Vì sao Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên lại trễ hẹn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cả về khách quan và chủ quan khiến không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Nhà thầu thi công một dự án giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhà thầu thi công một dự án giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với việc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được gia hạn hoàn thành sang năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải vừa chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân khiến dự án này không thể về đích đúng hẹn vào năm nay.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, 7 gói thầu xây lắp đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai đã được các nhà thầu thi công phủ kín bề mặt bê tông nhựa được 94,1/125,7km (đạt 75%) đã góp phần nâng cao an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 19; trong đó có một số gói thầu đã triển khai thi công cơ bản hoàn thành bê tông nhựa như: gói XL03, 04B, 06, 07.

“Việc sớm hoàn thành dự án đưa vào khai thác, sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và kết nối với nước bạn Campuchia,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công, phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc cả về khách quan và chủ quan như thời gian đầu triển khai thực hiện dự án là thời điểm cao trào bùng phát dịch COVID-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa di chuyển nên việc huy động thiết bị, nhân sự gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với nhân sự tư vấn giám sát người nước ngoài.

Ngoài ra, mùa mưa khu vực Tây Nguyên thường kéo dài từ 5-6 tháng/năm. Riêng năm 2022, khu vực Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài, liên tục (khoảng 6-7 tháng), nhiều đoạn tuyến đã thi công hoàn thành lớp móng đường cấp phối đá dăm đã bị mưa lũ cuốn trôi, phải làm đi, làm lại nhiều lần và không thể triển khai thi công các lớp mặt đường làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các gói thầu, dự án.

Hơn nữa, từ khoảng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 địa phương hạn chế cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp nền đường. Từ tháng 3/2023, địa phương có chủ trương tạm dừng cấp phép và gia hạn khai thác để rà soát lại các thủ tục gia hạn thời gian khai thác, cấp mới các mỏ đất san lấp và lấy ý kiến bổ sung của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên đến nay vẫn chưa cấp phép lại.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có các mỏ đất thương mại nên dự án không có nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường nhất là việc dừng cấp phép khai thác các mỏ đất đúng vào thời điểm mùa khô khu vực nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công hoàn thành dự án.

Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu nên một số nhà thầu thi công cầm chừng, chưa quyết liệt triển khai thi công và có tâm lý chờ bình ổn giá để hạn chế thiệt hại về kinh tế. Bộ Giao thông Vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như Gói thầu XL02 đoạn Km6+00-Km13+600 mới được địa phương bàn giao mặt bằng từ cuối tháng 1/2023, hiện vẫn còn 500m chưa bàn giao mặt bằng; quá trình triển khai thi công còn một số vướng mắc gồm chưa di dời đường điện 22kV, một số hộ dân chưa cho thi công đoạn cuối tuyến gói thầu XL04B, 5 hộ dân trên địa phận gói XL05 chưa cho thi công rãnh dọc,...

Tuy nhiên, nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai như hiện nay là rất khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai quan tâm, có ý kiến với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và các cơ quan ban, ngành của địa phương tạo điều kiện, hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết thủ tục liên quan đến gia hạn thời gian và cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp sử dụng cho dự án để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án) yêu cầu các nhà thầu thi công lập lại tiến độ thi công chi tiết đối với các hạng mục công việc còn lại của từng gói thầu và quyết liệt, tập trung huy động máy móc thiết bị, nhân lực, vật tư vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2024.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiến hành thành nâng cấp khoảng 127km quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27-35km tuyến tránh với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD. Trong tổng vốn đầu tư của dự án, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Đằng sau mỗi công trình 'cán đích'

Ở thời điểm hiện tại, nhiều dự án cầu, đường tại TP.HCM đang chạy đua về đích mừng năm mới. Đi kèm với đó là sự thở phào nhẹ nhõm, vui mừng phấn khởi của rất nhiều người dân TP nói chung và người dân khu vực đó nói riêng.