Vỉa hè và không chỉ vỉa hè

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từng có thời, vỉa hè là... đặc trưng của phố xá Việt.    
Xuất thân là nông dân, khi lên phố sinh sống, bản chất tằn tiện, tiết kiệm, tận dụng... của những người coi đất là ngọc là vàng là kim cương... được phát huy, nên tất cả chỗ nào có thể tận dụng được là được tận dụng. Và thế là, vỉa hè trở thành nơi buôn bán, nơi sinh sống, thậm chí là nguồn sống chính của rất nhiều người, nhiều gia đình (có thời vỉa hè còn là chỗ trồng... khoai lang nữa).


Quả là, cái thời, dân ít đường rộng, vỉa hè cũng trở nên lãng mạn phết. Khá nhiều thơ ca, nhạc họa đã ca ngợi cái vỉa hè. Là nơi hò hẹn, nơi thăng hoa ký ức, nơi thả cảm xúc trữ tình vân vân các kiểu.

 

Tháo dỡ vật kiến trúc lấn chiếm vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) vào chiều 2-3. Ảnh: Duy Lê
Tháo dỡ vật kiến trúc lấn chiếm vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) vào chiều 2-3. Ảnh: Duy Lê

Đến mức, có lúc, thấy những cái vỉa hè thẳng băng, vắng vẻ, sạch bóng... có người lại thấy nó thiếu thiếu cái gì. Cái hơi thở phập phồng, cái nhộn nhịp tồn sinh, cái hối hả đời sống, cái tươi non gấp gáp của thời gian, cả cái không gian chật hẹp ấy nữa, nó cũng như một phần của phố...

Nhưng rồi, phải bình tâm nhìn lại, khi mà đường thì vẫn như thế, nhưng con người thì lại nhân lên gấp nhiều lần bằng nhiều lý do, nhiều cách và cái lòng tham thì lại không có điểm dừng. Từ việc kê vài cái ghế con con ngay trước cửa nhà, tận dụng một chút không gian sát hiên nhà mình, giờ người ta điềm nhiên coi toàn bộ vỉa hè trước cửa nhà là đất của mình, người ta có quyền bày ra đấy tất cả những gì thấy có lợi, từ bàn ghế bán cà phê, nước giải khát, đến bún phở..., nhẹ thì là nơi để xe máy cho khách hàng của mình. Thậm chí có nhà còn cho thuê vỉa hè trước cửa nhà, đương nhiên như nó là của mình. Tóm lại, tất cả người đi bộ đành phải... đi xuống lòng đường, là nơi dành cho xe cộ di chuyển, nhường vỉa hè cho mưu sinh.

Công năng chính của vỉa hè là để đi bộ. Cũng như thế, đường là để các phương tiện xe cộ di chuyển. Chả biết tự khi nào, chúng ta đã tự phát thay đổi công năng. Vỉa hè thành nơi buôn bán, còn đường thì dành một phần cho người đi bộ.

Vấn đề là, nó tạo ra sự bất bình đẳng, bởi hình như chưa ai đánh thuế vỉa hè, Nhà nước cũng không cho thuê vỉa hè, trong khi, nguồn thu từ vỉa hè là rất đáng kể. Đơn cử: quán cà phê sát nhà tôi, chỉ thuê cái sân nho nhỏ để xe cho khách đã phải trả 5 triệu đồng/tháng. Như thế, chỉ một quán cà phê nho nhỏ, độ chừng 5 mét mặt đường, mỗi tháng đã lời 5 triệu đồng nếu anh cho dựng xe ngay trước cửa quán. Cứ thế nhân lên, đủ thấy cái vỉa hè lợi hại đến thế nào, đấy là nói quán tôn trọng luật, bán cà phê trong nhà, chỉ tận dụng cái vỉa hè để dựng xe thôi. Còn lại phần đông, các quán đều... tranh thủ để dăm bảy bộ bàn ghế ra vỉa hè. Tranh thủ nhưng nó trở thành lâu dài và là nguồn thu chính.

