UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa công bố việc đóng, mở vùng nước (vùng 2) để các doanh nghiệp, cá nhân có thể kinh doanh hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long thực hiện theo quy định.
Chèo thuyền kayak tại Vịnh Hạ Long. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Chịu ảnh hưởng nặng nề suốt hơn 2 năm do dịch COVID-19, nhưng khi du lịch được mở cửa hoạt động trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lại gặp khó khăn do các cơ quan chức năng địa phương chậm triển khai các quy định mới của Nhà nước.
Có thể nói từ ngày 1/1/2022 đến nay, tất cả các hoạt động chèo đò tay, chèo kayak trên vịnh Hạ Long đều trái phép, kể cả doanh nghiệp đã từng được cấp phép, hoặc chưa được cấp phép mới.
Nguyên nhân do Nghị định 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ về quản lý hoạt động các phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước có quy định Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng 2 (vùng nước không nằm trên tuyến vận tải thủy nội địa).
Điều 30 - Điều khoản chuyển tiếp của Nghị định quy định rõ: vùng hoạt động, người lái phương tiện đã phục vụ vui chơi giải trí dưới nước trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này được tiếp tục hoạt động đến ngày 31/12/2021.
Từ ngày 1/1/2022, nếu muốn tiếp tục hoạt động phải thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan tại Nghị định này.
Tuy nhiên, đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa công bố việc đóng, mở vùng nước (vùng 2) để các doanh nghiệp, cá nhân có thể kinh doanh hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long thực hiện theo quy định.
Thêm vào đó, theo quy định mới của Nghị định 48/2019/NĐ-CP, việc công bố mở vùng nước hoạt động chỉ cấp cho 01 đơn vị kinh doanh dịch vụ.
Trong khi đó, hiện tại có 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước ở vịnh Hạ Long (10 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ chèo kayak với 2.135 chiếc và 5 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đò chèo tay với 240 đò).
Riêng khu vực Hang Luồn của vịnh Hạ Long hiện có 3 đơn vị đang hoạt động kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí dưới nước và Công ty Cổ phần dịch vụ Vịnh Hạ Long đã có chủ trương cho phép bổ sung phương tiện của Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long.
Sở Du lịch Quảng Ninh đề xuất triển khai lập quy hoạch, xây dựng phương án/đề án khai thác sản phẩm du lịch chèo đò tay, thuyền kayak trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt để đấu giá hoặc đấu thầu quyền khai thác dịch vụ, đảm bảo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, Ủy ban Nhân dân thành phố hiện chưa đủ căn cứ để chấp thuận cho các đơn vị đã có chủ trương được phép bổ sung phương tiện tổ chức hoạt động dịch vụ đò chèo tay, thuyền kayak trên mặt nước vịnh Hạ Long, cũng như không có cơ sở để hướng dẫn các đơn vị đang hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí ở khu vực Hang Luồn hoàn thiện các thủ tục hoạt động theo đúng quy định.
Điều này càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp bởi họ không biết phải gỡ khó từ đâu.
Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Vịnh Hạ Long Nguyễn Xuân Tùng cho hay, qua hơn 2 năm dịch COVID-19, đến nay, du lịch mở cửa trở lại, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua sắm đò và thuyền kayak theo đúng chủ trương được Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long phê duyệt, song lại vướng mắc thủ tục không thể đưa vào hoạt động và không biết gỡ khó từ đâu nên nhiều lao động của công ty phải nghỉ việc luân phiên.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc thực hiện Nghị định 48/2019/NĐ-CP cần có lộ trình. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố vùng nước hoạt động của dịch vụ kayak, đò chèo tay trên vịnh Hạ Long.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tránh bị gián đoạn hoạt động kinh doanh, ngày 18/10/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long đã có văn bản số 8316/UBND-QLĐT đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch điều chỉnh để bảo tồn phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long, trong đó có bổ sung cụ thể các khu vực hoạt động của các phương tiện vui chơi giải trí dưới nước để các sở, ngành, địa phương có cơ sở giải quyết nhu cầu kinh doanh dịch vụ của các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước ở vịnh Hạ Long hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của Nghị định 48/2019/NĐ-CP.
Riêng đối với các vùng nước thuộc vùng 2 trên vịnh Hạ Long, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố mở vùng nước và giao cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long quản lý, ký hợp đồng với các đơn vị có nhu cầu kinh doanh dịch vụ.
Theo Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)