Trường Sơn-10 năm trở lại-Bài 4: Trường Sơn hôm nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
10 năm trước, đường 20 Quyết Thắng trên đất Quảng Bình chỉ có thể vào đến km16, Hang 8 Cô; để đến được bản 61 của người Ma Coong và vùng biên giới Kà Roòng với hơn 40km nữa chỉ có loại xe đặc chủng mới có thể đi được, và cũng phải đi mất cả ngày đường. 
Nhiều tuyến đường trên dọc dài dãy núi Trường Sơn từ Nghệ An đến Kon Tum những năm đó cũng vậy. Nhưng giờ thì Trường Sơn đã đổi khác, nhiều tuyến đường “máu lửa” Trường Sơn thời đánh Mỹ đã được nâng cấp, mở rộng. Sau khi đường Hồ Chí Minh được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện giao thương giữa các vùng và làm thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc trên các bản làng Trường Sơn.
 
Đoàn cựu chiến binh Trường Sơn viếng Đền liệt sĩ Hang 8 Cô trên đường 20 Quyết Thắng. Ảnh: HOÀI NAM
Sống mãi đường 20 Quyết Thắng
Tình cờ, chúng tôi gặp được Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòn, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn Trường Sơn (hiện là Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam), khi ông dẫn đoàn cựu chiến binh Trường Sơn từ Hà Nội về thăm lại di tích lịch sử những “tọa độ lửa” trên đường 20 Quyết Thắng.
Đứng trên triền dốc nhìn xuống bản 61 phía dưới, nguyên trước kia là một trọng điểm ác liệt ở đoạn cuối đường 20, ông nói: “Máu xương anh em bộ đội Trường Sơn đổ trên tuyến đường này lớn lắm. Trên tuyến đường 20 này có rất nhiều trọng điểm ác liệt như Xuân Sơn, ngầm Trà Ang, Kà Roòng… Phía bên đất Lào có A-T-P (cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phulanhích). Không biết bao nhiêu bom đạn Mỹ trút xuống con đường này. Trước đây có đường 12, sau này phải mở đường 20 để tránh được túi nước khổng lồ ở Siêng Phang, Lào và đồng thời giảm được đoạn đường cả trăm kilômét để đi đến đường 9 và tỏa đi các nhánh Trường Sơn. Do vậy, quân địch đánh phá tuyến đường này rất ác liệt, không có cỏ cây nào lên nổi, tất cả đều cháy rụi…”.
Trở lại đường 20 lần này, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng và những đồng đội của ông có nhiều cảm xúc về sự thay đổi của Trường Sơn hôm nay. Đường 20 và nhiều tuyến đường khác đã được mở rộng, nâng cấp, kéo theo đó là nhiều công trình đường, trường, trạm được xây dựng, các bản làng đồng bào Pa Cô, Vân Kiều, Ma Coong, Chứt… được xây mới, cuộc sống người dân tốt hơn lên. Đặc biệt như ông nói, có công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - đường 20 Quyết Thắng mà Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP trước kia và hiện nay là Tạp chí Nông Thôn Việt đang triển khai xây dựng, đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Trường Sơn, làm cho Trường Sơn bớt đi sự hoang vắng, xa xôi cách trở. 
Ông nghẹn lời nói: “Hiện nay liệt sĩ của Trường Sơn còn phảng phất rất nhiều trên dãy Trường Sơn và tuyến đường máu lửa này, cả bên đất Lào và Việt Nam. Xây dựng được ngôi đền này là chúng tôi mừng lắm. Nơi đây không chỉ là chốn đi về, nương náu của hương hồn những đồng đội Trường Sơn chúng tôi, mà còn đánh dấu một di tích lịch sử, điểm đến tham quan, học tập, tìm hiểu về Trường Sơn cho thế hệ hôm nay và mãi về sau…”.
