Vật thiêng và những luật tục kỳ lạ của người K'ho cao nguyên Di Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước biết bao chuyển biến của đời sống, cộng đồng người dân tộc K'ho ở cao nguyên Di Linh (huyện Di Linh,tỉnh Lâm Đồng) vẫn giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa và những luật tục kỳ lạ nhưng lại đậm nét nhân văn.
Kỳ 1: Sự thật chuyện trả nợ bằng một đêm "mây mưa" trong tục phạt vạ tội ngoại tình của người K'ho
Trong vô vàn luật tục dị biệt, phạt vạ được xem là hình phạt hà khắc nhất cho người không chung thủy, vi phạm chế độ hôn nhân gia đình của người K’ho. Người ngoại tình không chỉ bị buôn làng ghẻ lạnh, khinh miệt mà còn phải chịu hình thức nộp phạt bằng nhiều hiện vật, thậm chí cả mạng sống. Tuy nhiên, đâu đó giữa những điều khoản hà khắc của luật tục này, người ta vẫn thấy chút dễ dãi đến bất ngờ khi có việc "kẻ có tội" sẽ được tha thứ sau một đêm "mây mưa" cùng người chịu tổn thương.
 
Cộng đồng người dân tộc K'ho ở cao nguyên Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng)
Luật tục nghiêm khắc phạt kẻ phản bội
Giữa những cơn mưa lạnh của tháng 7 trên cao nguyên Di Linh, già làng K'Tiếu (67 tuổi, ngụ làng Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn mình trần, xăn quần vào rừng hái măng. Trông dáng vẻ khỏe mạnh, mái tóc đen cùng khuôn mặt chưa bị nếp nhăn xâm chiếm khiến người lần đầu gặp tưởng ông chỉ mới hơn 50 tuổi. Thế nhưng, già K'Tiếu lại là vốn quý của làng Duệ khi nắm giữ hầu như nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa của dân tộc K'ho bản địa.
Trong ngôi nhà khang trang của mình, già Tiếu vẫn giữ lại bộ chum, chóe hai vật dụng được xem là linh vật của người K'ho cùng bộ cồng chiêng thuộc hàng bảo vật. Ông nói, đó là linh hồn, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình nên phải giữ gìn. Tuy nhiên, đó chỉ là những giá trị văn hóa mà người khác dễ dàng nhận biết khi đến nhà ông. Được trò chuyện cùng ông, người ta mới như khẽ chạm vào vô vàn nét đẹp văn hóa phi vật thể khác thể hiện qua những luật tục đặc biệt đến kỳ lạ của người K'ho. Phạt vạ là một luật tục như thế.
Già Tiếu nói: "Từ ngàn xưa, người K'ho rất nghiêm khắc trong vấn đề hôn nhân gia đình. Nói như bây giờ là chúng tôi chỉ chấp nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Do đó, ngoại tình là tội rất nặng và người ngoại tình phải chịu rất nhiều hình phạt hà khắc. Người vướng tội ngoại tình dù là nam hay nữ, dù là người có công hay dân thường đều cũng sẽ bị dân làng coi rẻ, khinh miệt, thậm chí xa lánh".
Theo già làng K'Tiếu, tội ngoại tình nặng đến nỗi, ngày xưa, kẻ phạm tội phải trả giá bằng những hình phạt kinh hoàng. Nhiều người cao tuổi của làng Duệ xác nhận chuyện kẻ quyến rũ người chồng hay vợ người khác có thể bị giết chết, quăng xác xuống suối. Hiện nay, những hình phạt tàn nhẫn trên không còn nhưng tục phạt vạ vẫn là cán cân công lý trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình của người K'ho.
Già làng K'Tiếu nói: "Theo luật từ ngàn xưa để lại, trai gái “ăn ngủ” với người đã có chồng, vợ là điều ô uế, mang đến xui rủi cho bản thân mình và cả dân làng. Vậy nên, người vi phạm luật này đều bị coi khinh, xa lánh. Tôi còn nhớ vị già làng trước thời của tôi xử phạt tội thông dâm, ngoại tình rất nghiêm. Người nào vi phạm ngoài việc bị phạt theo tục lệ còn suốt đời không được đặt chân đến nhà của già làng, không được già làng bảo vệ, chấp nhận".
Cũng theo già làng K'Tiếu, để mang tính răn đe, tục phạt vạ đối với người ngoại tình, thông dâm đánh mạnh vào kinh tế của kẻ phạm tội. Cụ thể, người ngoại tình bị bắt quả tang phải lo nộp vạ cho người bị phản bội một khoản rất lớn có khi lên đến 14 con trâu (tùy vào sự thỏa thuận nhưng không dưới 12 con trâu). Ngoài việc bồi thường danh dự cho vợ hoặc chồng của người kia còn phải bồi thường cho chính vợ hoặc chồng mình vì những đêm đi ngủ với người khác ở bên ngoài.
