Vị Xuyên, nhớ mãi 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huyện Vị Xuyên vừa nằm ở trung tâm, bao bọc tỉnh Hà Giang từ 3 phía Bắc - Tây - Nam, vừa có xã Thanh Thủy là tấm lá chắn bao bọc phía Tây Bắc của thành phố Hà Giang. Vì thế trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước, mảnh đất này chịu nhiều đau thương, tổn thất.
Nơi đây, đã có những cột mốc chủ quyền được dựng bằng máu xương, bằng tuổi xuân của biết bao người lính.  
Đồng đội ơi… tôi đưa anh về
Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới tại Vị Xuyên, đã có hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hi sinh và đến nay hài cốt vẫn nằm lại trong các khe đá, dưới vực sâu hay đã quyện chặt vào lòng đất nơi biên cương. 40 năm qua, việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ luôn là nỗi niềm đau đáu của chính quyền, của đồng đội và người thân của họ.
Cựu binh Lương Trí Liêu, nguyên đại đội phó, đại đội 2, tiểu đoàn 18, sư đoàn 356 ngẹn ngào kể lại câu chuyện đồng đội tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Thi và cùng với gia đình đưa anh về quê nhà tại thôn Bình Thượng, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên (Nam Định) an táng đúng vào dịp Tết Dương lịch 2019.
 
Hài cốt liệt sỹ Nguyễn Đình Thi cùng gia đình và đồng đội
Ngày 30/12/2018, anh Liêu cùng đồng đội và người thân của gia đình liệt sĩ Thi từ Hà Nội lên Hà Giang. Ngày 31/12 các anh lên điểm E1 685, xã Thanh Thủy thì trời vừa tối. Cả đoàn định nghỉ lại trên núi để tiện việc tìm kiếm cho ngày hôm sau nhưng dân quân địa phương bảo phải xuống núi trước khi trời tối hẳn, bởi nơi chiến trường cũ vẫn còn nhiều bom mìn rất nguy hiểm. Mờ sáng hôm sau, cả đoàn tiếp tục hành trình tìm kiếm. Đến một hốc đá nhỏ lưng chừng núi, anh Hùng - một cựu chiến binh trong đoàn - bỗng thốt lên giọng run run: “Đúng chỗ năm xưa đặt xác thằng Thi ở đây rồi. Thi ơi, anh cùng đồng đội và gia đình đã đến đây để đưa em về”. Và rồi cả đoàn bật khóc.
Trong hốc đá nhỏ chỉ 2 người lách vào được trước cửa vẫn còn cài mìn và 2 quả lựu đạn. Đội tìm kiếm sử dụng nghiệp vụ rà phá bom mìn tháo gỡ. Ngoài hài cốt của liệt sĩ Thi còn có di vật là 1 cái ví, trong ví có viên thuốc sốt rét, một di ảnh đằng sau có chữ HT nhưng đã bị mờ, 1 chai đựng rượu, 1 bát ăn cơm. Liệt sĩ Nguyễn Đình Thi nhập ngũ tháng 2/1984 khi mới 18 tuổi. Trong chiến tranh, anh đã anh dũng chiến đấu và hi sinh ngày 15/1/1985. Sau 34 năm kể từ khi anh ngã xuống, đồng đội đã tìm thấy anh và đưa anh về. Ngày 2/1/2019 tang lễ của liệt sĩ được tổ chức trọng thể tại quê nhà.  
Đài hương 468
“Trong lễ khánh thành dâng hương tại đài hương 468, những đồng đội chúng tôi vui lắm, chẳng ai nói được nhiều, chỉ lặng lẽ thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh”. Cựu chiến binh của Sư đoàn 356 Nguyễn Văn Kim chia sẻ chuyện anh và đồng đội góp sức xây dựng đài hương 468 tưởng niệm đồng đội.
Ngày 11/7/2013, như nhiều năm về trước, những cựu binh của Sư đoàn 356 Yên Bái, Hà Giang… mang đồ lễ lên cao điểm 468, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên để thắp hương bái vọng đồng đội. Hôm ấy trời lất phất mưa, đường lên cao điểm trơn trượt, đoàn phải đi bộ leo ngược dốc 500m mới đến chỗ bái vọng. Sau 1 phút mặc niệm, có người trong đoàn thốt lên: “Giá như chỗ này có một đài hương!”. Câu nói ấy khiến những cựu binh trăn trở và ý định xây dựng đài hương được hình thành.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hiện thực gặp không ít khó khăn, bởi tình hình chính trị Việt Nam và Trung Quốc đang ổn định hài hòa, việc xây dựng cần làm sao để không ảnh hưởng đến quan hệ giữa 2 nước. Cùng với đó vấn đề kinh phí xây dựng cũng được đặt ra. Những khó khăn về thủ tục xây dựng từng bước được khắc phục, kinh phí xây dựng gần 100 triệu đồng được anh em đồng đội khắp nơi đồng lòng quyên góp. Tháng 10/2013, việc xây dựng đài hương được động thổ. Đến ngày 23/11/2013, sau 3 tháng gian nan, cây hương 468 - cầu nối đầu tiên với anh linh các anh hùng liệt sĩ được khánh thành.
 
