Vọng cố hương từ nếp nhà sàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Biên giới Gia Lai mùa này ngôn ngốt nóng. Mới 9 giờ mà cứ như mặt trời đã đứng trên đỉnh đầu. Bóng khộp trơ trụi dọc con đường bê tông trải dài càng nung cho không khí thêm oi bức. Nhưng khi những ngôi nhà sàn đặc trưng của các dân tộc phía Bắc hiện ra ngay trung tâm xã Ia Lâu (huyện Chư Prông), chúng tôi chẳng còn để tâm gì đến chuyện thời tiết nữa.


Anh Hoàng Đức Hoàng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Lâu-cho biết: Toàn xã có 2.160 hộ thì có đến 1.762 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi phía Bắc. Theo Dự án di dân vùng lòng hồ sông Đà (Thủy điện Hòa Bình), từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hàng trăm hộ dân khu vực Tây Bắc đã được đưa vào đây định cư, rồi dẫn theo họ hàng cùng vào lập nghiệp.

Không chỉ mang theo nhiều địa danh như: Đà Bắc, Bắc Thái, Lũng Vân, Hòa Bình, Pác Bó, Cao Lạng… để đặt tên cho vùng đất mới, họ còn dựng những nếp nhà sàn quen thuộc, như một cách vọng cố hương. Và, họ đã tạo nên một vùng văn hóa đầy bản sắc trên Tây Nguyên.

Hai ngôi nhà sàn truyền thống tọa lạc trên khu đất của gia đình ông Ma Văn Tiến (thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Duyên
Hai ngôi nhà sàn truyền thống tọa lạc trên khu đất của gia đình ông Ma Văn Tiến (thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Duyên

Bóng hình cố xứ

Xã Ia Lâu hiện còn khoảng 40% số hộ DTTS phía Bắc vẫn sinh sống trên nhà sàn. Vậy nên, đến đây, dễ dàng gặp những ngôi nhà “cao cẳng” nằm ngay trên mặt đường chính hay thấp thoáng phía ruộng đồng xa xa. Qua thời gian, những ngôi nhà chẳng còn mới mẻ, có nhà ít nhiều xuống cấp nhưng nhìn ngắm chúng, người ta vẫn nhận ra nét kiến trúc đặc sắc. Nhiều ngôi nhà vững chãi, không hề mối mọt vì toàn làm bằng gỗ tốt.
 
Ngôi nhà của Trưởng thôn Lũng Vân Hà Văn Mừng là một trong số đó. Tạm gác công việc ở xưởng cơ khí của gia đình, thong thả mời khách ly nước mát, ông kể: Từ miền quê xã Nam Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), do cuộc sống khó khăn, ông tự nguyện đưa gia đình di cư vào đây năm 1997. Trên 1.000 m2 đất được cấp, ông dựng tạm căn lều nhỏ. Năm 2000, khi đã dần ổn định, ông bắt tay dựng ngôi nhà sàn truyền thống.

“Có người bảo tôi, không có ăn sao còn dựng nhà thế này. Nhưng tôi lại nghĩ, phải an cư thì mới lạc nghiệp. Hơn nữa, nhà sàn là bản sắc của người Mường chúng tôi. Ông bà xưa để lại thì mình phải tiếp nối”-ông Mừng hồi tưởng.

Hồi ấy, chọn cây làm nhà không quá khó. Ông Mừng nhờ người quen giúp đổi công để ra ván, ra cột, các công đoạn còn lại đều một mình ông túc tắc làm. Việc này ông đã có kinh nghiệm bởi khi còn ở quê, ông đã tự tay dựng một ngôi nhà như thế. Sau 1 tháng ròng, ngôi nhà dài 6,5 m, ngang 5 m, làm bằng gỗ tốt đã thành hình, trở thành ngôi nhà sàn đầu tiên ở thôn Lũng Vân.

Ông Mừng và vợ rất vui lòng khi chúng tôi xin phép bước lên bậc thang tham quan ngôi nhà. Chiếc cầu thang có đúng 9 bậc, không khác với hình dung khi nghe ca khúc “Chín bậc tình yêu” dạt dào cảm hứng vùng cao Tây Bắc của cố nhạc sĩ An Thuyên: “Chín bậc núi rừng, chín bậc nghiêng nghiêng, tuổi ấu thơ ta lớn lên ở đó…”. Nhà chia làm 3 gian, mái lợp ngói, 3 cửa sổ với hàng chấn song chiếm khoảng 1/3 chiều cao ô cửa để thoải mái đón gió.

