiều thành phố. Họ tìm những bình yên nơi chỉ có hai người, với thiên nhiên và không khí trong lành, nơi cảm xúc thăng hoa. Nắng xuyên qua rừng thông tạo nên những hình thù khác lạ trên đám lá khô. Những quả thông nằm bình yên ngắm mây trời bên gốc cỏ mật nõn nà xanh. Đôi tình nhân tay trong tay tản bộ dưới hàng thông và thì thầm với nhau, chốc chốc lại cười vui. Tiếng cười của họ quyện vào ban mai mênh mông, long lanh nắng và rộn rã tiếng chim chuyền cành gọi bạn tìm nhau.
Tôi ngồi lặng bên ly cà phê ngắm nhìn dòng người xuôi ngược. Những vội vã của các bậc phụ huynh đưa con đến trường, những gánh hàng rong với thức quà quê oằn cong đòn gánh. Nơi góc ngã tư đường, các mẹ các chị ở làng ven phố nhẹ đặt chiếc gùi dựa vào gốc sao xanh rồi bày ra dăm mớ ốc, mớ rau… chào mời người đi đường dừng chân mua bán. Gần đấy, một em gái cũng nhanh tay bày đôi ba bó hoa sen còn đẫm sương đêm. Nhìn hoa, tôi chợt nghe hương thơm bay lên từ ký ức. Tôi nghe được cả vị bùn ngai ngái thoảng qua để lòng thổn thức nỗi nhớ quê nhà.
“Ban mai là trang giấy trắng”. Và tôi biết, sau ban mai thuần khiết, bình yên là một ngày rộn ràng qua phố với đong đầy nắng và thao thiết những thân tình. 
ĐÔNG HÒA

Có thể bạn quan tâm

Đọc sách thời bao cấp

Đọc sách thời bao cấp

(GLO)- Những năm bao cấp, đời sống gia đình còn khó khăn, tiền bạc thì họa hoằn lắm một học trò nghèo như tôi mới có quyền sở hữu. Vậy nên, khi học bài xong, tôi theo lũ bạn đi nhặt phế liệu để bán lấy tiền. Hoặc khi vào vụ gặt, tôi giúp việc nhà, lâu lâu được mẹ giúi cho vài chục đồng, gọi là… tiền công. Tất tật số tiền ít ỏi có được ấy, tôi đem “đầu tư” vào sách.

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu nắng

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu nắng

(GLO)- Chợt nhận ra, từ thơ đến tản văn, tác giả Nguyễn Tấn Hỷ luôn dành một tình cảm đặc biệt với nắng. Và những mùa nắng trong ông vẫn luôn đong đầy hoài niệm. "Màu nắng" là một bài thơ như thế.
Gương mặt thơ: Lê Khánh Mai

Gương mặt thơ: Lê Khánh Mai

(GLO)- Không hiểu sao tôi cứ hình dung thơ Lê Khánh Mai như một tiếng thở dài dù chị luôn xinh tươi và vui vẻ. Cái quá khứ với những ngày tháng ám ảnh chiến tranh và chia cắt khiến chị cũng như nhiều người cùng thế hệ phải rời xa quê hương theo ba mẹ ra miền Bắc rồi trở về quê khi đất nước thống nhất.
Gặp gỡ Tây Nguyên: Văn chương kết nối tình đất, tình người

Gặp gỡ Tây Nguyên: Văn chương kết nối tình đất, tình người

(GLO)- “Gặp gỡ Tây Nguyên” là chương trình do quán Chiêu Văn tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) trong 2 ngày 4 và 5-3. Điểm nhấn của chương trình là trao giải cuộc thi viết tản văn về chủ đề Tây Nguyên. Tại đây, gần 40 tác giả đến từ các tỉnh, thành trong cả nước có dịp giao lưu, học hỏi, hiểu thêm về đất và người nơi cao nguyên đầy nắng gió này.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Cưỡi ngựa gỗ

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Cưỡi ngựa gỗ

(GLO)- Bài thơ "Cưỡi ngựa gỗ" được tác giả Nguyễn Ngọc Hưng sử dụng thể thơ tứ ngôn với luật bằng trắc nhịp nhàng, lên xuống đã tái hiện một miền ký ức tuổi thơ hồn nhiên, vui nhộn trên lưng ngựa gỗ, tiếng cười rộn vang.

Định vị, kích hoạt và phát triển

Định vị, kích hoạt và phát triển

Trong 80 năm qua, sự ra đời của bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, đã cho chúng ta thấy lần đầu tiên, có một bản đề cương mang tính chất cương lĩnh để có thể xác định được con đường phát triển của văn hóa Việt Nam với nền tảng lý luận rất hệ thống, các nguyên tắc hành động vào thời điểm đất nước phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.
Gặp lại chị Hồng “Bình dị” ở Gia Lai

Gặp lại chị Hồng “Bình dị” ở Gia Lai

(GLO)- Tuần trước, tôi ra Sân bay Nội Bài để về Gia Lai. Tới giờ ra cửa, đứng dậy thì thấy ở ghế phía sau trong phòng chờ là chị Phạm Thị Hà-vợ chú Sanh, thủ trưởng cũ của tôi và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng-tác giả 2 bài thơ “Bình dị” và “Lời tượng nhà mồ” nổi tiếng. Chị Hà bảo: “Chị nhắn tin cho em mà chưa thấy trả lời, là chị Hồng rất muốn vào Gia Lai thăm lại nơi mấy chục năm trước chị tới”.