Vào "rốn lũ" Quảng Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gió thổi mạnh, thuyền bị đẩy ra xa, trôi dạt giữa biển nước mênh mông. Ai đó trong đoàn kêu cứu thất thanh. Trong đêm đen, biển nước Quảng Bình mênh mông. Không có tiếng trả lời.

Rất vui khi tôi được tham gia cùng một đoàn từ TP HCM ra miền Trung hỗ trợ lắp đặt hệ thống lọc nước sạch theo công nghệ nano, vận hành bằng tay, giúp người dân vùng lũ. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại điểm tiếp đón xe cứu trợ thuộc vùng "rốn lũ" là thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Gặp "người hùng" trong lũ

Hôm đó may mắn trời được bữa hết mưa, nắng gắt. Tuy nước lũ đã rút nhưng chỉ có ôtô gầm cao mới lưu thông được.

Tại điểm tập kết ở thôn Mai Hạ, các đoàn xe cứu trợ đậu dọc bên đường thành hai hàng nối dài. Sau những cái bắt tay ấm áp với người dân địa phương, các kỹ thuật viên của đoàn nhanh chóng lắp thử các thiết bị lọc nước.

 

Đến nơi tập kết
Đến nơi tập kết


Lắp xong, các kỹ thuật viên lấy ngay nước lũ đang sẵn ở bên đường đổ vào các bình bơm dung tích 10 lít và dùng tay đẩy cần pít tông bơm bình chứa nước. Chỉ sau vài phút, từ trong các ống nhựa tuôn ra những dòng nước trong suốt.

Anh Hạ Viết Thiều - Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Môi trường TECOM, trưởng đoàn - nói rõ với tôi: "Những máy lọc nước mang ra lần này được bao nhiêu thì chúng tôi ưu tiên trước hết cho các nhà trẻ, trạm y tế, trường học hay những nhà cao tầng mà người dân đến tránh lũ". Nói xong, anh phân tại chỗ cho lãnh đạo của 2 thôn Thái Xá và Mai Thượng mỗi thôn 2 máy và 3 máy nữa cho thôn Lệ Bình của xã này.

 

 Lũ ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình Ảnh: HOÀNG PHÚC
Lũ ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình Ảnh: HOÀNG PHÚC


Buổi chiều, đoàn quyết định đến xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy và một số thôn thuộc huyện Quảng Ninh.

Theo sự chỉ dẫn của anh Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung, đoàn đến trụ sở làm việc của UBND xã Sơn Thủy. Một thanh niên niềm nở bắt tay chúng tôi rồi nói: "Báo cáo các anh là anh Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã, chiều nay lên huyện họp để tiếp thu tinh thần chống bão số 8 sắp đổ bộ. Tôi là Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, xin tiếp các anh. Có gì các anh cứ yêu cầu, tôi sẽ giải quyết".

Sau 10 phút thảo luận, đoàn chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất do anh Nguyễn Văn Dương trực tiếp dẫn đi. Cùng đi có cả anh Hạ Viết Thiều, 2 kỹ thuật viên là Vũ Tiến Hùng và Nguyễn Thị Minh. Nhóm thứ hai có các anh Trung Kiên, Trần Quyết cùng 2 kỹ thuật viên là Đỗ Quang Hà và Trần Miệt Kiếm. Nhiệm vụ của nhóm thứ nhất là lắp đặt 12 máy lọc nước cho 6 thôn: Ngô Bắc, Vinh Quang, Mỹ Hòa, Ngô Xá, Lại Xá, Hoàng Đàm. Nhóm thứ hai đến các điểm khác, cũng sẽ lắp máy.

Đã gần tối nên trên đường đi tôi không khỏi băn khoăn, sợ không biết tối nay đoàn có kịp lắp máy cho dân sống trong những làng đang ngập lũ không? Vì đường đi lối lại chúng tôi không rành, lại nhiều chỗ đang ngập nước.

Nhưng rồi tôi dần yên tâm, khi biết dẫn đường cho chúng tôi là một "người hùng" của huyện Quảng Ninh trong đợt lũ lịch sử này. Đó là ông Nguyễn Minh Thảo - chủ một khách sạn có tên là Huy Hoàng ở địa phương này. Trong đợt lũ lịch sử này, ông Thảo đã cứu sống 18 người là đối tượng già cả và trẻ em; di dời hơn 60 người đến nơi an toàn trong lũ dữ. Đặc biệt nữa là gia đình ông đang cho hàng chục người lánh nạn, ăn ở miễn phí hơn cả tuần qua, ngay tại nhà ông.

Đoàn chúng tôi được đưa đến nghỉ miễn phí tại khách sạn Huy Hoàng. Anh Thảo gọi điện ngay cho anh Trần Văn Thành - một người lái thuyền máy. Bấy giờ, anh Thành và thuyền đang chuẩn bị hoàn tất việc giúp một đoàn cứu trợ khác ở TP Đồng Hới.

Tranh thủ thời gian đợi anh Thành, 2 kỹ thuật viên là Hà và Kiếm nhanh nhẹn lấy các thiết bị từ trên xe xuống và bắt các ống dẫn nước lắp vào 12 máy lọc. Anh Thành vừa về đến khách sạn là cả đoàn chúng tôi khẩn trương lên xe đến bến thuyền, lội qua những vũng ngập bùn đất để chuyển xong mọi thứ lên thuyền.