Chủ nhân ngôi nhà cho hay, theo quy tắc làm nhà sàn của người Mường, số bậc cầu thang cũng như cửa sổ đều phải là số lẻ. Cầu thang 9 bậc gần như là quy chuẩn nhưng cũng có hộ chỉ làm 5 hoặc 7 bậc tùy chiều cao của nhà so với mặt đất. Khác với đồng bào Tây Nguyên, đồng bào Tây Bắc không làm bếp ngay trên nhà sàn mà làm bếp riêng; họ cũng không nuôi gia súc hay chất củi dưới gầm sàn mà chỉ để đồ lặt vặt và dụng cụ lao động.

Ông Mừng kể: “Hồi ấy, làm được căn nhà như thế này tôi tự hào lắm. Bố tôi sau đó vào thăm, thấy con dựng nhà sàn truyền thống cũng rất vui”. Nhiều năm về trước, ông đã cải tạo ngôi nhà bằng cách thưng gỗ quây kín lấy phần gầm sàn để mở rộng không gian sinh hoạt.

Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ, ông Mừng bật cười cho hay, sau khi dựng nhà khoảng 1 năm thì ông mới phát hiện điều tréo ngoe: Căn nhà… không nằm trên phần đất được cấp. Vậy là cả thôn hơn trăm người đã hè nhau giúp ông nhấc bổng ngôi nhà lên rồi khiêng về đặt ở vị trí hiện tại.

Bà Đinh Thị Dúng (thôn 7) Tôi sẽ giữ nếp nhà sàn đến hết đời mình. Ảnh: Phương Duyên
Bà Đinh Thị Dúng (thôn 7) cho biết: "Tôi sẽ giữ lại ngôi nhà sàn này đến hết đời". Ảnh: Phương Duyên

Rời nhà ông Mừng, chúng tôi ghé thôn 7 thăm nhà bà Đinh Thị Dúng-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu. Niềm nở đón khách, bà Dúng cho hay, quê bà ở xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Năm 1994, bà cùng gia đình vào đây theo Dự án di dân lòng hồ Thủy điện sông Đà.

“Khi ấy, chưa biết gì về Tây Nguyên, vừa đến nơi, tôi hơi lo sợ vì xung quanh toàn rừng. Tuy nhiên, thấy đất đai phì nhiêu, bằng phẳng thì rất thích. Chỉ sợ mình không có sức mà làm thôi”-bà Dúng mỉm cười nhớ lại.

Thời gian đầu, cả nhà bà Dúng 6 người sống trong ngôi nhà của dự án rộng chừng 30 m2, chỉ đủ kê chiếc giường và một số vật dụng. Năm 2000, vợ chồng bà quyết tâm dựng ngôi nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ cà chít ngang 7 m, dài 10,5 m, mái lợp ngói. Không chỉ giải quyết chỗ ở, ngôi nhà sàn còn là điểm tựa tinh thần của cả gia đình.

Đưa mắt nhìn xuống sàn nhà ghép bằng những tấm ván chắc chắn nhưng vẫn chừa những khe hở nhỏ, bà Dúng cho hay, ở nhà sàn vừa mát, vừa sạch sẽ, bụi bặm lọt qua kẽ sàn rơi xuống đất. Thích ngồi, thích nằm chỗ nào cũng được, chỉ cần trải chiếc chiếu. Ngôi nhà thoáng rộng, chia tách các gian bằng cách kê thêm tủ, kệ hoặc kéo một tấm rèm. Bếp nằm riêng ra một gian tạo thành khối nhà hình chữ L.  

Một lòng giữ nếp nhà sàn

Tại một số thôn ở xã Ia Lâu, nhiều hộ đã chuyển sang ở nhà xây nhưng vẫn có không ít gia đình còn nặng lòng với ngôi nhà sàn bản sắc. Ở thôn Bắc Thái, nơi có đông bà con người Tày, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi dừng chân trước 2 ngôi nhà sàn truyền thống nằm liền kề trên khu đất của gia đình ông Ma Văn Tiến. Trước nhà, chễm chệ 1 chiếc công nông, 1 chiếc máy cày.

