Vào rừng "vượt cạn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Muốn đẻ phải vào rừng hoặc lên rẫy. Hủ tục lạc hậu này đã và đang từng ngày tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và chất lượng dân số của người Giẻ Triêng ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Chính quyền các cấp cũng đã có rất nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động, đầu tư hỗ trợ để người dân cải thiện đời sống, cũng như chuyển biến về nhận thức; tuy nhiên, hủ tục này vẫn tồn tại gây nhiều hệ lụy đáng buồn.

Đẻ rừng

Từ thị trấn Khâm Đức, vượt gần 50km với cung đường quanh co khúc khuỷu, chót vót và trơn trượt mới đến xã Phước Lộc, nơi những gia đình từng có người phải sinh con bên bìa rừng. Leo bộ theo những lối mòn trên từng con dốc, dễ dàng bắt gặp nhiều chiếc chòi cũ còn nằm trên những rẻo cao. Đây là nơi phụ nữ lên sinh con và ở cữ theo hủ tục “đẻ rừng”.

Ở một chòi mới dựng, anh Hồ Văn Hau (thôn 2, xã Phước Lộc) đang bên người vợ mang bầu đứa con thứ hai, sắp hạ sinh. Chiếc chòi nhỏ bên bìa rừng được dựng tạm với 3 vách che bằng mấy miếng ván gỗ đóng vội. Trên nóc chòi che tấm bạt cũ, bên trên là tấm tôn. Anh Hau chia sẻ, đứa con thứ nhất, vợ chồng anh cũng phải dắt díu nhau ra ngoài bìa rừng để sinh, sau 10 ngày ở cữ xong mới được về làng.

“Người Giẻ Triêng không cho phụ nữ sinh con trong nhà, cũng không khuyến khích đến trạm y tế, mà phải vào rừng dựng chòi sinh con. Trong suốt 10 ngày đó, vợ tôi và cả gia đình không được dùng chung nguồn nước của làng, không được đi đến các nhà khác trong làng… Nếu ai làm trái sẽ bị dân làng phạt vạ rất nặng. Không ai biết tục này có từ bao giờ và cũng chưa dám chắc bao giờ nó bị xóa bỏ. Tôi biết nhiều hiểm nguy rình rập vợ con, lo lắm nhưng không biết phải làm sao”, anh Hau trải lòng.


 

 Hủ tục lâu đời của đồng bào Giẻ Triêng không cho phụ nữ sinh con trong nhà
Hủ tục lâu đời của đồng bào Giẻ Triêng không cho phụ nữ sinh con trong nhà


Tục lệ này áp dụng cho cả làng, ngoài việc lên rừng sinh con và ở cữ 10 ngày, sau đó về nhà, gia đình phải cúng heo để làm lễ với làng. Trường hợp của chị Hồ Thị Niễu (thôn 2, Phước Lộc), anh chị cũng ý thức được việc đến trạm xá sinh con, nhưng vì đường sá xa xôi, quanh co đèo dốc với cái bụng kệ nệ, chị không thể đi được. Nhưng được cái, nhà chị cách làng khá xa, chị không phải ra rừng sinh con mà thay vào đó là che tạm cái chòi ngay đầu hè nhà mình để sinh. “Đứa con đầu mình cũng sinh ở trước hiên nhà. Muốn vào nhà lắm, nhiều lúc mưa lạnh nhưng tục của làng thì mình phải làm theo…”, chị Niễu tâm sự.

Câu chuyện sinh nở theo hủ tục lạc hậu tưởng chừng như chỉ xảy ra với những người dân còn thiếu hiểu biết, nhưng đáng buồn lại tồn tại ngay cả đối với cán bộ thôn. Chị Hồ Thị Nỉ, mặc dù là trưởng thôn và thường xuyên vận động bà con từ bỏ những hủ tục này, song vẫn không vượt qua được tục lệ của làng.

“Mẹ con tôi suýt chết bởi đến ngày sinh, chồng tôi đi vắng, một mình tôi phải lội bộ đến chòi rẫy rồi tự đẻ con. Nghĩ lại, đến bây giờ tôi cũng còn cảm thấy sợ”, chị Nỉ kể.  

