Tươi xanh miền ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi dọn dẹp nhà cửa, tôi phát hiện một lá thư cũ rơi ra từ quyển sổ đã ngả màu thời gian. Ngoài phong bì ghi tên địa chỉ người nhận là tôi, còn người gửi là một học trò cũ. Ngày tháng trên dấu bưu cục cách đây đã gần 20 năm. Mở lá thư ra đọc lại, nét chữ học trò nắn nót đưa tôi về với kỷ niệm những ngày đầu tiên làm cô giáo.
Gần 20 năm trước, khi Tây Nguyên cũng bắt đầu chớm vào mùa mưa như thế này, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai, tôi được phân về giảng dạy ở một ngôi trường 100% học sinh là người Jrai. Có lẽ, tôi sẽ chẳng thể nào quên được cái đêm đầu tiên lưu trú tại trường. Trường không có phòng tập thể dành cho giáo viên, tôi ở chung với cô bảo vệ trong căn phòng làm bằng ván gỗ được ngăn ra từ một đầu của lớp học. Đêm đầu tiên ở lại trường, lạ nhà, nằm nghe gió rít qua từng khe ván gỗ và hồi hộp chờ ngày đầu tiên lên lớp với nhiệm vụ chính thức của một giáo viên môn Ngữ văn, tôi không sao chợp mắt được.
Ngày đầu tiên lên lớp, tôi chọn chiếc áo dài màu thiên thanh. Cố làm ra vẻ tự tin, nhưng trong lòng tôi, bao nhiêu ý nghĩ đan xen: lo lắng có, hồi hộp có, căng thẳng có, nhưng hơn cả là niềm tự hào trước những học trò nhỏ. Tôi thấy mình chững chạc, ra dáng hẳn.
Rồi cảm giác bỡ ngỡ ban đầu cũng mau chóng qua đi, tôi hòa mình vào công việc, cuộc sống với đất và người ở nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ấy. Học trò của tôi, ngoài một buổi lên lớp, thời gian còn lại phải phụ giúp cha mẹ làm việc nương rẫy như một lao động chính trong gia đình. Cũng chính vì vậy, các em thường vắng học, có em còn bỏ học giữa chừng.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Tây Nguyên trong tôi lúc ấy mờ nhạt, bởi tôi chỉ quanh quẩn học hành ở thành phố. Vài ba dịp cùng đội văn nghệ của Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh đi biểu diễn phục vụ người dân, chiến sĩ nơi biên giới khi đang là sinh viên cũng không đọng lại trong tôi nhiều lắm ngoài những nếp nhà sàn nằm bơ vơ bên những con đường đất bazan đỏ quạch, mùa mưa thì bết quánh lại, mùa nắng thì bụi vẩn lên như bột.
Giờ tôi mới có dịp sống và sinh hoạt như một người Tây Nguyên thực thụ. Những buổi không có giờ lên lớp, tôi theo những học trò nhỏ lên rẫy, chúng làm gì tôi làm theo. Ban đầu, lũ trò nhỏ cười phá lên khi thấy tôi không thạo việc, nhưng rồi chúng tỉ mỉ chỉ cho tôi từng động tác, trỉa bắp khác với trỉa lúa thế nào, rồi việc thu hoạch lúa nương cũng hoàn toàn khác với cách thu hoạch lúa của người Kinh. Chiều đến, từ rẫy trở về, tôi cùng với các em nữ ào xuống giọt nước của làng, vốc những vốc nước mát lành chảy về từ một dãy núi xa, phả lên mặt, lên người. Dân làng cũng dần quen với sự có mặt của tôi, họ tự nhiên hơn, thân thiện hơn, rồi dần coi tôi như người nhà. Tôi được các trò nhỏ dạy nói những từ Jrai đơn giản, được phụ huynh mời đến những buổi lễ trọng trong làng. Cũng từ đây, tôi biết thêm những nét văn hóa vô cùng độc đáo ở vùng đất mà tôi coi như quê hương thứ hai của mình.
Ngày qua ngày, mặt trời gác núi, tôi dạy học trò những con chữ, sau buổi học, các em dạy lại tôi hằng hà thứ, mà trước đó và cả sau này, tôi không thể tìm lại ở đâu những tháng ngày như vậy. Tôi đã cùng những chàng trai, cô gái Jrai chếnh choáng trong men rượu cần, xoay tròn cùng học trò nhỏ những nhịp xoang bồng bềnh trong tiếng chiêng ma mị ở những buổi lễ bỏ mả. Tôi đã ăn những món ăn mang đậm phong vị của miền đất tôi đã sống nhưng trước đó chưa bao giờ được thử nghiệm. Tôi đã ngồi bên bếp lửa nhà rông trong những đêm mưa lạnh gió rít nghe người già kể “khan”… Phòng tôi ở hầu như lúc nào cũng có dăm ba quả ổi vườn thơm phưng phức, vài quả bắp non vừa hái từ rẫy về, mấy củ khoai còn dính bết đất đỏ…
Đôi khi tôi tự hỏi, ngày ấy, tôi đã dạy học trò hay chính học trò đã dạy cho tôi về những điều giản dị mà thật đẹp đẽ trong cuộc đời này. Giáo dục có lẽ không chỉ từ một chiều, ít nhất là với tôi. Cuộc sống cơm áo cuốn tôi đi, nơi làng nhỏ không biết có ai còn nhớ đến tôi, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn thu xếp thời gian để quay về nơi đã bắt đầu ấy. Để nghe một tiếng chiêng ngân trong đêm trăng ma mị, để hít căng lồng ngực mình khí trời nồng nồng bụi đỏ, để thò tay vốc một vốc nước mát lịm ở giọt nước chảy ra từ một dãy núi xa. Và có lẽ, còn là để hoài niệm về những ngày tôi đã từng rất trẻ, vẹn nguyên, tươi xanh trong miền ký ức thăm thẳm…
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.