Gia chủ vui vẻ pha trà Bắc mời khách, kể câu chuyện ly hương và lập nghiệp. Ông Tiến cho hay, quê ông ở xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Vào Ia Lâu năm 1997, cùng với việc khai hoang, ông đẵn gỗ làm ngôi nhà sàn dài 10 m, rộng 7 m làm nơi cư trú ổn định cho 8 người trong gia đình.

Bằng giọng kể rất hóm, ông Tiến nói: “Cách đây 3 năm, tôi dự định làm 1 cái lán trong nương theo lối “thượng gia, hạ điền” để làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Gỗ làm lán được tận dụng từ vùng ngập lòng hồ Plei Pai (công trình thủy lợi Ia Mơr). Thằng con trai tôi kêu lên, bố ơi, gỗ bằng lăng to thế này mà làm lán thì phí lắm, hay bố làm thêm nhà sàn đi, con thích ở nhà sàn chứ không thích nhà xây. Tôi nói, ừ, nếu mày đã thích vậy thì bố làm!”. Chẳng mất nhiều thời gian do dự, ông thuê 2 chiếc xe cẩu đến… cẩu ngôi nhà sàn đang ở đặt sang một bên rồi tiến hành dựng nhà mới trên nền đất cũ.

Chiếc cầu thang 9 bậc-nét đặc trưng của nhà sàn các dân tộc phía Bắc. Ảnh: Phương Duyên
Chiếc cầu thang 9 bậc-nét đặc trưng của nhà sàn các dân tộc phía Bắc. Ảnh: Phương Duyên

Sau 3 tháng, ngôi nhà sàn 3 gian 2 chái rộng 13 m, dài 7 m, có 1 cửa chính và 8 cửa sổ đã hoàn thành, đủ làm nơi sum họp cho gia đình 6 người con và 17 đứa cháu, chắt mỗi dịp lễ lạt. Giờ thì ngôi nhà cũ trở thành… bếp, một căn bếp rất hoành tráng. Thư thái nhấp ngụm trà giữa không gian lộng gió mới hiểu cái thú ở nhà sàn của đồng bào phía Bắc định cư nơi đây.

Ông Tiến kể, vào những ngày nhiệt độ vùng biên “phi mã” trên dưới 40 độ C, ông chỉ cần mang võng xuống treo dưới gầm sàn là có giấc ngủ trưa ngon lành. 67 tuổi, đã qua 2 lần tai biến, ông Tiến nói một câu thật bằng an: “Đời thế là thoải mái, không lo nghĩ gì nữa!”.

Đều làm từ gỗ tốt nên những ngôi nhà sàn đầu tiên ở Ia Lâu khó lọt khỏi tầm ngắm của các “đại gia” mê gỗ. Ông Mừng trầm giọng kể, gần đây có người đến đặt vấn đề mua lại ngôi nhà về làm quán cà phê nhưng ông đang rất lưỡng lự. Sau hơn 20 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, ông có 2 ha lúa nước 2 vụ, 2 ha rẫy trồng điều và 1 xưởng cơ khí khá lớn, cũng không còn khó khăn để phải bán đi ngôi nhà kỷ niệm. “Sẽ làm nhà xây nhưng vẫn giữ lại nhà sàn”-ông nói.

Chỉ tay sang ngôi nhà sàn truyền thống bề thế khác, ông Mừng cho biết đó là nhà của anh Đinh Công Quyển, là con cái của thế hệ di dân đầu tiên. Theo nếp cũ, họ dựng ngôi nhà rộng rãi bằng gỗ tốt, năm ngoái có 1 “đại gia” ở Hà Nội đến ngã giá hơn 2 tỷ đồng nhưng rồi đành ra về tay không!

Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Dúng cũng tâm tình rằng ngôi nhà đang ở chất chứa nhiều kỷ niệm nên khi có người tìm tới gạ đổi để xây cho 1 căn nhà có giá trị tương đương, bà chỉ lắc đầu. 8 sào đất ruộng, 6 ha rẫy điều đủ để bà đảm bảo cuộc sống; con cái cũng đã phương trưởng. “Trước khi mất cách đây 8 tháng, chồng tôi dặn dò là đừng làm nhà xây. Cuộc sống hiện nay cũng không lam lũ gì nên tôi sẽ giữ lại ngôi nhà này cho đến hết đời”-bà Dúng tâm niệm.

PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…