Về Điện Biên mùa hoa ban nở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi đã có dịp tham quan một số điểm di tích tiêu biểu thuộc khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ.

Tháng 3, hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc. Cùng với đông đảo du khách hội tụ về miền đất lịch sử Điện Biên, không chỉ được đắm mình giữa không gian ngập tràn sắc trắng hoa ban, chúng tôi còn có những trải nghiệm ý nghĩa tại các điểm di tích của chiến trường Điện Biên năm xưa với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thật thú vị khi đến với Điện Biên trong dịp này. Tiết trời mát mẻ, khắp các cung đường quanh co, thơ mộng, những cánh hoa ban bung nở, đua nhau khoe sắc mê hoặc lòng người.

Ba ngày lưu lại ở Điện Biên, ngoài tận hưởng không gian trong lành và thưởng thức vẻ đẹp tinh khôi, quyến rũ của hoa ban, tôi đã có dịp tham quan một số điểm di tích tiêu biểu thuộc khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ.

Điểm nhấn quan trọng trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ chính là đồi A1 và hầm Đờ Cát nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.

Ngược dòng lịch sử, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp. Tại đây, quân Pháp đã bố trí công sự kiên cố, vững chắc với vũ khí tối tân, hiện đại. Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh ác liệt, kéo dài nhất và hy sinh nhiều nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 39 ngày đêm chiến đấu ngoan cường (từ 30/3- 7/5/1954), các đơn vị của quân đội ta đã tổ chức 5 đợt tiến công. Đến 4 giờ 30 phút sáng 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp để giành thắng lợi hoàn toàn.

Du khách tham quan di tích đồi A1. Ảnh: H.T

Du khách tham quan di tích đồi A1. Ảnh: H.T

Giờ đây, trên ngọn đồi này vẫn còn đó những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh như: Hầm chỉ huy cứ điểm A1 của Pháp, chiếc xe tăng mà quân Pháp đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích và cái hố to hình phễu – là dấu tích trận nổ khối bộc phá 960kg của quân ta vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, làm cho quân Pháp choáng váng.

Cách đồi A1 khoảng 700m là hầm Đờ Cát. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến thời điểm hiện tại, cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn được giữ nguyên. Hầm dài 20m, rộng 8m, bao gồm 4 gian được xây dựng hết sức kiên cố với vòm sắt, ván gỗ, bao cát, hàng rào dây thép gai dày đặc.

Theo tư liệu lịch sử, vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Đồng chí Tạ Quốc Luật - chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã dẫn đầu tổ xung kích chỉ huy bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri tại bàn làm việc. Và cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta đã được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Bên cạnh các điểm di tích tiêu biểu như đồi A1, hầm Đờ Cát, một điểm hẹn lịch sử không thể bỏ qua với du khách gần xa chính là Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình này được khánh thành vào năm 2014 nhân dịp kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật, những hình ảnh chân thực trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Không gian trưng bày được thiết kế ấn tượng, hiện đại, có diện tích rộng hơn 1.200 m2, với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh, bản đồ…, tái hiện đầy đủ, sinh động về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của những con người bình dị làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam.

Một phần của bức tranh panorama trong bảo tàng. Ảnh: HT

Một phần của bức tranh panorama trong bảo tàng. Ảnh: HT

Ấn tượng đặc biệt khi tham quan bảo tàng là du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh panorama - thành quả trong gần hai năm miệt mài lao động của hơn 200 họa sĩ. Bức tranh được hoàn thành vào năm 2022, đúng dịp kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây được coi là một trong những bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh. Bức tranh được vẽ liên hoàn theo một vòng tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m, tổng diện tích hơn 3.000m2, tái hiện 4.500 nhân vật cùng những phong cảnh núi rừng, những khoảnh khắc điển hình nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Khúc khải hoàn mừng chiến thắng. Các hình ảnh, sự kiện được kết nối liền mạch giúp người xem có góc nhìn đầy đủ, sinh động về diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tham quan bảo tàng và các di tích lịch sử ở Điện Biên, được tận mắt thấy những hiện vật lịch sử, tận tai nghe những câu chuyện của một thời đạn bom, khói lửa khốc liệt được kể lại bằng sử, bằng thơ, du khách ai nấy đều xúc động, tự hào.

Hoa ban bung nở khoe sắc. Ảnh: H.T

Hoa ban bung nở khoe sắc. Ảnh: H.T

Tháng 3, Điện Biên bừng sáng trong sắc hoa ban. Đúng thời điểm này, Điện Biên tưng bừng tổ chức khai mạc năm du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa ban 2024, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khắp đất trời Điện Biên rợp bóng cờ, hoa.

Điện Biên - “xứ sở hoa ban”, vùng đất của lịch sử hào hùng, giàu bản sắc văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp như níu chân du khách gần xa.

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null