(GLO)- Nuôi mộng làm giàu ở xứ người, nhiều người Jrai ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã “lạc lối” trên đất nước Thái Lan xa ngái. Để rồi, khi giấc mộng tan vỡ, họ phải chật vật tìm đường trở về quê hương, mong đoàn tụ với gia đình.
Một chuyến tha phương
Những ngày giữa năm 2018, làn sóng đi lao động “chui” ở Thái Lan rộ lên ở vùng đất Phú Thiện. Nhiều người đồn thổi về cuộc sống sung túc ở xứ sở chùa Vàng. Những “cò” lao động giá rẻ đã vẽ ra một viễn cảnh đẹp đẽ như thiên đường để thôi thúc, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin. Anh Nay Si (SN 1991, trú tại làng Glung Mơlan, xã Ia Ake) cũng bị những lời lẽ ấy cám dỗ. Năm 2018, ở cái tuổi 27, anh Si là trụ cột gia đình với vợ và 2 đứa con trai đang tuổi ăn, tuổi học cùng người mẹ già. Nhà anh có 2 sào lúa và 6 sào rẫy ở ngọn núi xa xăm phía Tây. Những ngày tháng 8, sâu hại hoành hành tấn công rẫy bắp, nguy cơ mất mùa hiển hiện. Vài sào lúa không đủ cho 5 miệng ăn trong nhà khiến vợ chồng anh thường xuyên phải đi vay mượn tiền mua gạo, mắm.
|
Mẹ già và con nhỏ của anh Ksor Lâm đã có những ngày vò võ chờ anh trở về. Ảnh: Văn Ngọc |
Nợ tiền gạo, tiền vật tư nông nghiệp lên đến hàng chục triệu đồng, số lãi từng tháng theo đó tăng dần khiến anh Si trăn trở mãi. Đúng lúc ấy, một số thanh niên trong làng rủ nhau đi Thái Lan lao động để làm giàu dù không rõ sẽ làm công việc gì. “Người ta bảo đi làm bên đó được nhiều tiền lắm, sẽ có tiền mua xe, có tiền trả nợ nên mình xuôi lòng. Chỉ cần có tiền bằng công sức lao động, mình chấp nhận đi xa. Với lại có thanh niên trong làng cùng đi, lỡ có gì thì anh em cũng đỡ đần được cho nhau”-anh Si giãi bày. Chưa một lần rời xa mảnh đất Phú Thiện nhưng vì miếng cơm manh áo cho tổ ấm nhỏ, vì khoản nợ treo lơ lửng, anh Si dứt áo ra đi.
Phần vì không muốn chứng kiến cảnh chia tay với vợ con, phần vì lo vợ sẽ níu chân không chấp nhận quyết định phiêu lưu ấy của mình nên anh Si đã chọn cách ra đi âm thầm. Rạng sáng một ngày tháng 8, khi vợ con còn đang say giấc, anh Si lái chiếc xe máy Yamaha Sirius đi khỏi nhà. Anh cùng 5 thanh niên khác lặng lẽ rời làng, vượt đèo Chư Sê nhắm thẳng hướng biên giới Campuchia tại huyện Đức Cơ, mang theo khát vọng làm giàu. Đến gần khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, nhóm thanh niên làng Glung Mơlan bắt đầu men theo đường rừng trắc trở để qua bên kia biên giới. Tất cả mọi người phải bỏ lại xe máy giữa rừng, đi bộ hàng tiếng đồng hồ giữa cơn mưa rừng rả rích để đến nơi mà các “cò” lao động đã bố trí xe ô tô đợi sẵn rồi chở đến khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, bắt đầu hành trình lưu lạc.