Trạm xá thiếu nữ hộ sinh

Bên cạnh những nét đẹp văn hóa người Giẻ Triêng, hiện vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của bà con. Ông Hồ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (Phước Sơn) cho biết, trước đây, già làng trưởng bản còn tục “cúng trống” nên tất cả phụ nữ trong làng không được sinh con trong nhà vì phạm phải nhiều điều kiêng cữ.

“Sắp đến ngày sinh hạ, lẽ ra phụ nữ phải được quan tâm, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, thế nhưng người dân phải ra chiếc chòi nhỏ nằm biệt lập với làng để sinh con. Điều này làm cán bộ chúng tôi rất buồn, mặc dù đã vận động hết sức mình. Tuy nhiên, hủ tục lạc hậu này muốn chấm dứt cần có thời gian, vì nó đã ăn sâu vào mỗi người dân nơi đây. Bên cạnh đó, bà con còn thiếu kiến thức, không biết tự chăm sóc bản thân, dù bây giờ có trạm y tế nhưng đa số người dân không ai đến”, ông Long nói.

Phước Lộc với 100% dân số là người đồng bào Giẻ Triêng, là xã khó khăn bậc nhất của huyện Phước Sơn khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức rất cao. Đây cũng là địa phương xa nhất của huyện Phước Sơn, điều kiện về cơ sở vật chất và đời sống còn hạn chế. Trạm y tế cách nơi sinh sống của dân làng khá xa. Để tới được trung tâm y tế xã, bà con phải rất vất vả và mất nhiều thời gian do đường sá khó khăn.

“Cơ sở y tế xã mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song điều kiện về trang thiết bị và nhất là nhân lực hiện đang thiếu và yếu. Phụ sản lại ngại các y, bác sĩ nam khám thai, trong khi trạm không có nữ hộ sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hủ tục lạc hậu này vẫn tồn tại, chưa được giải quyết triệt để”, ông Hồ Văn Long giải thích.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện, từ nơi ăn, chốn ở, đi lại, học hành… Thế nhưng, trong bức tranh cuộc sống mới nơi miền sơn cước này, vẫn còn đó những khoảng tối. Tất cả xuất phát từ tập tục lạc hậu, ngay từ lúc một sinh linh chào đời, như chuyện “đẻ rừng”… Cũng bởi những hủ tục này, người dân nơi đây đánh đổi cả mạng sống của mình mỗi khi “vượt cạn”. Một hủ tục lạc hậu là cả một nỗi ám ảnh đối với phụ nữ nơi đây...

Chị Y Thau, y tá Trạm Y tế xã Phước Lộc, cho biết, bản thân chị cũng biết đỡ đẻ nhưng do hủ tục “đẻ rừng” nên người dân không chịu đến trạm y tế. Đau ốm thì không ra trạm y tế khám và uống thuốc, mà chỉ ở nhà cúng tế. “Giờ chỉ còn trông chờ vào việc kết hợp với đoàn thể mỗi tháng 2 lần xuống thôn tuyên truyền. Khi chữa bệnh ở nhà gặp khó khăn thì họ mới gọi mình. Nếu vượt khả năng chuyên môn thì mình mới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”, chị Y Thau nói.


Từ năm 2009 đến nay, tại thôn 2 xã Phước Lộc (Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã có 26 trường hợp phụ nữ sinh đẻ tại chòi rẫy trong rừng và trước hiên nhà. Trong đó, có 6 trường hợp tử vong, 20 trường hợp còn lại đều gặp những biến chứng sau sinh. Sức khỏe của bà mẹ và trẻ nhỏ đều không đảm bảo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các trường hợp này chiếm trên 70%, cao hơn nhiều so với số trẻ em được sinh ở trạm xá xã hay trung tâm y tế huyện…

Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết, hiện nay số lượng cán bộ viên chức về y tế của xã Phước Lộc còn thiếu so với chỉ tiêu được giao. Trung tâm Y tế huyện cũng đang chờ tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp. Toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, còn lại 4 xã vẫn còn đang nghiên cứu đầu tư. Riêng xã Phước Lộc cũng đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên, còn thiếu nữ hộ sinh phục vụ cho bà con nơi đây sinh nở.


Theo NGỌC PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…