Nó cũng còn là cái tâm lý người Việt nữa, tâm lý nhàn tản, lợi cho mình, tâm lý tranh thủ...
Quan sát mà xem, phải đến quá nửa các bà nội trợ đi chợ thích ngồi trên xe máy mua hàng thay vì dựng xe vào chợ. Đấy chính là lý do để dẫu có chợ, có sạp, nhưng người ta vẫn tràn ra vỉa hè, thậm chí là lòng đường để bán. Không có người mua, chắc chắn chả ai tràn ra đường bán cả.

Cũng như thế là cái thú... vỉa hè của khách ẩm thực. Cũng khá nhiều áng văn đẹp ca ngợi, miêu tả cái thú nhâm nhi ly cà phê sáng hoặc chiều ở một vỉa hè nơi thành phố lạ nào đó. Những là là đà sương sớm, là nắng chiều mong manh, là bước chân lữ thứ, là nao nao nỗi lòng... nó khiến cái cảm giác vỉa hè vừa đẹp vừa thổn thức mời gọi. Rồi ăn nhậu cũng thế. Chả biết tự lúc nào, người ta thích ngồi xà lển ở vỉa hè, cho khoái. Mà quả là, ngồi vỉa hè ngắm phố, ngắm người, chuyện vãn... nó cũng từng là cái thú của chính cả người đang viết bài này.

Nhưng để vỉa hè trở lại đúng công năng của nó, cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết để xã hội không bị xáo trộn. Bởi ngay Pleiku thôi, có cái chợ Hoa Lư cũng giải quyết mãi chả xong. Nhà nước đã làm cái chợ khá khang trang cách chợ cũ có mấy trăm mét, nhưng dân ta vẫn “cương quyết bám trụ” chợ cũ. Bao nhiêu cuộc đối thoại, bao nhiêu buổi làm việc, xem ra vẫn chưa đâu vào đâu.

Ngoài chuyện thay đổi tập tính, thói quen, cũng cần khảo sát nguyện vọng của bà con, để, một mặt lập lại trật tự vỉa hè, mặt nữa, đời sống bà con không bị xáo trộn, hoặc xáo trộn ít. Cần có nhiều phương án đặt ra để hợp tình hợp lý, bởi mỗi con người là một hoàn cảnh, chả ai giống ai để có thể nhốt chung vào một cái khung. Tất nhiên không có nghĩa là nhân nhượng nhưng cũng không thể ngay lập tức thẳng băng quy lát.

Vỉa hè, nó thân thương với từng người dân đô thị, thậm chí từng được nâng lên thành “Văn hóa vỉa hè”, nhưng rõ ràng đang có những vấn đề cần xử lý. Cảm xúc và quy phạm, ký ức và hiện tại, thói quen và nền nếp, pháp luật và a dua, mưu sinh và đời sống, một người và muôn người... đặt ra những vấn đề hết sức nghiêm túc, vừa khoa học vừa thấu tình đạt lý.

Và không chỉ vỉa hè, đô thị ta còn rất nhiều điều phải bàn tới, để nó là đô thị chứ không phải là cái làng được đánh số nhà, được trải nhựa. Lớn nhất, nó là ý thức thị dân của từng người sống ở đô thị. Nhưng thôi, trước hết, cứ từ cái vỉa hè cái đã...

Hoàng Hương Giang

Mấy hôm nay, hầu như ngày nào cũng có thông tin về việc quận 1-TP. Hồ Chí Minh ra tay giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Sau quận 1, vài quận khác cũng đang rục rịch. Còn Hà Nội, nơi mỗi mét vuông vỉa hè phố cổ trị giá mấy cây vàng, nghe nói cũng đang... nghiên cứu. So với các nơi ấy, vỉa hè ở Pleiku, ở Gia Lai “giản dị” hơn nhiều, song không phải là yên bình như nhiều người tưởng.

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.