Ngày 14-12, tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 27, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cán bộ ngoại giao phải vận động các nước ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa. Thủ tướng cũng yêu cầu chấm dứt mời gọi đầu tư với các dự án thép, ximăng, may mặc...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những việc rất cụ thể. Ông cho rằng nhiệm vụ của các đại sứ, tham tán thương mại sắp tới phải vận động quyết liệt để các nước công nhận VN là nước có nền kinh tế thị trường (hiện nay mới có 29 nước công nhận).
Phải bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long
Mặt khác, Thủ tướng giao nhiệm vụ ngành ngoại giao phải góp phần mở rộng thị trường để thu hút đầu tư và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, Thủ tướng định hướng không thu hút các ngành như ximăng, thép, da giày, may mặc... nữa mà tập trung vào các dự án, tập đoàn có công nghệ cao. “Đơn cử Tập đoàn Intel, năm nay xuất khẩu 1,5 tỉ USD, dự báo phấn đấu năm 2015 sẽ xuất khẩu 5 tỉ USD”- Thủ tướng cho biết chỉ như vậy mới thay đổi được cơ cấu kinh tế. Bản thân chính sách trong nước, Thủ tướng khẳng định cũng sẽ đổi mới theo hướng ưu đãi hết mức có thể để thu hút đầu tư.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị |
Về ngoại giao chính trị, Thủ tướng chỉ đạo mục tiêu cao nhất trong đối thoại quốc tế là lợi ích quốc gia- dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Ví dụ nếu xây dựng 11 thủy điện trên sông Mekong sẽ mất đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng hỏi vậy 21 triệu người dân ở đây sẽ sinh sống ra sao và nhấn mạnh “đây là lợi ích rất chính đáng, chúng ta phải bảo vệ”.
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc nhiệm vụ của đại sứ là phải vận động các nước sở tại ủng hộ lập trường chính đáng của chúng ta về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền ở biển đảo, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. “Việc làm này của chúng ta là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982”- Thủ tướng nói.
Doanh nghiệp cần chủ động đặt hàng
Phát biểu về thị trường Mỹ, ông Đào Trần Nhân- người đứng đầu thương vụ tại Mỹ- cho biết ở thủ đô Mỹ đang có tới hơn 12.000 người vận động hành lang và về vụ cá da trơn, họ đang làm nhiều việc nực cười, như từ chỗ yêu cầu không thể coi cá tra, ba sa của VN là catfish rồi lại yêu cầu phải coi đó là catfish. Nêu kinh nghiệm doanh nghiệp Mỹ thường đi cùng các đoàn đàm phán thương mại, lực lượng còn đông hơn cả đoàn đàm phán, ông Nhân khuyến nghị doanh nghiệp VN cũng cần chủ động hơn.
Ông Bùi Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nêu thực tế: “Tôi đến một số nước, hỏi tham tán, người đứng đầu cơ quan ngoại giao thì không biết doanh nghiệp ta đã hợp tác làm ăn ở nước bạn rồi”. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động yêu cầu tham tán thương mại giúp đỡ vì “khi trục trặc doanh nghiệp mới quay lại cơ quan ngoại giao, lúc đó thì đã hỏng rồi”.
Ông Trần Trung Thực, tham tán công sứ tại Bỉ và EU, thông tin khu vực châu Âu đang khó khăn và họ sẽ thay đổi nên một số cơ cấu xuất khẩu của VN cũng phải thay đổi. Trong khó khăn, ông Thực nêu cơ hội “hệ thống phân phối của châu Âu khá già cỗi, bình thường rất khó chen vào nhưng khi khó khăn họ có thể nhượng bộ, hàng VN có thể thâm nhập”.
Tham tán thương mại VN tại Trung Quốc Nguyễn Duy Phú thì khẳng định hết tháng 11-2011, nhập siêu của VN với Trung Quốc đã lên tới 12,36 tỉ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2010 và cho rằng mức độ phụ thuộc của VN vào hàng Trung Quốc là rất cao.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc mà VN tham gia, theo ông Phú, thúc đẩy xuất khẩu cả hai bên, nhưng hàng Trung Quốc có sức cạnh tranh tốt hơn nên đã xuất khẩu cao hơn. Đến năm 2015, VN sẽ phải cắt giảm thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc nên hàng xuất khẩu Trung Quốc có thể tiếp tục tăng... Ông Phú kiến nghị cần tăng cường tập huấn doanh nghiệp về các ưu đãi về thuế của Trung Quốc cũng như những quy định mới của họ về hàng thực phẩm, hải sản..., nếu không doanh nghiệp VN có thể chịu thiệt hại lớn.
Nhiều thương vụ của VN thiếu tích cực
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên công nhận một số cán bộ tham tán thương mại, các cán bộ tại thương vụ còn có thái độ nhiệm kỳ, thiếu tích cực. Ông Biên ví dụ chuyện mới đây nói giá gạo cao, sẽ thiếu gạo nhưng chưa đầy một tháng giá xuống rất thấp. “Điều này đặt ra nhiệm vụ ứng phó nhanh nhạy và hoạt động thương vụ cần nắm bắt được xu hướng để thông tin về trong nước”- ông Biên nói và cho rằng các thương vụ cần đổi mới nghiên cứu thị trường...
Để nâng hiệu quả các thương vụ, Bộ Công thương đã thẳng thắn kiến nghị cần có quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong chỉ đạo của bộ và đại sứ quán. Hoạt động chuyên môn của thương vụ, theo Bộ Công thương, cần phải được độc lập tương đối. Trước nhiều ý kiến cho rằng thương vụ đến báo cáo về tình hình cũng phải trình, xin ý kiến đại sứ, Bộ Công thương lần này đã thẳng thắn yêu cầu: các nhiệm vụ mang tính chuyên môn của thương vụ cần được giải quyết trực tiếp từ Bộ Công thương và thương vụ chỉ cần thông báo để người đứng đầu cơ quan đại diện biết.
Một điểm đột phá để có thể giúp doanh nghiệp là Bộ Công thương đề nghị tại một số nơi cần cho phép thuê cán bộ, tư vấn nước sở tại. Đặc biệt, Bộ Công thương yêu cầu cho thí điểm cơ chế thương vụ nhận ủy thác của doanh nghiệp theo hợp đồng để tạo nguồn kinh phí bù đắp chi phí, gia tăng hiệu suất hoạt động thương vụ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khi kết luận đã nhắc đến việc cần tránh các mối quan hệ cá nhân không tốt giữa đại sứ- thương vụ để làm đúng quy định. Các tham tán thương mại thường mạnh về xúc tiến đầu tư nhưng sắp tới, ông Hoàng yêu cầu xúc tiến xuất khẩu cũng phải làm tốt hơn. Ông Hoàng “đặt hàng” các thương vụ phải đưa ra được lời khuyên nên nhập khẩu cái gì, ở đâu, định hướng giúp doanh nghiệp...
Theo Tuoitre