Chuyện dự án thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có dấu hiệu cố ý làm trái quy định pháp luật về vận hành hồ chứa cho thấy thêm một mảng tối trong hoạt động của hệ thống thủy điện nhỏ hiện nay.
Giữa mảng tối ấy, chủ đầu tư muốn làm gì thì làm, chính quyền địa phương (huyện Nam Đông) có lên tiếng cũng mặc. Quy định bắt buộc dự án phải mở hoàn toàn các van đập tràn để phòng chống bão lũ nhưng chủ đầu tư chỉ mở cho có, cố tình tích nước dù chưa được phép, gây nguy cơ hình thành "túi bom" trên đầu người dân ở hạ du, nhất là khi miền Trung vẫn còn đang trong giai đoạn cao điểm của mưa bão. Đó là chưa nói địa hình nơi thủy điện Thượng Nhật khá nguy hiểm, dễ sạt lở, mất an toàn hồ đập...
Vì sao có sự bất tuân như thế? Làm việc với đoàn công tác của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) chiều 17-11, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam - chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật - đã nêu nhiều yếu tố để giải thích cho việc làm của mình. Dù vậy, điều không nói ra nhưng ai cũng hiểu đó là họ tích nước bởi vì tiếc của! "Dân thủy điện" ai cũng biết hễ có nước là có tiền. Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam đã ký hợp đồng bán điện cho điện lưới quốc gia, chỉ chờ phát điện là thu lợi, do đó, phải tranh thủ tích nước để phòng tình huống sắp tới trời dứt mưa, nước về hồ không đạt kỳ vọng... Việc làm đó thể hiện khá rõ tư duy thủ lợi và coi thường tính mạng người khác. Không cần nói nhiều, Bộ Công Thương và tỉnh Thừa Thiên - Huế phải trừng phạt thật mạnh tay những trường hợp như thế này. Và ngày 17-11, Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết đã ngừng hợp đồng mua điện của Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Một mảng tranh tối tranh sáng nữa mà pháp luật hiện hành chưa làm rõ, là trong trường hợp các công trình thủy điện tích nước sai quy định, khi có mưa lớn gây lũ lại xả nước, gây họa về phía hạ lưu thì ai bồi thường thiệt hại cho dân? Còn nhớ, rạng sáng 25-6-2019, thủy điện Sử Pán 1 xả lũ sai quy định, cũng không thông báo, khiến người dân xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thiệt hại về tài sản khoảng 17 tỉ đồng. Nhưng chủ đầu tư nhà máy này chỉ bị phạt hành chính 120 triệu đồng và không chịu bồi thường cho dân, chỉ đồng ý "hỗ trợ" với mức... 1,6 tỉ đồng. Rồi chẳng ai làm gì được họ! Mới đây, cuối tháng 10-2020, thủy điện Đắk Mi 4 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) xả lũ theo kiểu "đùng một cái". Dân địa phương chìm trong biển nước, mất của, than khóc vang trời. Lãnh đạo huyện Nam Giang kiên quyết yêu cầu Đắk Mi 4 bồi thường trong khi lãnh đạo ngành nông nghiệp và công thương tỉnh thì... biểu dương thủy điện này xả nước đúng quy trình, cắt lũ tốt (!). Rốt cuộc là dân sai hay sao?
Từ đó mới thấy thái độ của nhà chức trách địa phương là rất quan trọng. Với các thủy điện công suất lắp máy từ 30 MW trở xuống thì do địa phương thẩm định và cấp phép. Số lượng dự án thủy điện có công suất ở tầm mức này đang chiếm đa số và nguy cơ gây họa từ thủy điện "cóc" cũng lớn nhất. Vì vậy, khi hữu sự, nếu lãnh đạo địa phương chỉ đứng về phía chủ đầu tư thì thật là bất hạnh cho dân chúng!
Theo Cát Tường (NLĐO)