Trình diễn mô hình lúa trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Ảnh: A.K |
Công tác nghiên cứu lai tạo những bộ giống mới có năng suất, chất lượng phục vụ trong sản xuất nông-lâm nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc lai tạo các bộ giống lúa cho năng suất đưa vào sản xuất đại trà đã góp phần đẩy lùi nạn đói giáp hạt, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Những bộ giống mới này đã thay thế dần các giống cũ năng suất thấp, chất lượng kém. Đây là con đường ngắn nhất đưa kết quả từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng. Ông Nguyễn Đông, ở xã An Phú (TP. Pleiku) cho biết: Trước đây, gia đình chỉ sử dụng giống lúa địa phương năng suất thấp. Vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng các mô hình IPM, ICM đưa giống lúa mới vào sản xuất, năng suất lúa tăng gần gấp đôi, ít sâu bệnh, chi phí thấp nên thu nhập khá lên trông thấy.
Thời gian đến, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai hướng trọng tâm vào việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Cụ thể là ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa sau chế biến; đầu tư khoa học công nghệ có trọng điểm vào những vùng sản xuất hàng hóa nông sản lớn, chăn nuôi tập trung; hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu ổn định cho chế biến và xuất khẩu.