 

 Hướng vào vùng lũ
Hướng vào vùng lũ


Thuyền nổ máy, rẽ nước xuôi theo sông Long Đại. Trời càng tối, gió càng thổi mạnh. Sóng nước liên hồi vỗ mạnh vào mạn thuyền làm nước bắn lên khắp mặt thuyền. Chạy được 55 phút thì thuyền rẽ phải, luồn qua một dải cây bần để đi vào sông Nhật Lệ. Màn đêm phủ xuống rất nhanh.

Thuyền cứu trợ nay cần cứu hộ

Bỗng thuyền chao mạnh. Mạn thuyền nghiêng mạnh sang một bên. Cần lái rung lên kèm theo tiếng rít của máy. Anh Thành cố cầm chắc tay lái. Phải chừng 10 phút sau, thuyền mới trở lại trạng thái thăng bằng nhưng lùi lại và hướng ra xa bờ. Anh Thành nhấc cần lái, mọi người tá hỏa khi thấy chân vịt của máy không còn.

Gió càng thổi mạnh, thuyền càng bị đẩy ra xa, trôi dạt giữa biển nước mênh mông. Ai đó trong đoàn kêu cứu thất thanh: "Cứu. Cứu với. Có ai cứu với". Trong đêm đen, biển nước mênh mông. Không có tiếng trả lời. Anh Thành và anh Quyết đứng đầu mũi thuyền, nhào người lên phía trước, mỗi người một dầm cố sức khoát nước. Phải rất vất vả các anh mới dìu được thuyền hướng vào bờ.

Rồi cũng đến lúc những chóp mái của các lăng mộ từ một nghĩa trang hiện ra lờ mờ phía trước. Xa xa có ánh đèn pin từ một chiếc thuyền của ai đó quét tới. Dù anh Thảo đã phát tín hiệu cầu cứu, phía bên kia có ánh đèn pin loang loáng quét lên trời nhưng chiếc thuyền kia vẫn ở một chỗ, không có dấu hiệu sẽ chạy đến ứng cứu.

Anh Thảo hét to hơn: "Thuyền đang cứu trợ nay cần cứu hộ, cứu với...". May quá, chiếc thuyền kia đã nổ máy, băng sóng hướng mũi thẳng đến thuyền chúng tôi.

Trên chiếc thuyền đó là anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ mãi tận xã Hoa Thủy của huyện Lệ Thủy, xuống đây thả lưới bắt cá lụt. Anh Hùng buộc thuyền của chúng tôi vào thuyền anh và kéo vào nghĩa địa của làng Hành Vinh, xã An Ninh. Bấy giờ đã 20 giờ 46 phút.

 

Khẩn trương lắp máy
Khẩn trương lắp máy


Với quyết tâm lắp đặt cho bằng được hệ thống máy lọc nước cho người dân, anh Thảo liền gọi điện về cho một nhân viên khách sạn bảo bằng mọi giá phải đi tìm mua ngay chân vịt mới đưa đến gấp để hỗ trợ đoàn. May mắn là chỉ chừng 1 giờ sau, nhân viên này đã mang chân vịt tới, nhanh chóng lắp vào thuyền.

Theo sự chỉ dẫn của anh Hùng, thuyền chúng tôi nổ máy, định hướng nhằm vào một phần ba khoảng tối giữa 2 ánh đèn lấp ló trước mặt để đến thôn Hữu Tân của xã Tân Ninh. Khoảng hơn 30 phút sau, trước đầu mũi thuyền đã thấy cổng Nhà Văn hóa thôn Hữu Tân. Nước lũ đang ngập tới cửa sổ của nhà văn hóa.

Mệt mỏi và đói nhưng vui

Chúng tôi dìu thuyền đến căn nhà 2 tầng của ông Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh. Anh Hà bám vào tường rào, từ đó leo lên cổng để tiếp cận tầng 2 của căn nhà. Tại đây chúng tôi lắp đặt một máy lọc nước phục vụ cho 40 người của 9 gia đình đang được ông Thi dành tầng 2 căn nhà làm nơi lánh nạn.

Cùng lúc đó, một chiếc thuyền máy của thanh niên trong thôn được huy động đến. Anh Kiên chuyển 5 máy lọc nước sang chiếc thuyền này để đi đến các nhà cao tầng khác, lắp đặt cho những người đang lánh nạn giống chỗ nhà ông Thi.

Cứ như vậy, đến gần 24 giờ thì cả 2 đoàn đã lắp xong tổng cộng 12 máy lọc nước. Chúng tôi nhờ thuyền máy của thanh niên kia dẫn thuyền của đoàn ra khỏi thôn và chỉ đường về lại khách sạn Huy Hoàng.

 

Những máy lọc nước được đưa đến lắp đặt hỗ trợ dân vùng lũ Quảng Bình Ảnh: TRẦN VĂN BÌNH
Những máy lọc nước được đưa đến lắp đặt hỗ trợ dân vùng lũ Quảng Bình Ảnh: TRẦN VĂN BÌNH


Theo sự chỉ dẫn, anh Thành lái thuyền nhắm thẳng hướng ánh sáng đèn của cầu Nhật Lệ II để qua đoạn sông Nhật Lệ. Thuyền chạy được 30 phút, đến rặng cây bần thì chạy luồn qua cầu Trung Quán.

Tôi ngồi trước mũi thuyền. Mặt trăng khuyết đã gần gác đỉnh núi, bao quanh là một vòng tròn tỏa ánh sáng vàng nhạt. Bão, lũ lại được dự báo sắp đổ xuống. Quá mệt mỏi và đói nhưng cả đoàn ai cũng cười nói, vui vì đã đưa được nước sạch đến tận người dân "rốn lũ" Quảng Bình.

Theo Trần Văn Bình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối:Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

(GLO)- Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.