Vì sự an toàn và ổn định đời sống cho người dân - Kỳ I: Đầu tư cho những vùng đất mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để bảo đảm an toàn, ổn định đời sống cho nhân dân, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp dân cư ở huyện Đăk Glei, Đăk Hà, Sa Thầy và Kon Plông. Từ nguồn vốn đầu tư của các dự án, các khu tái định cư được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, đời sống của đa số người dân dần ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những vướng mắc đang được các cấp, các ngành nỗ lực phối hợp để tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.

Từ các nguồn vốn, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư các dự án bố trí, sắp xếp dân cư lớn: Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay thuộc xã Đăk Long), huyện Đăk Hà; Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei; Các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn huyện Sa Thầy; Dự án di dân, tái định cư, tái định canh thủy điện Đăk Đrinh, huyện Kon Plông. Với sự đầu tư khá đồng bộ từ kết cấu hạ tầng đến xây dựng nhà ở, cấp đất ở, đất sản xuất, cuộc sống của người dân dần ổn định trên vùng đất mới.

Cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư được đầu tư khá khang trang, sạch đẹp. Ảnh: V.P

Cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư được đầu tư khá khang trang, sạch đẹp. Ảnh: V.P

Tỉnh ta là tỉnh miền núi, địa hình đồi núi hiểm trở nên nhiều hộ dân, khu dân cư nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, mất an toàn. Bên cạnh đó, với việc đầu từ các dự án công trình thủy điện nên người dân phải di dời, nhường đất cho xây dựng các công trình. Do đó, với mục tiêu để cho người dân có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ, các dự án đã triển khai xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng hoàn thiện tại các khu tái định cư mới để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. Nhìn chung, các dự án bố trí, sắp xếp dân cư đã quan tâm đầu tư cho người dân ở các vùng tái định cư vừa đảm bảo có nhà ở (xây dựng nhà, cấp đất ở), có sinh kế để sản xuất (cấp đất sản xuất cho từng hộ, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tập huấn khuyến nông khuyến lâm, đào tạo nghề), vừa đầu tư kết cấu hạ tầng điện, nước sạch, trường học, hệ thống giao thông, công trình thủy lợi để ổn định cuộc sống.

Đơn cử như: Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay thuộc xã Đăk Long), huyện Đăk Hà giai đoạn 2009 -2015 có tổng diện tích quy hoạch 690ha (gồm đất quy hoạch điểm dân cư 110ha, quy hoạch đất sản xuất 580ha), bố trí ổn định dân cư 300 hộ với 1.500 nhân khẩu, thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông. Tổng mức đầu tư là 149 tỷ 125 triệu đồng. Tổng số hộ lên khu tái định cư là 126 hộ/677 khẩu. Cùng với đầu tư xây nhà, người dân nơi đây an cư trên vùng đất mới với hệ thống điện, đường, trường học (mầm non, tiểu học), nước sạch; được cấp đất ở, đất sản xuất để giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Huyện Đăk Hà đã tiến hành cấp bình quân mỗi hộ nhận 6.705m2 đất sản xuất (trong đó có đất trồng cây cà phê đang kinh doanh) để người dân ổn định cuộc sống ở nơi ở mới.

Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei với tổng diện tích đất 60ha, bố trí, sắp xếp, di dời và tái định cư cho 662 hộ/2.184 khẩu. Trong đó, bố trí ổn định tập trung tại 9 điểm tái định cư cho 577 hộ (xã Đăk Pét, bố trí 2 điểm tái định cư cho 112 hộ, gồm 1 điểm tại thôn Măng Rao cho 87 hộ và 1 điểm tại thôn Đông Thượng cho 25 hộ); xã Đăk Choong bố trí 1 điểm tái định cư tại thôn Kon Riêng cho 96 hộ; xã Đăk Man 1 điểm tái định cư tại thôn Đông Nây cho 30 hộ; xã Đăk Kroong 1 điểm tái định cư tại thôn Đăk Sút cho 30 hộ; thị trấn Đăk Glei 2 điểm tái định cư cho 159 hộ (tại thôn Long Nang cho 95 hộ và thôn Chung Năng cho 59 hộ); xã Đăk Kroong 1 điểm tái định cư tại thôn Đăk Gô, thôn Đăk Túc cho 135 hộ; xã Đăk Nhoong 1 điểm tái định cư tại thôn Đăk Nhoong cho 20 hộ. Bên cạnh đó, ổn định tại chỗ cho 85 hộ (xã Đăk Long sắp xếp ổn định tại chỗ tại thôn Đăk Ác cho 25 hộ và tại thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong cho 60 hộ) với tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ năm 2010- 2020, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành cơ bản đầy đủ và đồng bộ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ đời sống, sản xuất cho nhân dân tại 9 điểm bố trí tập trung tái định cư nêu trên.

