(GLO)- Xuất bản 7 đầu sách, trong đó có 3 tiểu thuyết (gồm Giữa cõi âm dương, Cuốn trong dòng lũ và Pơ thi), nhà văn Thu Loan-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai từ lâu đã được giới văn nghệ sĩ và bạn đọc yêu văn chương yêu mến gọi chị là “người sinh ra là dành cho tiểu thuyết”, “người tình của tiểu thuyết”…
Nhà văn Thu Loan (bên phải) tại buổi giao lưu ra mắt tiểu thuyết Pơ thi. Ảnh: Thu Huế |
Biết chị đã lâu, đọc sách chị đã nhiều lại vô cùng yêu mến sự giản dị, gần gũi, nhiệt tâm của chị, tôi vẫn thường tìm đến chị khi mình có điều cần sẻ chia, từ chuyện đời đến chuyện nghề. Trong những câu chuyện ấy, không ít lần chị bày tỏ những suy nghĩ giàu sự lãng mạn và đầy chất thơ của mình đối với tình yêu văn chương, đặc biệt là với tiểu thuyết: “Sau giải phóng, tôi theo cha mẹ vào Pleiku sinh sống. Khi ấy, tôi đã yêu ngay những con đường trập trùng như sóng, yêu thiên nhiên tươi xanh và những mùa mưa mịt mù trời đất. Càng ngày, tôi càng thêm yêu người dân nơi đây, những con người hiền lành, chân chất, phóng khoáng.
Chính vì thế tôi từ bỏ cơ hội ở lại Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh làm giảng viên, quyết định trở về Pleiku để phấn đấu trở thành nhà văn trong sự cản ngăn của không ít bạn bè, người thân. Ban đầu, tôi làm thơ, viết truyện ngắn, sau chuyển sang viết tiểu thuyết bởi chỉ có tiểu thuyết mới giúp tôi gửi gắm hết những cảm xúc và những điều tôi muốn nói về cuộc sống đáng yêu nhưng còn nhiều vất vả của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Tuy nhiên nghề viết không phải là việc dễ dàng, nhất là viết tiểu thuyết. Nếu muốn làm giàu, tôi đã không chọn văn chương, và nếu muốn nổi tiếng trong văn chương, tôi đã không chọn tiểu thuyết. Tôi đã từng có những cuốn tiểu thuyết mãi chỉ ở dạng bản thảo, không in được, từng có cuốn tiểu thuyết bị rơi vào im lặng, dù với nó tôi đã mất rất nhiều thời gian, tâm sức. Nhưng tôi vẫn cứ thích, vẫn cứ đam mê, giống như con người ta khi đã quyết định yêu một ai đó rồi thì sẽ không còn tính toán so đo thiệt hơn nữa. Nếu là tình yêu đích thực thì sẽ không còn phân biệt giàu-nghèo, xấu-đẹp, trẻ-già… nữa. Cái còn lại là những gì hợp với ta, đem cho ta niềm hứng thú, yêu đời, mê đắm suốt đời. Và, tiểu thuyết với tôi là một dạng tình yêu như vậy”.
