Vị thế chiến lược mới của đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2023, thế giới có rất nhiều thách thức, bất ổn khó lường: Những đứt gãy, phân tách cả về địa chính trị, an ninh lẫn kinh tế. Cạnh tranh nước lớn, các cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Trung Đông, dịch chuyển các chuỗi cung ứng...

Tuy nhiên, cũng đan xen những cơ hội: Thế giới bước ra khỏi đại dịch, các nước vẫn cần duy trì xu thế hợp tác. Từ đó, rất nhiều vấn đề toàn cầu đặt ra: Hợp tác kinh tế, chống biến đổi khí hậu, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì chiêu đãi trọng thể Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, vào chiều 11-9-2023, tại Phủ Chủ tịch Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì chiêu đãi trọng thể Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, vào chiều 11-9-2023, tại Phủ Chủ tịch Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã rất chủ động và tích cực trong tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, ở cả cấp toàn cầu và khu vực, ở các tầng nấc khác nhau và trên các lĩnh vực khác nhau.

Việt Nam đã tham gia nhiều cơ chế, các vị trí lãnh đạo của các tổ chức toàn cầu và khu vực như: Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), Hội đồng Chấp hành UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ), Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, là một trong những phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ... Từ đó, Việt Nam vừa tham gia xây dựng các chương trình nghị sự của thế giới vừa định hướng các hợp tác quốc tế, đồng thời cũng tham gia giải quyết các vấn đề ưu tiên mang tính toàn cầu.

Việt Nam chủ động hội nhập để tranh thủ các nguồn lực phục vụ cho phát triển, đồng thời thích ứng với những biến động của thế giới, nhất là việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh, cạnh tranh nước lớn, các cuộc khủng hoảng trên thế giới...

Không những thế, Việt Nam tham gia những xu hướng phát triển kinh tế mới để tranh thủ các nguồn lực chất lượng cao và bền vững như: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng... Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP), Việt Nam có những cam kết rất mạnh mẽ về giảm khí phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm môi trường. Từ đó tạo vị thế để nước ta có thể tranh thủ được nguồn lực quốc tế, như quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Những nước có nền kinh tế phát triển nhất đã cam kết cùng Việt Nam huy động nguồn lực trên 15,5 tỉ USD để hỗ trợ phát triển và chuyển đổi năng lượng.

Việc chủ động và tranh thủ các nguồn lực không chỉ phục vụ cho mục tiêu trước mắt là bình ổn và phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn giúp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng, tham gia và tranh thủ những nguồn lực có chất lượng cao hơn và bền vững hơn.

Đặc biệt, thông qua ngoại giao đa phương, đã kiến tạo và bảo đảm môi trường thuận lợi vững chắc cho hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam.

Trong khu vực ASEAN, đó là xây dựng môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực, trong đó có việc xây dựng cộng đồng, hội nhập, phát triển, vấn đề về biển Đông, tiểu vùng Mê Kông.

Không chỉ thế, Việt Nam đã tích cực tham gia hợp tác để thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu giải quyết những thách thức an ninh phi truyền thống như tham gia COP 28 hay Hội nghị Thượng đỉnh "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC). Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, trực tiếp liên quan đến môi trường phát triển và môi trường sinh tồn của các quốc gia.

Tại LHQ và trong ASEAN, Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển... Từ đó giúp cho việc củng cố các chuẩn mực ứng xử trong khu vực và trên thế giới khi thế giới có nhiều bất ổn, cạnh tranh.

Ngoại giao năm 2023 đã gặt hái được những thành tựu, những dấu ấn rất quan trọng mang tính lịch sử, tạo ra một vị thế chiến lược rất mới cho đất nước.

Trong năm 2024, tình hình thế giới sẽ tiếp tục có những chuyển biến bất ổn khó lường, nhiều cơn gió ngược của năm 2023 vẫn tiếp tục. Trong đó có cạnh tranh nước lớn, các cuộc khủng hoảng chưa được giải quyết, sự phân tách, đứt gãy các chuỗi cung ứng, các thách thức an ninh phi truyền thống, phát triển công nghệ... đặt ra những cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam.

Những thành tựu của năm 2023 cả về đối nội và đối ngoại đã tạo cho Việt Nam một tư thế và một vị thế mới trong hoạt động đối ngoại, trong đó có hội nhập đa phương cho hòa bình, an ninh, phát triển. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa những thành tựu đó, sắp tới còn nhiều việc phải làm.

Thế giới vẫn còn phân cực và cạnh tranh nên để củng cố thế chiến lược để có thể quan hệ tốt với tất cả các đối tác, đồng thời phát huy được vai trò ở các thể chế đa phương, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Rất nhiều cơ hội hợp tác quốc tế về kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2023 và rất nhiều đề xuất hợp tác của các nước, trong đó có hợp tác song phương và đa phương, như chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh hay công nghệ chất bán dẫn… Để hiện thực hóa các cơ hội này, cùng với tranh thủ nguồn lực bên ngoài, bản thân nền kinh tế Việt Nam phải tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực. Ba khâu then chốt về kinh tế là khung chính sách, nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở không chỉ cần được củng cố và phát huy hiệu quả hơn mà còn phải đáp ứng được những xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới về: Chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo.

Ngoại giao Việt Nam từ sự thích ứng chiến lược của những năm trước như thích ứng để kiểm soát dịch bệnh, để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, để ứng phó với cạnh tranh nước lớn thì đến năm 2023 đã thực sự chuyển sang chủ động chiến lược. Năm 2024, chắc chắn ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục sự chủ động chiến lược hơn nữa để mang lại những "trái ngọt" cho đất nước về hòa bình, hợp tác, phát triển.

Đại sứ PHẠM QUANG VINH - Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Có thể bạn quan tâm

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.