UBND tỉnh Gia Lai chỉ thị tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản và giá đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản và giá đất.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 24-11-2020, Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 23-3-2020 của UBND tỉnh.
Theo đó, các ngành, địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; thực hiện và hướng dẫn các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Kiểm tra, chấn chỉnh việc tách thửa đất sai quy định; bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đất đai. Rà soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.
Tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản; xử lý, chấn chỉnh các hành vi vi phạm (nếu có), đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản đúng quy định của pháp luật. Kiểm soát việc chuyển nhượng dự án, một phần dự án, nhất là các dự án bất động sản; rà soát các dự án bất động sản đã được quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai, công khai danh sách dự án chậm tiến độ, kịp thời xử lý hoặc đề nghị xử lý thu hồi dự án; công khai thông tin các dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị được phê duyệt chủ trương đầu tư trên Trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Chủ động kiểm tra, nắm bắt thông tin để xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường bất động sản. Đối với các giao dịch bất động sản có liên quan các dự án, văn phòng công chứng kiểm tra, chỉ thực hiện công chứng các hồ sơ giao dịch bất động sản đối với các dự án bất động sản đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định; thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng.
Hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin, phổ biến rộng rãi các dự án đã được cấp thẩm quyền cho phép triển khai trên địa bàn tỉnh để người dân biết, không làm ảnh hưởng đến tâm lý đám đông gây bất lợi cho thị trường và trật tự xã hội.
Việc phát triển hệ thống cây xanh đô thị ở TP. Pleiku phân bổ chưa đồng đều và chủng loại chưa đa dạng. Ảnh: Quang Tấn
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: Quang Tấn
Đối với quỹ đất phân lô, bán nền thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, các địa phương rà soát, hoàn thiện đấu nối đầu tư hạ tầng kỹ thuật (theo Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 24-11-2020 của UBND tỉnh) và kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng nhà theo đúng quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc (nếu có) đã được phê duyệt. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng tự ý phân lô, tách thửa, xây dựng các công trình trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tăng cường quản lý các hoạt động môi giới có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương; kịp thời kiểm tra, ngăn chặn các thông tin, hình thức rao bán, quảng cáo thổi phồng dự án, nhất là các dự án chưa đầy đủ quy trình thủ tục và chưa đầu tư xây dựng, đấu nối hạ tầng.
Tổ chức thực hiện xác định và phê duyệt giá đất cụ thể đúng theo nội dung UBND tỉnh ủy quyền và quy định pháp luật; cần chú ý nguyên tắc đúng mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, đảm bảo giá đất phê duyệt phản ánh đúng tình hình giá đất tại địa phương, nhất là giá đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư; xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật nếu phát hiện tổ chức, cá nhân câu kết, nâng giá nhằm trục lợi ngân sách nhà nước. Địa phương nào để xảy ra tình trạng giá đất lên cao bất hợp lý thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xác định giá đất trên địa bàn tỉnh; kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc và xử lý các hành vi vi phạm về giá đất. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Sở Tài chính chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, tăng hệ số điều chỉnh giá đất; phối hợp và hướng dẫn UBND cấp huyện, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, tăng hệ số điều chỉnh giá đất; đề xuất giải quyết các vướng mắc trong việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm, tăng hệ số điều chỉnh giá đất theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương liên quan làm cơ sở tổ chức thực hiện. Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế theo quy định.
HÀ SỰ

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.