(GLO)- Cũng như bao làng chài ven biển của dải đất miền Trung, xưa nay làng Trung Thanh (xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) vẫn lặng lẽ, yên bình vốn có của vùng đất trong sông ngoài biển, không có đất nông nghiệp, người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Rồi bỗng một ngày đầu tháng 7-2016, cái làng chài ấy chuyển mình bước vào cuộc sống mới, sôi động, rực rỡ.
Du khách thích thú chụp ảnh bên những bức vẽ. |
Có được điều này là nhờ dự án do UBND TP. Tam Kỳ, Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), Tổ chức UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khoảng 20 ngày. Dự án vẽ tranh tường nhằm đưa làng chài ít người biết đến này trở thành một điểm đến du lịch trong tương lai, theo nguyên thể làng bích họa ở Daegu, Hàn Quốc.
Người dân nơi đây bao đời nay sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Đàn ông và trai tráng lênh đênh suốt tháng, có khi nửa năm mới về. Còn phụ nữ của làng thì ở nhà buôn bán vặt và nội trợ. Từ khi dự án hoàn thành, làng Trung Thanh trở thành điểm du lịch thì họ có thêm nhiều nghề phụ như: bán đồ lưu niệm, giữ xe, bán nước, cho thuê nón, ô… Trong làng có gần trăm người tham gia các dịch vụ du lịch. Tự phát thôi nhưng cũng phần nào làm khách hài lòng bởi sự chân chất, thật thà của họ.
Có thể nói rằng, từ ngày hàng chục sinh viên mỹ thuật đến từ Hàn Quốc cùng tình nguyện viên Hàn-Việt tân trang những bức tường gạch nhem nhuốc màu thời gian trong làng thành những bức tranh chân thật, sống động thì cuộc sống người dân đã dần thay da đổi thịt. Làng có gần 200 nhà thì trên 100 căn được tu sửa, sơn mới và 70 căn trong số có tranh vẽ. Mỗi căn nhà là một bức tranh và mỗi bức tranh là một thông điệp mang linh hồn của chủ nhân được họa sĩ truyền tải.
Tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi bước trên con đường vừa nâng cấp mở rộng, xem những bức tranh, rất bình dị, giản đơn tùy thuộc vào vị trí hay nghề nghiệp của chủ nhân nhưng có gì đó rất thật, khiến người xem thán phục. Con đường dẫn ra sẽ đẹp hơn, thơ mộng hơn bởi bức họa hoàng hôn xuống biển, tuổi thơ sẽ được gọi về từ những đứa trẻ vô tư đá bóng, thả diều hay tình quê ấm nồng, hình ảnh mẹ thấp thoáng trong phiên chợ quê. Rồi khung cửa sổ cũ kỹ nhưng sặc sỡ sắc màu. Cả hình ảnh cô nữ sinh thướt tha trong tà áo dài hồn nhiên, trong trẻo làm sao. Tôi cũng đã dừng lại thật lâu trước bức ảnh người đàn ông làng chài với cặp mắt trũng sâu đầy lo nghĩ nhưng nụ cười rạng rỡ. Bức hình này quá chân thực. Người họa sĩ đã tài tình mang cả nỗi lòng nhân vật vào trong những bức tranh. Rồi cuộc sống đời thường cũng được truyền vào tranh. Một tiệm cắt tóc chật chội, cũ kỹ, một căn nhà nhỏ của cụ bà cô đơn, nghèo khó nay trở nên tươi sáng, nhộn nhịp… Có thể thấy, qua từng bức vẽ, cuộc sống của người dân nơi đây dường như trở nên nhẹ nhàng thư thái hơn bao giờ hết, khác hẳn gam màu trầm lam lũ của làng chài ven biển trước kia.
Mục tiêu dự án là đưa nghệ thuật ứng dụng vào cuộc sống với thông điệp “Art for a better community-Nghệ thuật vì một cộng đồng tốt đẹp hơn” đã thành công. Đến với làng Trung Thanh hôm nay, du khách sẽ cảm nhận được sự đổi thay lớn trong cuộc sống và suy nghĩ của người dân. Chọn được làng chài này thực hiện dự án là bước đầu cho việc nhân rộng mô hình du lịch đặc sắc ở các địa phương khác, bởi nói như nữ họa sĩ tự do xinh đẹp 25 tuổi Oh Ye Seul: “Trước giờ chỉ được biết đến Việt Nam qua truyền hình, nhưng khi qua đây mình thật sự bị thu hút, ấn tượng bởi cả cảnh sắc và con người Việt. Người dân rất chất phác, thân thiện”. Tuy nhiên, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, lòng tự hào của người dân luôn được chú trọng bởi chính họ là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi diện mạo một làng quê, thúc đẩy du lịch phát triển, giúp người dân địa phương được sống trong không gian văn hóa nghệ thuật thực sự.
Sơn Trần