Ngôi mộ liệt sĩ tập thể mới được đưa về nghĩa trang Vị Xuyên năm 2018
Ngày 25/6/2016, Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên được khánh thành tại cao điểm 468. Nhà tưởng niệm đã xây xong, nhưng cây hương cũ đã xây dựng trước đây trở nên nhỏ bé. Vì vậy những cựu chiến binh sư đoàn 356 quyết định tôn tạo, nâng cấp cây hương và một lần nữa họ lại xuôi ngược xin thủ tục, kêu gọi công đức, kinh phí xây dựng.
Đài hương 468 được khởi công xây dựng, tôn tạo từ đầu tháng 11/2016 tại xã Thanh Thủy với tổng kinh phí 446 triệu đồng và đến ngày 17/1/2017 được khánh thành. Đài gồm nhà đài hương, bia tổ quốc ghi công, bia kiến lập đài hương, bia ký ức không quên. Công trình được xây dựng có ý nghĩa văn hóa, giá trị nhăn văn cao; đó cũng là tấm lòng, là nén tâm nhang của những đồng đội tưởng niệm các chiến sĩ anh dũng hi sinh trên mặt trận Vị Xuyên.  
"10 điều không" của lính Vị Xuyên
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vị Xuyên hiện nay có 1.772 mộ liệt sĩ của 32 tỉnh, thành phố của cả nước. Họ là những chiến sĩ đã hi sinh anh dũng bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương. Có những ngôi mộ có tên tuổi, nhưng còn nhiều ngôi mộ vô danh. Năm 2018, tỉnh Hà Giang tìm thêm được 10 ngôi mộ cá nhân và 1 ngôi mộ tập thể đều chưa xác định được danh tính
 
Những cựu chiến binh của sư đoàn 356 gặp nhau tại Vị Xuyên (Hà Giang)
Anh Bế Văn Sơn làm quản trang tại đây kể rằng, hàng năm có hàng nghìn cựu binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và các tầng lớp nhân dân đến đây dâng hương. Đặc biệt vào ngày 12/7 và ngày 27/7 mỗi năm có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cựu chiến binh lại về đây tỏa nhau đi thắp hương cho đồng đội. Bên những nấm mộ, mọi người đều chắp tay thành kính. Có người cứ đứng lặng lẽ nhìn ngắm mộ đồng đội, có người cười, người thủ thỉ kể lại chuyện xưa, người mắt rưng rưng lệ cầm chai rượu rót cho đồng đội 1 chén, mình 1 chén…
Phần lớn những liệt sĩ an nghỉ nơi đây đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Nhiều người mới rời ghế nhà trường và cũng nhiều người chưa kịp có người yêu. Trong cuốn sổ công tác của liệt sĩỹ Trần Trung Thực, được mẹ của liệt sĩ gửi cho cựu binh Kim Thanh là đồng đội, đồng hương của anh có những dòng thật xúc động: “Mẹ yêu quý của con! Mùa xuân về lại có ngày tết cổ truyền dân tộc. Là ngày vui nhất của mọi gia đình, vì ngày ấy là ngày xum họp, đoàn tụ. Với con 4 xuân rồi con không được về, xuân này là xuân thứ 5 mà chẳng có hi vọng đâu mẹ ạ…”.
Dù xa quê hương, xa người thân, dù chiến trường gian khó, bom đạn khốc liệt, trong nhật ký của mình liệt sĩ Trần Trung Thực luôn vững vàng lý tưởng: “Dù phải gian khổ, ác liệt cùng thiếu thốn, dù phải hi sinh đến tính mạng, chúng tôi cũng quyết tâm giữ đất và đánh địch tới cùng, với mong muốn một ngày không xa đất ta lại là của ta, non sông vẹn toàn và mãi thanh bình; không còn tiếng súng giặc, đồng bào các dân tộc lại trở về xây dựng bản làng giàu đẹp”. Và mùa xuân thứ 5 ấy, trong trận chiến ngày 14 - 15/1/1985 anh đã hi sinh trên điểm cao 300 - 400 tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
 
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên nơi yên nghỉ của hơn 1.700 liệt sĩ
Trước anh linh của các liệt sĩ, cựu binh Lương Trí Liêu đọc lại cho chúng tôi nghe "10 điều không" của lính Vị Xuyên: Khi gặp nhau không chào, không nói; không bắt tay khi gặp khi xa; không cắt tóc, không cạo râu; không mặc quần áo mới; không la cà, tụm 3 tụm 7; không gần gũi đàn bà; không ăn thịt vịt, trứng vịt, thịt chó, cá mè; không ăn cơm cháy cơm khê; khi ngủ không ngáy; không chửi thề, chửi tục. 10 năm chiến đấu, những người lính trên chiến trường Vị Xuyên luôn tâm niệm, phải sống để chiến đấu, không cho kẻ thù tràn xuống Hà Giang.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm lịch sử. Huyện biên giới Vị Xuyên đã vào xuân. Dưới thung lũng cao nguyên đá là những khu phố, bản làng san sát, hoa mận, hoa đào đã vào độ xuân, tiếng chim líu lo hót… khung cảnh thật yên bình. Trong mùa xuân hòa bình, ấm no lại nhắc nhớ thế hệ hôm nay biết trân trọng máu xương của biết bao người lính tuổi đôi mươi đã viết lên khúc tráng ca trong trận chiến giữ từng tấc đất, bảo vệ vùng trời của tổ quốc.
Đào Thanh (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...