Hai 2 cuốn tiểu thuyết Cuốn trong dòng lũ và Pơ thi. Ảnh: Thu Huế |
Nói về 2 cuốn tiểu thuyết Cuốn trong dòng lũ và Pơ thi, nhà văn Thu Loan cho biết: “Cuốn trong dòng lũ được xuất bản năm 2000, tái bản lần thứ 3 năm 2014, tác phẩm đoạt giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Gia Lai lần thứ nhất (2000-2005). Đây là tiểu thuyết tôi viết về Pleiku trước và sau ngày giải phóng (1975). Nơi đây đã diễn ra cuộc rút chạy của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên đường 7. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Đại tá Lưu Minh Hoàng-một sĩ quan quân đội cộng hòa và ông Phạm Văn Công-một gia đình làm vườn bình thường ở Pleiku với tất cả các mối quan hệ chằng chịt: cha con, anh em, vợ chồng, hàng xóm láng giềng, con chung con riêng… Và, trên con đường rút chạy ấy đã diễn ra biết bao nhiêu chuyện, từ đói rét đến giết người, cướp của, phạm tội. Cũng trong hoàn cảnh ấy, bản chất của mỗi người được bộc lộ một cách rõ nhất; nhưng nhiều hơn cả là những trang viết của Cuốn trong dòng lũ mang nặng tính phản chiến. Chính chiến tranh đã gây ra bao thảm họa cho con người: cha mất con, vợ mất chồng, những tình yêu cao đẹp thì không thể đi đến bến bờ hạnh phúc; tệ hơn nữa là dư âm của chiến tranh vẫn ảnh hưởng đến đời sống con người đến mấy chục năm sau.
Còn về tiểu thuyết Pơ thi, đây là tác phẩm vừa xuất bản của tôi, nếu đọc nó thì các bạn sẽ cảm nhận được nhịp sống phong phú, đa màu sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hôm nay. Thông qua những lễ hội dân gian độc đáo của dân tộc Jrai, đặc biệt là pơ thi-lễ bỏ mả, tôi muốn khắc họa rõ nét đời sống tâm linh của tộc người này, từ đó tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống cũng như cuộc sống hiện tại của người Jrai. Qua những biến đổi trong gia đình già Duch-một gia đình có nhiều thế hệ sống chung trong một mái nhà, Pơ thi phản ánh việc phá hoại rừng, chảy máu tài nguyên, lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời đặt ra nhiều vấn đề khác trong đời sống hiện nay...”. Lời chị Loan khiến tôi nhớ đến những nhận xét tinh tế của nhà văn Chử Anh Đào về tập Pơ thi: “Pơ thi là lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo và đậm đà chất nhân văn của người Jrai, nhưng tác giả không chỉ phản ánh đơn thuần lễ pơ thi. Trong tác phẩm còn nhiều lễ hội khác: chọn đất lập làng, mừng sức khỏe, cơm mới, cầu mưa, cúng giọt nước… Có thể nói khái quát: Tác phẩm nói về rừng và các số phận liên quan tới rừng. Chính tên các chương trong tiểu thuyết đã nói lên điều đó, như: Thiên đường xanh, Biến đổi, Pơ thi, Hoa rừng, Đại ngàn, Nơi không rừng, Tiếng rừng (…). Đọc Pơ thi, người ta thấy ngoài sự am tường về văn hóa, phong tục tập quán Jrai còn thổn thức một tấm lòng yêu thương gắn bó, sẻ chia của tác giả với cộng đồng này”.
Chia sẻ cùng tôi những dự định sắp tới, nhà văn Thu Loan cho biết: “Tôi đang sửa tập truyện vừa viết cho thiếu nhi, tập Chuyện của con bò, định đầu năm sau sẽ xuất bản. Bên cạnh đó, còn một tập bản thảo truyện ngắn, một tập thơ còn dở dang đang chờ tôi nhưng niềm đau đáu nhất, tôi vẫn dành cho tiểu thuyết. Tôi đang có dự định viết một cuốn tiểu thuyết về nghề văn, về tình yêu, tình vợ chồng, về cái đẹp… với một giọng văn khác. Tiểu thuyết này cũng đang nằm ở dạng bản thảo nên tôi sẽ đầu tư thời gian cho nó, dù biết là có nhiều khó khăn, đặc biệt là trong đời sống hôm nay, viết tiểu thuyết đã là một việc cực nhọc, người đọc ít, lại phải tìm đầu ra cho sách nhưng tôi vẫn quyết tâm. Khi mình đã quá yêu tiểu thuyết rồi, yêu bằng một tình yêu máu thịt thì khó mấy cũng vượt khó, khó mấy cũng hoàn thành, khó mấy cũng ra được sách…”.
Thu Huế