Người dân ổn định ở khu tái định cư Long Nang, huyện Đăk Glei. Ảnh: VP

Người dân ổn định ở khu tái định cư Long Nang, huyện Đăk Glei. Ảnh: VP

Tại huyện Sa Thầy cũng có 3 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư gồm: Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do và dân cư vùng biên giới với tổng mức đầu tư gần 11 tỷ đồng, đã đầu tư hạ tầng để phục vụ đời sống, giải quyết khó khăn về đất ở và đất sản xuất (bố trí 400m2 đất ở và 600m2 đất sản xuất/hộ) cho 35 hộ dân di cư tự do khu vực biên giới xã Mô Rai, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới.

Dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng biên giới huyện Sa Thầy tại làng Rẽ, xã Mô Rai với tổng kinh phí 40 tỷ đồng và từ năm 2015-2019, đã sắp xếp, ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất (bố trí 400m2 đất ở và 1.100m2 đất sản xuất) cho 69 hộ với 237 nhân khẩu (xã Rờ Kơi 9 hộ; xã Ya Xiêr 2 hộ; xã Sa Sơn 1 hộ; xã Mô Rai 57 hộ).

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giãn dân làng Xộp, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy với tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng và hiện tại chủ đầu tư dự án (Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện) đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Còn huyện Kon Plông, Dự án di dân, tái định cư, tái định canh thủy điện Đăk Đrinh đã được triển khai với tổng số tiền phê duyệt bồi thường, hỗ trợ 298,5 tỷ đồng. Dự án đã thực hiện di dân từ tháng 8/2013 với số hộ đã di dời đến khu tái định cư nơi ở mới là 192 hộ, với 843 khẩu; mỗi hộ tái định cư được cấp từ 800m2-1.000m2 (gồm đất ở và đất vườn), đất trồng cây hàng năm 10.000m2, đất trồng lúa nước 2.000m2. Các hạng mục công trình xây dựng kết hợp với khu tái định cư như: điện, đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, trạm y tế được đầu tư hoàn thiện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Với sự quan tâm đầu tư khá đồng bộ, trên những vùng đất trước đây là hoang hóa đã trở thành những khu dân cư mới khang trang và an toàn. Nhiều khu, điểm tái định cư có 100% số hộ trong diện di dời đến sinh sống ổn định. Chẳng hạn như ở huyện Đăk Glei có điểm tái định cư thôn Đăk Sút, xã Đăk Kroong 40/40 hộ, điểm tái định cư thôn Đông Nây, xã Đăk Man có 34/34 hộ, điểm thôn Kon Riêng, xã Đăk Choong 104/104 hộ, điểm thôn Đông Thượng, xã Đăk Pék 17/17 hộ. Ở huyện Sa Thầy đã có 35/35 hộ di cư tự do ở khu vực biên giới xã Mô Rai đã về sinh sống ổn định; hay 69/69 hộ đã tập trung sinh sống ổn định ở làng Rẽ, xã Mô Rai.

Trên vùng đất mới, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường trạm, nước sinh hoạt được đầu tư bài bản, khang trang khiến người dân cảm thấy yên tâm và hài lòng với cuộc sống thuận lợi, ổn định. Ông A Ráp (thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei) phấn khởi: Trước đây sống ở làng cũ không chỉ cách xa trung tâm, đi lại khó khăn mà đến mùa mưa bão, dân làng ai cũng nơm nớp lo sợ bị sạt lở. Nay chuyển về khu tái định cư nằm trên khu đất bằng phẳng cách đường Hồ Chí Minh và dòng sông Pô Cô vài trăm mét. Tuy đất hẹp hơn so với nơi ở cũ nhưng mọi chuyện thuận tiện hơn, đường sá, điện, nước được đầu tư khá đồng bộ, khu dân cư gần trung tâm, gần quốc lộ nên rất thuận tiện trong việc đi lại, trao đổi hàng hóa. Gần 100 hộ dân trong thôn chuyển đến đây ai cũng mừng. Sau gần 2 năm, cùng với số tiền được hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng/hộ, các hộ trong làng đều đầu tư thêm để xây dựng nhà cửa kiên cố, an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới.

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...