Tạo sức bật cho du lịch Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi đất trời Tây Nguyên chớm lạnh cũng là lúc cỏ hồng bừng sắc dưới những tán thông xanh, tạo nên một vẻ đẹp riêng có nơi rừng thông ở xã Glar, huyện Đak Đoa.

Hàng năm, UBND huyện Đak Đoa chọn địa điểm này tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc để tôn vinh sắc màu văn hóa, thiên nhiên và tạo sức bật cho ngành du lịch địa phương.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa năm nay gắn với lễ hội cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản diễn ra giữa những ngày đông cỏ rực hồng ở Glar. Những mảng màu văn hóa hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cộng hưởng tạo nên sự kiện nhiều cảm xúc, được người dân và du khách đón đợi.

tao-suc-bat-cho-du-lich-dak-doa-dd.jpg
Biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa. Ảnh: Phạm Quý

Những mảng màu văn hóa

Từ sáng sớm, các nghệ nhân đến từ 15 xã, thị trấn trong toàn huyện đã nô nức hội tụ tại khu vực rừng thông xã Glar trong sắc phục dân tộc đặc trưng. Họ mang theo di sản quý giá đã trường tồn qua thời gian, đó là những bộ chiêng quý, nhiều đạo cụ như khiên, kiếm, giáo mác, mặt nạ hóa trang… để tái hiện không gian huyền ảo của vùng đất lễ hội. Mỗi đội mang đến một mảng màu văn hóa đặc sắc gắn với các nghi thức truyền thống như: lễ pơ thi, mừng lúa mới, mừng Tây Nguyên thắng trận…

du-khach-thich-thu-voi.jpg
Du khách thích thú với màn hóa trang trong lễ pơ thi. Ảnh: Hoàng Ngọc

Những gì các đoàn nghệ nhân mang đến ngày hội phản ánh nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị di sản tại cộng đồng. Già làng Blơng (làng Bông, xã Hà Bầu) cho biết: Suốt nửa tháng qua, đêm nào cả làng cũng tập luyện, chuẩn bị đạo cụ cho phần trình diễn bài chiêng trong lễ pơ thi. Già Blơng còn làm mô hình nhà mồ với những con rối gỗ xung quanh. Hai nghệ nhân đi đầu vừa khiêng mô hình, vừa giật dây để rối chuyển động.

Già Blơng cho hay: “Suốt quá trình chuẩn bị, đám trẻ thường hỏi vì sao phải hóa trang ma bùn, vì sao phải có hình nhân bằng gỗ mặc đồ truyền thống, vì sao phải có cái này, cái kia trong lễ pơ thi. Mình phải giải thích cặn kẽ để lớp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội truyền thống. Sau này, khi người già mất đi, truyền thống văn hóa ấy vẫn được thế hệ trẻ làng Bông giữ gìn, tiếp nối”.

thi-gia-gao-tai-hien-mot-net-van-hoa-cua-phu-nu-tay-nguyen.jpg
Thi giã gạo tái hiện một nét văn hóa của phụ nữ Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đây là năm thứ 2 nội dung thi giã gạo đôi được đưa vào ngày hội, góp sắc màu riêng bởi sự sôi nổi, hồi hộp. Người dự thi phải dùng sức lẫn sự khéo léo trong từng nhịp giã để hạt gạo trắng, không bị nát.

Chị Yah (làng Ktăng, xã Kdang) hào hứng cho biết: “Theo quan niệm truyền thống, giã gạo là việc của người phụ nữ trong gia đình, dù công việc này rất nặng nhọc. Mỗi lần giã xong 1 bao lúa là tay, vai mỏi nhừ. Nhưng hiện nay, hầu hết các làng đều đã có máy xát gạo nên phụ nữ không còn phải làm công việc này. Dù vậy, mình vẫn không quên cách cầm chày, phân phối sức để giã. Nếu giã mạnh và kỹ quá, gạo sẽ nát; còn giã nhẹ thì gạo sẽ không bong hết trấu và không trắng. Mình không chỉ cổ vũ cho đội của xã mà cho tất cả chị em thi giã gạo”.

Cũng theo chị Yah, dù có máy xát thay thế nhưng giã gạo vẫn là một nét văn hóa truyền thống được lưu giữ trong cộng đồng. Người phụ nữ vẫn giã gạo làm cơm lam, nấu cháo trong dịp lễ hội, trong các nghi thức riêng của gia đình, dòng họ.

nhung-mang-mau-van-hoa-tai-ngay-hoi-anh-binh-nguyen.jpg
Những mảng màu văn hóa tại Ngày hội. Ảnh: Bình Nguyên

Đa dạng các nội dung trong ngày hội giúp bà con thêm trân quý di sản được trao truyền. Từ đó, nêu cao tinh thần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong cuộc sống hôm nay.

Ông Đinh Ơng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức ngày hội-nhấn mạnh: “Chủ thể của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc chính là người dân. Do đó, ngày hội là hoạt động thường niên để huyện nhìn nhận, đánh giá công tác này từ cộng đồng. Ngày hội còn là cầu nối giúp đồng bào các dân tộc trong huyện gặp gỡ, cùng nhau thực hiện tốt phương châm: Người đi trước truyền lại cho người sau; ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu; cộng đồng học hỏi lẫn nhau những cách làm sáng tạo.

