Vỡ mộng "cơn lốc vàng đen" titan (*): Cuộc chiến giành sự sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người phải rời quê vào TP HCM lập nghiệp, số khác ngày đêm gửi đơn đi khắp nơi cầu cứu cơ quan chức năng để giành lại môi trường sống.

Mới đây, ông Đinh Trung - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - đã cùng người dân tham gia viết đơn yêu cầu các mỏ titan ngưng hoạt động. Tham khảo với các nhà khoa học, ông Trung cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận không dựa vào cơ sở khoa học mà chỉ dự đoán rồi kết luận trữ lượng titan ở địa phương là 599 triệu tấn, ước tính 140 tỉ USD là không khác gì "đếm cua trong hang".

Dân bỏ làng lang bạt lập nghiệp

Kể từ khi các mỏ titan hoạt động, những hàng bạch dương chết dần, thảm cỏ ở các cánh đồi không còn xanh tốt, nguồn nước ô nhiễm, nhiều người phải tìm nơi khác mưu sinh. Cả gia đình ông Trần Văn Cẩn, 36 tuổi, ngụ xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, làm nghề chăn dê, trồng rau phải bỏ quê vào TP HCM lập nghiệp. "Dê nuôi ngày càng ốm yếu, thường xuyên bệnh rồi chết nên tôi bị hụt vốn. Cạnh các mỏ titan thì có nhiều hạt bụi bám vào thức ăn" - ông Cẩn than thở. Ông Cẩn lo lắng khi thấy đứa con trai bị bệnh liên tục, sợ môi trường sống ở quê không bảo đảm nên phải tìm chỗ mới.

 

Khu vực gần các mỏ titan, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng, người dân thiếu nước sản xuất
Khu vực gần các mỏ titan, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng, người dân thiếu nước sản xuất



Nằm cách mỏ titan Thiện Ái vài cây số, vườn dưa hấu của bà T.V.H hiện không thể thu hoạch. Bà H. cho biết dưa vừa lớn bằng bàn tay đã khô quéo lại do thiếu dinh dưỡng và nước, số khác vừa mới đậu trái đã héo úa. Nguồn thu nhập chính của gia đình bà H. suốt 3 năm qua là trông vào việc đi biển. Thấy nhiều người bỏ quê đi nơi khác sinh sống bà H. cũng đang dự tính dẫn cả gia đình vào Nam lập nghiệp.

Tìm đến khu vực xung quanh các mỏ titan, chúng tôi nhận thấy có nhiều hố nước đỏ nằm giữa các bãi cát. Cây xanh chết sạch và chỉ còn người già và trẻ em, còn thanh niên đã đi nơi khác tìm việc.

Bị đe dọa vì cầu cứu

Trước tình cảnh các đồi cát bị đào sâu, rừng bạch dương tàn phá, cảnh trơ trọi hoang hóa lớn dần, nhiều người dân đã viết đơn gửi khắp nơi để tìm ra phương án tốt nhất, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư mà vẫn bảo đảm môi trường sống và giữ được cảnh quang tự nhiên như trước đây nhưng cũng không có chút động tĩnh hữu hiệu từ cơ quan chức năng. Ông H., ngụ phường Mũi Né, TP Phan Thiết, cho biết ông cùng hàng xóm mỗi tối mò đến các mỏ titan dùng điện thoại ghi lại hoạt động trái phép rồi chuyển tư liệu nhờ các đại biểu kiến nghị, góp thêm ý kiến.

Tuy nhiên, ông H. buồn bã nói sau 4 năm ròng rã gửi đơn cầu cứu, cuối cùng ông cũng phải dừng lại vì nhiều lần gia đình ông bị những thanh niên lạ mặt đến hăm dọa. Có lần đi làm về khuya, ông bị 4 người lạ chặn đầu xe và cảnh cáo.