Cũng vì mong ước sẽ kiếm tiền triệu mỗi ngày như lời đồn thổi, anh Siu Thuyn (trú tại làng Plok, xã Ia Ake) thậm chí còn bán hết số mì của gia đình và vay mượn để gom được hơn 15 triệu đồng lận lưng đi Thái Lan. Mùa màng thất bát, người đàn ông vạm vỡ ấy đã quyết định gói ghém lên đường với hy vọng giúp gia đình đổi đời. Ngày đi, anh cố nén giọt nước mắt chực trào để nói dối vợ rằng đi làm thuê cho người ta, chỉ vài ngày sẽ về. Trong thâm tâm, anh Thuyn đã mơ về một ngày trở về không xa với thật nhiều tiền trong sự chào đón rạng rỡ của vợ và 3 đứa con. Nhưng mọi thứ không như anh nghĩ...
Cơ cực nơi xứ người
Những người vượt biên đến Thái Lan được các đối tượng “cò” trao tay cho chủ lao động người Thái để lấy tiền hoa hồng rồi chuồn thẳng. Anh Siu Thuyn nhớ lại: Nhóm của anh được đưa đến những khu trọ tập trung ở vùng Đông Nam Thái Lan. Đó là những khu nhà trọ chật chội ken đặc người, mỗi phòng không có nổi một chiếc tivi. Cái nắng oi bức ở Thái Lan khiến các phòng trọ biến thành lò nung. Mỗi ngày, tất cả được chở đến các công trường xây dựng để làm nhiều công việc khác nhau, đa phần đều làm phụ hồ vì không có tay nghề. 6 giờ sáng, họ lục đục dậy lên xe đến công trường. “Sáng làm việc từ hơn 6 giờ đến 11 giờ 30 phút hoặc 12 giờ, chiều thì làm từ 13 giờ đến 17 giờ, nhưng có khi họ muốn thúc nhanh cho kịp công trình thì phải làm đến 20 hoặc 21 giờ khiến ai nấy mệt nhoài. Nhiều người mệt lả không đủ sức cũng bị bắt đi làm, vì không đi làm thì họ không trả tiền, không có cái ăn”-anh Thuyn cho hay.
|
Gia đình anh Nay Si (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) đoàn tụ sau bao ngày xa cách. Ảnh: V.N |
Với thời gian làm việc khoảng 10 giờ/ngày, mỗi người sẽ nhận được khoảng 300-350 baht Thái Lan/ngày, tương đương 220-260 ngàn đồng. Làm việc vất vả, khó nhọc, công lao động cũng chỉ như ở quê nhà nhưng phải chịu chi phí sinh hoạt “cắt cổ”. Giá cả thực phẩm đều đắt đỏ khiến họ phải ăn uống tằn tiện, khổ cực. Anh Thuyn than thở: “Thịt heo ở bên ấy hơn 200 ngàn đồng/kg nên đâu ai dám mua; rau, cá cũng đắt nên anh em phải rủ nhau đi nhổ rau dại ăn. Nhiều người ăn phải rau lạ bị ngộ độc. Cả tháng làm như thế nhưng không dư ra được đồng nào vì phải mua gạo, trả tiền nhà, tiền điện nước. Muốn trở về cũng đành chịu vì không đủ tiền”.
Trong khi đó, anh Nay Si cho biết mình thường xuyên phải nhịn ăn vì không có việc làm thường xuyên. Anh chia sẻ: “Làm ngày nào là ăn hết ngày đó nên những ngày không có việc thì bữa đói bữa no, anh em chia nhau gói mì tôm ăn đỡ. Chưa kể những ngày Cảnh sát Thái Lan đi truy quét, tìm người lao động chui để bắt phạt thì chúng tôi phải ở suốt trong nhà, không dám đi ra ngoài đường, vì nếu bị bắt sẽ phải vào tù hoặc mất tiền chuộc mới được bảo lãnh”.
