Trường Sơn ký sự: Đi tìm "ngải thương"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những lần tôi đi công tác ở vùng cao các tỉnh miền Trung, vài người lại nhắn nhủ vui mà cứ như dọa: “Đừng để cô nào tương tư “bỏ ngải” rồi ở lại luôn nhé!”.
Nghe mãi nên tôi tò mò quyết tìm hiểu “ngải thương” là thế nào, là hư truyền hay có thật…
Lạ lùng những “đôi đũa lệch”
Rong ruổi dọc thung lũng A Lưới (Thừa Thiên - Huế), len sâu vào một số bản làng để hỏi về "ngải thương" (có người gọi là bùa mê), những người mà tôi tiếp xúc đều dè dặt ra mặt, có người thẳng thừng từ chối trả lời. Tập quán đồng bào vùng cao thường kiêng cữ khi đề cập những bài thuốc giấu, như "thuốc thư" hay "ngải thương". Giữa lúc định bỏ cuộc, tôi được một người bạn giới thiệu đến gặp anh L.H (trú tại xã Hồng Thượng). H. là một thanh niên người Pa Kôh đã học xong cử nhân và am hiểu văn hóa bản địa. Trước khi bắt đầu về "ngải thương", H. rào đón: "Tôi cứ kể còn tin hay không là tùy anh…".
 
Dù thực hư vẫn chưa được xác tín nhưng “ngải thương” vẫn hiện diện trong niềm tin của đồng bào Cơ Tu tại Tây Giang
Dù thực hư vẫn chưa được xác tín nhưng “ngải thương” vẫn hiện diện trong niềm tin của đồng bào Cơ Tu tại Tây Giang
Theo H., ở quê anh người ta gọi "ngải thương" là ần nàng và hiện còn lưu truyền câu chuyện cách đây khoảng 20 năm khiến nhiều người tin "ngải thương" có thật. Số là một cụ già ở xã Hồng Thượng đã có gia đình, con cháu đề huề… lại đem lòng yêu một người phụ nữ chỉ bằng tuổi con mình. "Vì chênh lệch tuổi tác, khập khiễng về nhiều mặt nên người phụ nữ cứ gặp ông già là trốn chạy. Thế mà sau một thời gian, người ta ngỡ ngàng khi thấy người phụ nữ chủ động tìm đến ông rồi chấp nhận cảnh chung chồng, làm vợ thứ ông cụ", anh H. kể, "Ông cụ có 2 con chung với người phụ nữ trẻ. Tính ra con gái đầu lòng của 2 người chỉ bằng tuổi cháu nội ông. Nay ông cụ đã mất, bà vợ thứ còn trẻ vẫn ở vậy…".
Anh L.H cũng kể thêm những câu chuyện "tình yêu lạ lùng" giữa người miền xuôi với miền ngược được cho là "dính ngải". Đó là trường hợp một đàn ông người Kinh trẻ tuổi lấy người đàn bà bằng tuổi mẹ mình rồi cả hai dắt díu nhau về xã Hồng Kim sinh sống. "Hai vợ chồng mà cứ như 2 mẹ con vậy… Thấy cặp đôi, nhiều người lại nhắc đến câu chuyện bùa ngải", anh H. tặc lưỡi.
Ở H.A Lưới, trong cộng đồng người Kinh cũng lưu truyền câu chuyện người đàn ông tên C. đã có vợ và 3 con đem lòng "say mê" một phụ nữ Tà Ôi già. Điều đáng nói là ông C. vốn rất yêu vợ con. Ngày ngày, ông chăm chỉ đi làm thợ hồ để lo cho gia đình. Thế rồi một hôm, ông đi xây nhà ở một bản xa rồi tình cờ gặp bà già kia. Sau đó, bất chấp gia đình khuyên can, vợ con khóc lóc, ông vẫn quyết bỏ ra bìa rừng, lập một cái lán ở với người đàn bà. "Vợ con tìm đến để van xin thì ngã ngửa vì cảnh sinh hoạt luộm thuộm của 2 người. Ông ta sẵn sàng bỏ tổ ấm đàng hoàng để tìm đến cảnh sống cùng cực chỉ vì một bà già. Nếu không phải "ngải thương" thì là gì? Tôi không biết lý giải sao cho đúng", anh T.D (một người dân trú tại xã Sơn Thủy, H.A Lưới) kể và cho biết ở A Lưới không thiếu chuyện những "đôi đũa lệch" như thế, mà người ta cho là do "ngải thương" mà ra.
Câu chuyện "ngải thương" vốn dĩ tù mù như đường vào trái tim của một người. Bởi vậy, hỏi cách thức làm sao "bỏ thuốc" để khiến người ta thương mình cũng giống như sương sa dưới tầng cây phủ. Tôi hỏi L.H: “Đã bao giờ anh nghe người ta kể hay đồn người nào đó sở hữu "ngải thương" và "cơ chế bỏ ngải" khiến người ta từ ghét thành yêu, từ bình thường trở nên điên đảo chưa?”. H. bảo nếu anh biết ai có "ngải" chắc chắn anh sẽ mua bằng được để cô gái mà anh yêu đơn phương không đi lấy chồng. "Tôi tìm hỏi vài cụ già thì được kể rằng để "ngải thương" hiệu nghiệm thì phải bỏ chính xác vào tóc "bằng đường" gương, lược mà người đó hay sử dụng", anh H. bật mí.
 