Ông Trần Hữu Bình, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, dù đã 95 tuổi, vẫn lên tiếng mạnh mẽ về những thảm h mà các mỏ titan ở đây gây ra cho môi trường sống. Nhưng mỗi lần đại biểu tiếp xúc cử tri, ông Bình lại gặp những áp lực. Nhiều người khuyên ông không nên tiếp tục đấu tranh vì tuổi đã lớn nhưng ông vẫn kiên định và đã hàng chục lần tìm đến các mỏ titan để kiểm tra thực tế.

"Chưa có hiệu quả nên dừng ngay!"

Ông Đinh Trung nhận định việc cho phép khai thác titan ồ ạt làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất của người dân xung quanh. Nơi khai thác titan hầu hết là vùng đồi cát, hoàn toàn không có nước trên bề mặt. Từ đó, các doanh nghiệp phải hút nước ngầm và nước biển để tuyển quặng và sau đó xả ra hồ khiến nhiều khu vực bị nhiễm mặn.

Để chứng minh, ông Trung cung cấp cho phóng viên những bức hình do chính ông ghi lại được. Thực tế cho thấy các đồi cát cách đây hơn 10 năm chi chít cây xanh. Bây giờ chỉ là những hố sâu, nham nhở. Mùa nắng xảy ra tình trạng cát bay, mưa xuống thì sạt lở và điển hình nhiều năm xảy ra không ít vụ vỡ hồ.

Theo ông Trung, xét về góc độ kinh tế và đóng góp cho tỉnh, nguồn thuế thu từ hoạt động này chưa đến 1%, việc khai thác làm sao để hiệu quả, không ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không kìm hãm, triệt tiêu các ngành kinh tế khác.

"Vì sao báo chí và người dân ghi nhận được việc titan đang hủy hoại môi trường ven biển ở Bình Thuận và các doanh nghiệp đang lén lút hoạt động nhưng chính quyền không hay?" - ông Trung nêu vấn đề và nhìn nhận: "Tôi tin có hiện tượng bao che cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng cấp tỉnh đang xa dân và không chịu lắng nghe tiếng nói từ bà con. Minh chứng điều này là hàng chục lá đơn gửi đi nhưng chẳng có một phản hồi. Rất nhiều cuộc họp HĐND tỉnh, các ý kiến phản ánh chỉ là được ghi nhận và xem xét".

Rút lại vấn đề, vị cựu bí thư đề xuất Thanh tra Chính phủ cần thanh tra lại hoạt động titan ở Bình Thuận để có góc nhìn khách quan và bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn.


Chưa đủ điều kiện khai thác titan

Hiện tại có 25 doanh nghiệp xin khai thác titan ở Bình Thuận. Tuy nhiên, chỉ có 4 doanh nghiệp xây dựng mỏ khai thác. Để có thể khai thác, bắt buộc phải có giấy phép khai thác nguồn nước trong khi Bình Thuận đang thiếu nước nghiêm trọng nên hiện chưa đủ điều kiện khai thác, thăm dò.

Năm 2009, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Thuận và Viện Địa lý Tài nguyên thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã khảo sát tình trạng phóng xạ ở mỏ Thiện Ái cho thấy nước biển ở các khu vực ven biển và quá trình khai thác titan có hoạt độ phóng xạ vượt tiêu chuẩn Việt Nam.

Năm 2011, kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy nước thải tại 5 đơn vị khai thác titan đều có hoạt độ phóng xạ vượt tiêu chuẩn, ngoài hoạt độ phóng xạ thì theo kết luận thanh tra và phiếu phân tích mẫu thì nhiều chỉ tiêu khác cũng vượt ngưỡng quy định. Năm 2013, tổ giám sát của Bộ TN-MT lấy mẫu tại Công ty Phú Hiệp ghi nhận về hiện tượng phóng xạ cũng cho thấy cũng vượt tiêu chuẩn hàng chục lần. Năm 2015, Bộ TN-MT tiếp tục thanh tra hoạt động titan của 3 doanh nghiệp. Tất cả đều chưa có giấy xả thải đang hoạt động nhưng lấy cớ ngưng khai thác hoàn chỉnh hồ sơ nên Bộ TN-MT không lấy mẫu xét nghiệm.


Lê Phong (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.