Nước mắt ngày về
Để được trở về quê nhà là cả một câu chuyện dài đối với những người cư trú bất hợp pháp trên đất Thái Lan. Chị Ksor H'Bích Thủy-vợ anh Nay Si thở dài kể rằng, chị hoang mang lắm trong những ngày đầu không biết chồng đi đâu. Một mình người phụ nữ nhỏ bé phải vừa gạt nước mắt chăm lo cho sinh hoạt gia đình và việc đồng áng, vừa trông ngóng từng tin tức của chồng. Khi cán bộ Công an huyện đến nhà thông báo, chị mới biết anh Si đã vượt biên đi làm ở Thái Lan. Phải đến hơn 2 tháng kể từ ngày ra đi, anh Si mới điện thoại về nhà. “Chồng nói nhớ mẹ con ở nhà và muốn về lắm nhưng không có tiền. Sau anh ấy bảo rằng sẽ cố gắng nhịn ăn từng bữa để dành dụm tiền. Ở nhà mẹ con mình cũng chẳng biết phải làm sao, chỉ biết khóc thôi”-chị Thủy nghẹn lời.
|
Tiếng cười đã trở lại trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Siu Thuyn (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện). Ảnh: V.N |
Gom góp, dành dụm suốt hơn 4 tháng trời, anh Si trốn khỏi khu trọ để bắt xe khách tìm đường về Việt Nam. Anh phải bán nốt chiếc điện thoại là tài sản duy nhất để có thể đến được biên giới Campuchia-Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh. Ngày đi hăm hở, ngày về anh Si chỉ có đôi bàn tay trắng, làn da đen sạm, cháy nắng, 2 má hóp lại vì những tháng ngày khắc khổ. Chiếc xe máy là phương tiện đi lại duy nhất của cả nhà cũng đã bị bỏ lại nơi cánh rừng biên giới. Nhưng mọi thứ với anh Si không còn quan trọng nữa. Anh đã được ôm trọn những đứa con thơ dại trong vòng tay mình, được hít thở hương lúa trổ đòng ngào ngạt ở cánh đồng sau nhà, đằm mình trong dòng nước mát Ayun.
Với Siu Thuyn, nỗi nhớ vợ con cũng dày vò anh mỗi đêm trằn trọc trong căn phòng trọ u ám. Quay quắt nơi xứ người, anh quyết tâm tìm mọi cách để trở về. Anh làm việc quần quật ngày này qua ngày khác suốt nửa năm ròng rã mà vẫn không đủ để trang trải tiền xe. Nhưng may mắn đã mỉm cười với Siu Thuyn khi trong một lần thử vận may với vé số, anh đã trúng thưởng 3.000 baht. Rạng sáng tinh mơ một ngày cuối năm 2018, anh gói ghém đồ đạc rồi lẻn đi bắt chuyến xe về biên giới Campuchia để bắt đầu hành trình trở về. Anh còn nhớ mãi cái ngày bước vào sân nhà lên tiếng gọi lũ con. Vợ con Siu Thuyn ào ra ôm anh khóc nấc. Trên khóe mắt của Thuyn, những giọt nước mắt đoàn viên cũng cứ thế trào ra giữa cái nắng, cái gió của vùng đất chôn nhau cắt rốn.
Nhưng không phải ai cũng may mắn được trở về như Nay Si và Siu Thuyn, thậm chí có người phải bỏ mạng trên đất khách. Ông Ksor Brêu (SN 1958, trú tại làng Dap, xã Ayun Hạ) là một ví dụ. Tháng 6-2018, ông Brêu cũng theo một số người làng đi lao động “chui” tại Thái Lan. Tuổi già, sức yếu nhưng ông vẫn quyết ra đi để kiếm tiền gửi về cho vợ con. Nhưng trong một lần đi hái rau dại, do bị một chiếc ô tô tông gãy xương vai, ông Brêu phải nhập viện cấp cứu. Vì không có tiền nằm viện, ông phải về nằm tại khu nhà trọ tập trung của những người lao động Jrai. Vợ và con út của ông nghe tin cũng theo chân người vượt biên sang Thái Lan tìm ông. Do tình trạng quá nặng, khoảng 3 tháng sau ngày bị tai nạn, ông Brêu đã trút hơi thở cuối cùng. Không có tiền chôn cất, gia đình ông buộc phải hỏa táng rồi đưa tro cốt rải trên dòng sông nơi đất khách quê người…
LÊ VĂN NGỌC