"Hình phạt dành cho người vi phạm chuyện hôn nhân của người K'ho nghiêm khắc lắm. Nếu chồng ngoại tình thì người chồng phải nộp vạ cho chính vợ mình 6 con trâu, 1 ché rượu, 2 con vịt và 1 con gà mái. Khi người vợ ăn nằm với một người đàn ông đã có gia đình thì phải nộp cho chồng 6 con trâu và 1 ché rượu. Đồng thời, họ cũng phải bồi thường tương tự cho nạn nhân là vợ hoặc chồng của tình nhân", già làng K'Tiếu nói thêm.
 
Dù nam hay nữ, nếu phạm phải tội ngoại tình, người dân K’ho bị phạt vạ nghiêm khắc
Nộp phạt bằng "tình một đêm"?
Tìm hiểu thực tế, PV nhận thấy, ngoài việc xử phạt một cách nghiêm khắc với những hình phạt nhắm vào kinh tế, người phạm tội ngoại tình còn đối mặt với bản án tâm linh đầy ám ảnh. Bởi, theo cách nhìn nhận của người K'ho trước đây, người đã lập gia đình mà vẫn quan hệ yêu đương, giường chiếu với kẻ khác là điềm xui rủi, ô uế cho cả dân làng đi trái với ý muốn của thần linh. Do đó, khi bị phát hiện, kẻ phạm tội buộc phải làm lễ cúng xin thần linh bỏ qua tội lỗi của mình. Lễ cúng này phải được chính già làng đầy quyền uy, uy tín đứng ra tổ chức.
Già làng K'Tiếu thông tin: "Vì ngoại tình là tội lớn, điều dân làng kiêng kỵ nên khi bị phát hiện, họ phải được cúng để giải xui rủi, tránh khỏi tai ương. Đầu tiên là cúng xin cho bản thân người đó và gia đình không bị xui rủi, tai ương sau đó là xin cho cả buôn làng đó. Bởi, tội này không chỉ khiến người phạm phải và gia đình mình gặp điều xui rủi mà sẽ khiến cả buôn làng bị thần linh quở trách. Do đó, người phạm tội phải đem đến cho già làng một con dê để già làng thực hiện nghi lễ cầu xin thần linh xóa tội, để dân làng không gặp tai ương".
Tuy nhiên, bản án vẫn chưa kết thúc với kẻ trăng hoa bởi họ có thể tiếp tục nếm trải những hình phạt bất thành văn khác. Bởi, khi trót lỡ vướng tội, họ mặc nhiên bị xem là người không còn nằm trong cộng đồng, đi ngược với ý chí thần linh, họ trở thành con ma, con quỷ. Và, dĩ nhiên, con ma, con quỷ sẽ bị dân làng xa lánh, chối bỏ. Già làng K'Tiếu khẳng định: "Ngày trước, người phạm tội ngoại tình bị phạt nặng lắm. Sau khi bị phạt vạ, bị người làng ghẻ lạnh, thậm chí họ còn bị cộng đồng tẩy chay, xa lánh. Bất kể nam hay nữ, nếu phạm tội này có thể bị cấm đến giếng làng múc nước, không được đi làm nương, phát rẫy, tham gia lễ hội,.... ".
Trong câu chuyện về luật tục phạt vạ kẻ ngoại tình, thông dâm, PV được nghe nhiều về những hình thức xử phạt vô cùng hà khắc. Thế nhưng, nhiều vị cao niên của cộng đồng người K'ho tại huyện Di Linh cũng khiến người nghe không khỏi bất ngờ khi cho biết, người bị phạt vạ có thể xóa nợ nếu chịu ngủ một đêm với "chủ nợ". Xác nhận thông tin này, một bà lão người K'ho ở thôn K'Ming (thị trấn Di Linh) cho biết: "Đúng là luật tục có điều này. Tuy nhiên, chuyện này hiếm khi xảy ra lắm. Không phải ai cũng chọn cách ngủ với “chủ nợ” để trả nợ đâu. Họ chỉ đề nghị khi không còn cách nào khác. Tuy nhiên, phía bên “chủ nợ” cũng không dễ dàng gì chấp nhận điều này".
Về việc này, già làng K’Tiếu cho biết, tại làng của ông, ông chưa nghe có việc người bị phạt vạ trả nợ bằng cách ngủ với “chủ nợ”. Tuy nhiên, việc giữa hai gia đình có người bị phát hiện ngoại tình với nhau tự thỏa thuận việc nộp phạt là có thật. “Nếu người đã có vợ ngoại tình với một người phụ nữ đã có chồng thì tùy hai gia đình tự thỏa thuận, thương lượng chuyện nộp phạt. Họ sẽ thống nhất với nhau phương pháp, hình thức nộp phạt. Song, trước khi tiến hành thương lượng, hai gia đình nhất định phải cúng một con dê để làm lễ cúng xin thần linh”, già K’Tiếu nói thêm.
Còn nữa…
PV (Phụ nữ News)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.