Vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024-2026

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo các chuyên gia của Cushman & Wakefield, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn ngoại dự báo tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024-2026. Nguồn: TTXVN

Vốn ngoại dự báo tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024-2026. Nguồn: TTXVN

Sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026.

Nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực; các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển...

Đây là nhận định vừa công bố của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam về hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) của khối ngoại tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, số liệu giao dịch năm 2023 cho thấy các nhà đầu tư ngoại vẫn chiếm phần lớn trong hoạt động giao dịch, thu mua và đầu tư bất động sản, trong khi khối nội chỉ chiếm chưa đến 10% số lượng giao dịch.

Điều này là do doanh nghiệp nội hiện vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được dòng vốn.

“Trong một chuỗi sự kiện đầu tư mà Cushman & Wakefield đã tổ chức đầu năm nay, qua khảo sát với các khách hàng rộng khắp châu Á Thái Bình Dương về thị trường mà họ đang quan tâm nhất, đa số các phản hồi đều rất tích cực với tiềm năng đầu tư tại Việt Nam,” bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết.

Theo bà Trang Bùi, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư.

Đi vào phân tích cụ thể hơn, các chuyên gia của Cushman & Wakefield cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục lọt vào ‘tầm ngắm’ của một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thị trường bất động sản Việt Nam; trong đó, đáng chú ý là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang có những bước phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng cũng được ghi nhận đã tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Chung cư ở khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Chung cư ở khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tuy tình hình nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng từ đầu năm 2023 đến nay còn gặp nhiều thách thức, song các giao dịch đầu tư và M&A bất động sản vẫn diễn ra.

Tổng giá trị giao dịch đầu tư và M&A bất động sản ước tính trong 9 tháng năm 2023 đạt 729 triệu USD, giảm 33% do thiếu thương vụ có giá trị lớn so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022 có thương vụ mua lại dự án văn phòng Capita Place trị giá 500 triệu USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư gốc Á từ Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc với lợi thế về vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa và am hiểu pháp luật địa phương lại đang có xu hướng bứt phá, đứng đầu danh sách về hoạt động này trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Theo các chuyên gia của Cushman & Wakefield, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Qua 9 tháng năm 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A bất động sản đạt khoảng 4,2 tỷ USD; trong đó, loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượng 46% và 28%. Điều này cho thấy, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các loại tài sản truyền thống tại Việt Nam, phục vụ chính cho nhu cầu “an cư, lạc nghiệp.”

Đánh giá các phân khúc đầu tư cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài, Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, kể từ khi thị trường bất động sản Việt Nam hình thành, phân khúc nhà ở luôn là loại hình hấp dẫn cả nhà đầu tư nội và ngoại.

Nhờ vào dân số Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đông dân đứng thứ 15 trên thế giới với 100 triệu người. Mô hình nhân chủng học ở Việt Nam với 70% dân số trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh càng tăng tính hấp dẫn đối với thị trường nhà ở đối với FDI.

Hơn 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung ở phân khúc nhà ở cao cấp với những tên tuổi đã rất quen thuộc trên thị trường như Keppel Land, Capitaland với các dự án bất động sản cao cấp đầu tiên tại Việt Nam như The Estella hoặc The Vista được đưa ra chào bán trên thị trường.

Với tổng nguồn cung căn hộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh thời đó là khoảng 1.700 căn; trong đó, khoảng 1.000 căn đến từ các dự án có vốn FDI. Đến nay, thị trường bắt đầu trở nên quen thuộc với những tên tuổi khác như Hong Kong Land, Frasers Property hoặc Mapletree.

Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư uy tín khác từ Nhật Bản như Daiwa House, Nomura và Sumitomo đầu tư dự án ở Quận 7; tập đoàn Hàn Quốc như Lotte Group, GS đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thúc đẩy số lượng căn hộ cao cấp của khối ngoại tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng lên đáng kể tới 23.800 căn vào quý 3/ 2023, so với chỉ 1.000 căn năm 2008.

Phân khúc bất động sản công nghiệp và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết các loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi.

Kể từ năm 2018, ngành sản xuất chế biến, chế tạo chiếm phần lớn trong tổng vốn FDI, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, Frasers Property Vietnam thông báo về việc hợp tác với Gelex Group - tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu trong nước, để cùng phát triển danh mục đầu tư các khu công nghiệp và mở rộng thị trường bất động sản công nghiệp trên khắp miền Bắc với tổng mức đầu tư dự kiến là 250 triệu USD.

Hay như thương vụ Foxconn thuê thêm đất tại Việt Nam, tổng giá trị khoảng 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) và Khu công nghiệp WHA IZ 1 (Nghệ An)… Ngoài các nhà đầu tư châu Á, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng.

Ngoài các lĩnh vực trên, theo Cushman & Wakefield, các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các bất động sản văn phòng có vị trí tốt ở Việt Nam, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong vòng 5 năm qua, khi giá thuê và công suất cho thuê của các tòa nhà văn phòng được cải thiện, đặc biệt với các tòa nhà văn phòng hạng A có chất lượng tốt, công suất cho thuê cao, vị trí đắc địa, đã tạo nên sự khan hiếm cho thị trường.

Đáng chú ý, năm 2022 thị trường văn phòng lần đầu tiên ghi nhận một thương vụ M&A lớn kỷ lục với giá trị 557 triệu USD.

Tuy còn nhiều thử thách, nhưng Cushman & Wakefield tin rằng, đây vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động mua M&A hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

Bởi hiện nay mặt bằng lãi suất đã giảm, nhiều nghị định và quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được ban hành, bên cạnh nhiều giải pháp tích cực khác mà Chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung. Những quy định mới sẽ giúp tạo giải pháp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất