Từ căn bệnh lòe loẹt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở đâu lòe loẹt thì không sao, nhưng có một vài nơi như Huế, Hội An, Đà Lạt… mà lòe loẹt là “có chuyện để nói”. Ở đâu thô kệch thì không sao, nhưng những nơi đó mà thô kệch là bị phản ứng.
Ở đâu lai căng học đòi thái quá còn chấp nhận được, nhưng những nơi đó mà lai căng học đòi thì thế nào cũng bị phê phán. Bởi đó là những nơi chốn ghi dấu ấn bản sắc trong suy nghĩ và tình cảm cư dân và du khách.
Nhưng nghịch lý thay, “cơ chế tự vệ” để giữ gìn hồn cốt của những nơi như Đà Lạt không xuất phát từ chính cư dân hay kháng thể văn hóa của chính nơi đó, mà từ trong cộng đồng du khách. Chính điều này làm cho những nơi như Đà Lạt được giữ gìn phần nào, nhưng cũng chính điều này, trong điều kiện giám sát từ xa, việc bảo vệ những nơi như Đà Lạt luôn có một độ trễ nhất định. Thường là khi việc đã rồi. Và khi lên tiếng thì cũng chẳng còn cứu vãn được bao nhiêu.
Câu chuyện Vườn thượng uyển bay Đà Lạt không phải đến bây giờ mới bị công chúng phản ứng dữ dội. Trước đây, vào năm 2017, do “thiếu hiểu biết” (từ dùng của chính chủ đầu tư), khu du lịch này đã từng bị chính quyền Lâm Đồng tuýt còi bởi xây dựng trên khu đất nông nghiệp, chủ đầu tư buộc phải tháo dỡ toàn bộ. Vườn thượng uyển bay cũng là chủ đề của những cuộc đả kích trên mạng trong vài năm trước vì thứ kiến trúc mang thẩm mỹ thiếu hòa hợp với khung cảnh tự nhiên và văn hóa của Đà Lạt. Và nay, cuộc chỉ trích càng nặng nề hơn, bởi một lần nữa, bộ mặt “rực rỡ” lại phơi bày cái sự “thiếu hiểu biết” về văn hóa của chủ đầu tư.
Thật sự là “thiếu hiểu biết” khi mà chủ đầu tư giải thích rằng bà muốn xây dựng khu du lịch tâm linh (do gần cái am được coi là linh thiêng) và hình thái “thượng uyển của vua chúa ngày xưa” lấy từ ý tưởng “trước đây vua Bảo Đại từng sống ở Đà Lạt”.
Cả hai yếu tố “tâm linh” và “thượng uyển” đều là sản phẩm của sự thiếu am hiểu về văn hóa trong kinh doanh du lịch ở một thành phố đã định hình những giá trị nhân văn và thiên nhiên sâu sắc trong quá khứ.
Việc kiểm tra của chính quyền cũng chỉ dừng ở mức “nhắc nhở động viên”. Rõ ràng, một khi chính quyền đã cấp phép và không có những chế độ khảo sát, cấp phép thực thi ý tưởng xây dựng căn cứ trên hệ thống tiêu chuẩn lấy sự hài hòa với thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương làm căn cứ, thì việc xây dựng các công trình thế này là hợp thức, không có gì sai cả. Đây cũng là điều giải thích cho việc số lượng công trình kiến trúc du lịch lòe loẹt, thô kệch, sao chép ý tưởng, mô phỏng hời hợt rẻ tiền mọc lên khắp nơi, từ khu du lịch đến homestay. Xu hướng tạo ra các sản phẩm du lịch bắt chước, lai tạp dễ dãi này, rất tiếc, cũng đang nở rộ ở nhiều điểm đến du lịch khác tại VN, không riêng Đà Lạt.
Rừng, cây xanh đã hy sinh một cách hoang phí, không mang lại một giá trị phát triển vững bền nào. Văn hóa, hình ảnh thương hiệu địa phương lại chịu mất mát lớn lao hơn.
Nhưng cũng nhìn rộng ra, đâu chỉ có các nhà đầu tư nơi khác tới, với sự “không hiểu biết” pháp luật lẫn văn hóa địa phương mới làm những điều trái tai gai mắt như vậy, mà chính quyền, qua các dự án chỉnh trang đô thị tai tiếng, phần nào cũng “nêu gương” để doanh nghiệp, nhà đầu tư cứ thế làm theo.
Vậy thì sẽ không ai bảo được ai. Câu chuyện lòe loẹt chỉ là một phần nhỏ, là ẩn sâu bên dưới một hiện tượng mới đáng sợ hơn: giá trị riêng của những bản sắc đô thị đang mai một từng ngày.
Theo Nguyễn An Nam (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.