(GLO)- Không rõ tự bao giờ, lá trầu, quả cau gắn bó với cộng đồng người Bahnar ở xã Đak Pling (huyện Kông Chro). Không riêng gì người già mà các thiếu nữ ở vùng núi hẻo lánh, quanh năm mây phủ này cũng làm quen với hương vị cay, thơm của miếng trầu.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Xã Đak Pling được biết đến là xã khó nhất của huyện Kông Chro, bốn bề bao bọc bởi những ngọn núi nhấp nhô, gần như đời sống của người dân nơi đây là tự cung tự cấp nên trên vùng đất rộng hơn 18 ngàn ha, nhưng chỉ có 370 nóc nhà với trên 1.800 khẩu.
Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Đak Pling là nơi hoạt động của bộ đội ta. Học bộ đội, người dân nơi đây biết cách trồng lúa nước cho năng suất cao từ rất sớm. Riêng việc người Bahnar ăn trầu cũng có lẽ liên quan đến sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền. Đến nay, người Bahnar ở Đak Pling vẫn duy trì việc ăn trầu, trồng cau. Ông Đinh Văn Cư-Chủ tịch UBND xã cho biết: Bà và mẹ của tôi ai cũng ăn trầu. Trước sân nhà sàn hay ở góc nhà rông đều có cây cau, dây trầu. Ngày nay, nhiều bạn trẻ sau khi cưới chồng cũng được mẹ dạy cách bóc vỏ cau, têm trầu và cả cách ăn thế nào cảm nhận vị cay, nóng giữa trầu, cau và vôi. Nhất là vào những ngày mưa, mùa gió lạnh, phụ nữ ở làng trước lúc đi rẫy ai cũng chuẩn bị cho mình ít vôi, vài quả cau, riêng lá trầu thì ở đâu cũng có.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Như trở thành thói quen, mỗi ngày, từ tờ mờ sáng, các cô gái thức giấc trước khi con gà trống to nhất làng cất tiếng gáy đầu tiên. Khi nồi cơm được đặt trên bếp lửa đang cháy bùng ở góc nhà sàn thì cũng là lúc các cô gái nơi đây tìm đến lá trầu cay.
Sáng sớm, khi mặt trời chưa nhô qua ngọn núi cao, tôi tìm đến làng Tbưng. Bên ngôi nhà sàn nhỏ, ô cửa chính thiết kế vừa thân người lớn trổ về phía Đông, cả 3 thế hệ của một gia đình đều đã thức dậy. Họ cùng nhau trò chuyện bên bếp lửa hồng và thứ không thể thiếu trên tay họ lúc này chính là túi đựng trầu cau và ít vôi hồng được đặt trong chiếc lọ nhỏ. Chị Mrơt đang bế con nhỏ, cùng mẹ là H’Lot vừa nói chuyện vừa nhai trầu môi họ thắm đỏ và một màu hồng đỏ ửng trên đôi má và đó chính là lúc vị trầu đã bén duyên cau. Ngồi cạnh bếp lửa ấm nồng, tôi tìm hiểu về thói quen người dân sử dụng trầu cau, bà H’Lot nói: Làng mình ai cũng ăn trầu, còn bao giờ trầu, cau được trồng ở đây thì không ai biết. Từ nhỏ mình đã thấy người già ăn rồi, con gái mình mới có con cũng tập ăn để cho ấm cái bụng, đẹp cái da mặt thôi.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Đi một vòng vào các làng Brang, làng Mèo, gặp người già trong làng để tìm hiểu thêm về người Bahnar nơi đây ăn trầu từ bao giờ, phần đa ai cũng lắc đầu. Khi nói về cách ăn thế nào cho ngon thì ai cũng có một cách riêng. Điểm khác về tập tục ăn trầu của người Bahnar nơi đây là không dùng đến ống ngoáy và không cầu kỳ như người Kinh khéo léo trong cách gấp nếp miếng trầu cho vuông vắn hay tạo hình cánh phượng lạ mắt. Người già nơi đây ăn trầu để nhuộm cho hàm răng đen tuyền. Còn với các cô gái dùng trầu cau như một thói quen của gia đình và giữ cho đôi môi của mình luôn có sắc đỏ.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Cách ăn trầu của người Bahnar nơi đây là vậy. ở nơi hẻo lánh, quanh năm làm bạn với nương rẫy, thứ còn lại cho những người phụ nữ nơi đây thêm vui và giảm đi cái lạnh là những lá trầu, quả cau. Chút duyên thầm ấy đã góp phần bảo tồn nét văn hóa xưa còn tồn tại đến hôm nay.
Nguyễn Giác