Qua đó, cùng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình. Hơn nữa, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là cơ hội tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”.

cac-gian-hang-phuc-vu-khach-mau-sam.jpg
Đông đảo người dân tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa. Ảnh: H.N

Đồng hành cùng di sản

Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa không ngừng được đổi mới để phát huy tối đa sự tham gia của các chủ thể văn hóa và tăng sự trải nghiệm cho người dân, du khách. Năm nay cũng là lần đầu tiên UBND huyện Đak Đoa đưa nội dung chạy bộ với chủ đề “Đồng hành cùng di sản địa phương” vào các hoạt động của ngày hội. Giải chạy không nặng về thành tích mà hướng tới trải nghiệm vẻ đẹp của đồi cỏ hồng, rừng thông Glar vào dịp đầu đông, tìm hiểu di sản văn hóa của địa phương.

Chị Hoàng Thị Thu Thảo-Thành viên Câu lạc bộ Chạy bộ Đak Đoa-tâm sự: “Dịp này, tôi cùng rất nhiều người dân địa phương cho con tham gia giải chạy. Tinh thần chung là tạo phong trào cho các con rèn luyện thể chất, giúp con trải nghiệm vẻ đẹp của cung đường chạy, những giá trị văn hóa đặc sắc trên quê hương mình. Qua đó, đồng hành cùng địa phương để lan tỏa di sản văn hóa, thiên nhiên đến đông đảo người dân và du khách”.

Đối với các vận động viên trong và ngoài tỉnh, chạy dưới tán thông xanh giữa ngày chớm đông là một trải nghiệm thú vị.

Anh Võ Minh Dũng-người về nhất cự ly 5 km nam-chia sẻ: “Giải chạy có 2 cự ly ngắn là 2 km và 5 km nên các runner đều khá thoải mái tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà không quá nặng về thành tích. Đây là cách làm rất hay để quảng bá văn hóa, du lịch địa phương”.

chay-dong-hanh-cung-di-san-dia-phuong.jpg
Chạy đồng hành cùng di sản địa phương. Ảnh: H.N

Sau khi hoàn thành đường chạy, các vận động viên trở thành du khách tận hưởng vẻ đẹp của đồi cỏ hồng đang vào độ đẹp nhất. Huyện Đak Đoa bố trí nhiều khu vực với trang trí bắt mắt cùng biểu tượng cỏ hồng để người dân và du khách check-in, chụp ảnh. Đây cũng là cách làm mới để mỗi du khách đến ngày hội sẽ góp phần lan tỏa một hình ảnh du lịch địa phương. Cỏ hồng bừng sắc như càng tôn lên vẻ đẹp của gốc thông già tạo đủ dáng hình bon sai, tạo nên một vùng mỹ cảnh.

Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Ơng cho biết: “Từ những hoạt động tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc gắn với lễ hội cỏ hồng, bà con sẽ luôn nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên để thu hút du khách, tạo sức bật cho du lịch địa phương”.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa diễn ra từ ngày 23 đến 25-11, thu hút gần 900 nghệ nhân, diễn viên và vận động viên tham gia. Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động mang đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc và Giải chạy “Đồng hành cùng di sản văn hóa địa phương”. Ngoài ra còn có 18 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương; các mặt hàng nông sản đặc trưng như: hồ tiêu Nam Yang, cam Kon Gang, khoai lang Lệ Cần, măng ép, măng khô, mắc ca, các sản phẩm từ chuối.

Còn bạn trẻ người Bahnar Y Minh Sơn (làng Groi Wêt, xã Glar) thì bày tỏ: “Chúng tôi lớn cùng rừng thông này, chứng kiến bao mùa cỏ hồng đi qua nên càng thêm yêu quê hương. Vào mùa cỏ đẹp nhất trong năm, nhiều người dân và du khách tìm đến chụp ảnh, cắm trại qua đêm. Có nhiều đoàn mô tô, xe đạp cũng thường xuyên về đây check-in đồi cỏ hồng. Và sau mỗi ngày hội, hình ảnh quê hương Glar càng lan tỏa, được nhiều người biết tới hơn. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng tôi luôn nâng cao ý thức bảo vệ cảnh đẹp đặc trưng để thu hút khách du lịch đến với địa phương”.

Cũng theo Y Minh Sơn, không gian trải nghiệm du lịch Đak Đoa không chỉ có rừng thông rộng lớn ở xã Glar. Du khách có thể khám phá những ngôi làng Bahnar ở xung quanh hay tham quan Hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Glar trên cùng một cung đường. Ngoài ra, Đak Đoa còn có nhiều địa điểm cho một chuyến du lịch như: thác Kon Pơram (xã Hà Đông), thác Đôi (xã Trang), hồ Ia Băng, ruộng bậc thang (xã Hnol)…

Có thể bạn quan tâm