Tại Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần thứ 6 khóa IX (nhiệm kỳ 2022-2026) diễn ra chiều 19.7, một số thay đổi ở V-League 2024 - 2025 đã được nhắc đến. Trong đó, các đội tại V-League 2024 - 2025 có thể sử dụng 2 cầu thủ Việt kiều (có bố hoặc mẹ là người Việt Nam, nhưng chưa có quốc tịch Việt Nam), thay vì 1 như trước đó.
Suất cầu thủ nước ngoài gốc Việt cũng được tăng lên cho các giải đấu như futsal, giải nữ vô địch quốc gia.
Điều đó đồng nghĩa, suất cầu thủ Việt kiều ở sân chơi V-League được mở rộng từ 14 lên 28 cầu thủ. Con đường trở về quê hương cống hiến của các cầu thủ Việt kiều rộng mở hơn.
Nguyễn Filip trở về cống hiến cho quê hương |
Quyết định này của VFF mở ra hai khía cạnh. Thứ nhất, chất lượng V-League sẽ được nâng tầm, bởi chính những cầu thủ mang dòng máu Việt Nam, song được đào tạo ở những nền bóng đá phát triển, có thể chất tốt và tư duy chơi bóng tiến bộ. Patrik Lê Giang hay Nguyễn Filip là minh chứng, khi đều thể hiện được năng lực, đẳng cấp của những cầu thủ được đào tạo bài bản ở châu Âu. Hay trước đó là thủ môn Đặng Văn Lâm, người mang hai dòng máu Việt Nam và Nga trong người, cũng là ví dụ tiêu biểu cho tố chất mà một cầu thủ Việt kiều có thể mang lại.
Từ trước đến nay, bởi nhiều lý do như khác biệt văn hóa, khí hậu, bất đồng ngôn ngữ hay quy chế giải (chưa cởi mở với cầu thủ gốc Việt), mà đóng góp của cầu thủ Việt kiều cho bóng đá Việt Nam chỉ dừng lại ở một số cái tên. Chuyện hòa nhập, thích nghi với văn hóa mới chưa bao giờ dễ dàng. Đơn cử như thủ môn Nguyễn Filip dù được thuê giáo viên tiếng Việt, nhưng phải rất vất vả mới học được ngôn ngữ mới, nhằm giao tiếp cơ bản với đồng đội.
Tuy nhiên, khi dòng cầu thủ Việt kiều "chảy" về Việt Nam ngày càng nhiều, như trường hợp của Ryan Hà, Adriano Schmidt, Victor Lê, Steven Dang, Phạm Thanh Tiệp, Nguyễn Như Đức Anh, Vincent Guyenne... có thể tin V-League ngày càng hấp dẫn trong mắt các tài năng xa xứ. Hy vọng với quy chế mới của VFF, sẽ có thêm những ngôi sao Việt kiều hồi hương, trong đó nổi trội có Jason Pendant Quang Vinh (từng đeo băng thủ quân CLB Sochaux ở Ligue 1, Pháp).
Patrik Lê Giang gồng gánh CLB TP.HCM ở mùa giải 2023 - 2024 |
Ở khía cạnh thứ hai, nếu V-League đón thêm Việt kiều chất lượng, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ tăng chất. Lý do là bởi để có quốc tịch Việt Nam (điều kiện tiên quyết khoác áo đội tuyển quốc gia), các cầu thủ Việt kiều cần có thời gian sinh sống, thi đấu ở trong nước, thể hiện nghiêm túc khát khao cống hiến cho quê hương. Đồng thời, V-League sẽ là "đòn bẩy" để các cầu thủ Việt kiều hòa nhập với bóng đá Việt Nam về cả chuyên môn lẫn văn hóa, nhờ vậy thuận lợi khi khoác áo đội tuyển quốc gia. Như câu chuyện của Nguyễn Filip, người gác đền sinh năm 1992 đã lên tuyển chỉ sau nửa năm cống hiến cho CLB Công an Hà Nội, là ví dụ.
Cựu HLV Philippe Troussier từng chia sẻ: "Tôi hy vọng các cầu thủ Việt kiều sẽ có cơ hội nhập tịch để khoác áo đội tuyển Việt Nam. Chiêu mộ các cầu thủ song tịch là một trong những cách mà các đội châu Phi như Ma Rốc, Algeria, Senegal đang làm để nâng tầm. Ở châu Á, Nhật Bản, Thái Lan hay Indonesia cũng sốt sắng nhập tịch".
Bóng đá Việt Nam không nên lãng phí nguồn lực Việt kiều, khi ở khắp nơi trên thế giới, còn rất nhiều tài năng mang gốc gác Việt Nam đang theo đuổi nghiệp quần đùi áo số. Nếu tận dụng tốt những viên ngọc thô Việt kiều, đội tuyển Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn để làm mới đội hình.