Giữa thâm u đại ngàn Trường Sơn, nhiều người vẫn tin vào sự tồn tại của
Giữa thâm u đại ngàn Trường Sơn, nhiều người vẫn tin vào sự tồn tại của "ngải thương"
Từ ghét thành thương
Tôi may mắn được già làng Hồ Văn Hạnh (75 tuổi, trú tại xã Trung Sơn) tiếp chuyện và hé lộ những câu chuyện về "ngải thương" truyền đời ở H.A Lưới. Già nói chuyện "bỏ ngải" ở khía cạnh nào đó cũng khá nhân văn. "Ngày xưa, người Pa Kôh có tục bắt vợ. Người con gái dù trước đó đã biết nhà trai nhưng chưa thuận lắm. Vậy thì "ngải thương" chính là phương thuốc để hàn chặt mối quan hệ của đôi trẻ", già Hạnh nói. Già từng chứng kiến câu chuyện một cô gái bị bắt làm vợ, dù ban đầu khóc lóc nhưng rồi "ngải thương" đã khiến cô yêu chồng tha thiết.
Vỏ cây kịch độc dùng để đánh giặc
Không chỉ dùng các loài cây để làm "thuốc giấu" chữa bệnh hay thứ lá kỳ lạ mà nhiều người vẫn tin là "ngải thương", đồng bào Cơ Tu tại Tây Giang từ xưa đã biết tách chiết chất độc từ một loài cây tên là ch’pơơr để làm vũ khí đánh giặc. Theo kinh nghiệm của Anh hùng LLVT C’lâu Nâm (qua đời năm 2018) truyền lại, ch'pơơr mọc hoang ở rừng ven sông Lăng. Nhựa cây thường được lấy vào mùa xuân, sau đó đem đi điều chế để bôi vào mũi tên. Trong chiến tranh, du kích người Cơ Tu dùng thuốc này khá nhiều để đánh giặc, giữ làng.
Chuyện kể chàng trai biết vợ không ưng mình nên đau lòng vô cùng. Bố mẹ biết chuyện đã bảo con trai về xuôi mua hàng hóa rồi nhân lúc con trai đi vắng để "bỏ thuốc" vào gương, lược cho con dâu chải lên đầu. Thế rồi, đêm hôm đó, cô gái chạy ùa ra ngọn đồi ôm mặt khóc vì nhớ chồng. "Đó là nỗi nhớ không thể tả được. Nửa tháng sau, người con trai trở về thì ngạc nhiên khi cô vợ ùa vào lòng mà khóc, thủ thỉ những lời nhớ thương. Họ sinh sống với nhau và có nhiều con… Hạnh phúc lắm!", già Hạnh kể, giọng đầy phấn khích. Cũng theo lời già, "ngải thương" sẽ hết hiệu nghiệm khi đôi trai gái có đứa con đầu lòng.
Trong những nghiên cứu của mình về đời sống cộng đồng người Cơ Tu, ông Bhơriu Liếc (nguyên Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam), khẳng định người Cơ Tu tin vào những bí thuật có thể khiến người khác thương mến hay ghen ghét. Theo ông, "ngải thương" là một loài cây thuốc tên amor amểểr (có nghĩa là “gần gũi”). Người ta tin khi để lá cây này vào áo, quần người mà mình yêu thích thì người đó sẽ “yêu đến chết mê chết mệt”. Ông cũng kể câu chuyện ở một ngôi làng thuộc H.Hiên (cũ). Mẹ chồng lấy thuốc để trong áo quần con dâu và con trai mình với mong ước 2 con yêu thương nhau trọn đời. Bởi trước đó vì ép gả nên cô vợ không ưng chồng. Tuy nhiên, do sơ suất, bà mẹ chỉ để lá thuốc vào đồ mặc của con trai, quên để vào đồ mặc của con dâu, nên 2 trẻ vẫn không yêu quý nhau. Mãi sau bà mới phát hiện ra sơ suất của mình, “chữa” lại cho đúng, thì gia đình anh con trai mới vui vẻ, đề huề.
 
Già Hồ Văn Hạnh mô tả cách bỏ
Già Hồ Văn Hạnh mô tả cách bỏ "ngải thương" vào gương, lược để cho đối phương yêu thương, nhung nhớ mình. Ảnh: Hoàng Sơn
Tôi hỏi ông Bhơriu Hùng, Trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang (Quảng Nam): “Anh có tin có "ngải thương" không?”. "Có chứ!", ông Hùng trả lời mà chẳng cần suy nghĩ: "Từ xưa cho đến nay, người Cơ Tu chúng tôi luôn tin có "ngải thương". Qua tìm hiểu, tôi được biết đó là một loài cây thuốc như thuốc nam vậy". “Trên thực tế, rất khó lý giải những trường hợp vợ chồng đòi ly hôn và đến gặp người có "ngải", họ thổi hay bỏ thứ thuốc gì đó rồi cả hai lại yêu thương nhau như ngày đầu…", ông Hùng nói thêm.
Thậm chí huyện từng có đề án kêu gọi những người có bùa, ngải hay những bài thuốc bí truyền về làng truyền thống của H.Tây Giang để sinh hoạt nhằm bảo tồn nét văn hóa này. Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa được thực hiện, trong đó có nguyên nhân "không dễ gì kêu gọi mọi người công khai bài thuốc giấu". Theo ông Hùng, dù có thật hay không thì ngành văn hóa huyện luôn tuyên truyền người dân xây dựng nếp sống văn minh. Bởi xét cho cùng, "ngải thương" nếu có thật thì cũng là việc cưỡng ép cảm xúc người khác theo ý mình…
(còn tiếp)
Theo Hoàng Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.