Ở cột mốc km số 0 đường Trường Sơn huyền thoại
Nhà báo Nguyễn Đức, cựu chiến binh Trường Sơn, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP dẫn giải ý kiến của nhiều người, còn có cách hiểu khác nhau về điểm khởi đầu của con đường Trường Sơn huyền thoại. Người thì cho rằng phải bắt đầu từ Kim Bôi, Hòa Bình - nơi xuất phát những chiến binh đầu tiên của Đoàn 559; hay phải là ở Khe Hó, tỉnh Quảng Trị, căn cứ đầu tiên của Tiểu đoàn 301 và là điểm xuất phát của những đội quân “soi đường, lập tuyến”, mở đường Trường Sơn. Nhưng chính xác nhất, theo nhà báo Nguyễn Đức và nhiều cựu chiến binh Trường Sơn, căn cứ theo những dấu mốc và di tích còn để lại của Trường Sơn, thì điểm đầu - hay còn gọi là cột mốc km số 0 đường Trường Sơn huyền thoại chính là ở thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
 
Di tích km số 0 đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An
Cũng theo nhà báo Nguyễn Đức, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đi vào giai đoạn quyết định và để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 27-11-1972, cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 khởi công xây dựng tuyến đường vận tải bằng xe cơ giới từ thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, nối đến tận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Từ đó, thị trấn Lạt trở thành nơi tập kết để cán bộ, chiến sĩ và hậu cần, vũ khí chuẩn bị vào miền Nam.
10 năm trước, trong hành trình trở lại Trường Sơn huyền thoại, khi chúng tôi đến thị trấn miền trung du Tân Kỳ còn vắng vẻ, chưa có sự phát triển gì nhiều so với những địa phương có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua. Sau 10 năm chúng tôi trở lại, thị trấn Lạt đã có những đổi thay mang dáng dấp của một đô thị hiện đại với những tuyến đường rộng rãi, nhiều công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại, nhà cửa, phố xá san sát. Hiện nay, cột mốc km số 0 được xây dựng, sửa sang, khuôn viên có diện tích hơn 600m2, với nhà truyền thống trưng bày các hiện vật của thời chiến tranh, là nơi phục vụ nhân dân, khách du lịch trong, ngoài nước cùng kiều bào đến tham quan, tìm hiểu… 
Tượng đài với chủ đề “Hậu phương hướng về tiền tuyến” được xây dựng những năm gần đây, tạo điểm nhấn trong quần thể khu di tích cột mốc km số 0 để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn đã chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại này. Cột mốc km số 0 giờ đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, vì vậy để phát huy những giá trị di sản của di tích, thời gian qua các cấp, các ngành trung ương và tỉnh Nghệ An đã rất quan tâm. Hiện nay, di tích cột mốc km số 0 được nâng cấp trở thành một điểm đến, điểm du lịch của du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một địa điểm đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống của dân tộc và bộ đội Trường Sơn, để các thế hệ sau này hiểu biết thêm về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.
Đường Trường Sơn công nghiệp hóa
Đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn hiện nay không chỉ đi từ thị trấn Lạt, Tân Kỳ (Nghệ An) đến Lộc Ninh (Bình Phước) như trước nữa, mà đã trải dài từ đất Mũi Cà Mau đến tận Cao Bằng (còn một số đoạn đang thi công - phóng viên). Con đường, như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói: “Đường Hồ Chí Minh vừa trực tiếp phục vụ chiến đấu trong chiến tranh giải phóng dân tộc nhưng đồng thời mang ý nghĩa lâu dài cho đất nước”. 
Đã nhiều lần trở lại Trường Sơn, được đi trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ Lộc Ninh đến tận Xuân Mai (Hòa Bình), chúng tôi bất ngờ với sự thay đổi quá lớn tại những vùng đất trước kia bom đạn, chiến tranh khốc liệt. Nhiều cựu chiến binh Trường Sơn có dịp trở lại Trường Sơn cũng có nhận xét như vậy, và họ không còn nhận ra Trường Sơn của những năm đánh Mỹ.
Dự án đường Hồ Chí Minh trải dài 3.129km, đi từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường cho 6 - 8 làn xe, cầu cho xe từ 30 tấn trở lên. Việc xây dựng được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến ngã tư Bình Phước (TPHCM), hoàn tất vào năm 2005. Đoạn đường đầu tiên làm xong trong giai đoạn này là từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) dài 962km, có 24 cầu lớn, 172 cầu trung, với 617km đường bê tông nhựa và 345km đường bê tông xi măng. Giai đoạn 2 đã cơ bản hoàn thành các tuyến đoạn từ Bình Phước qua Tây Ninh, Long An, các tỉnh miền Tây đến tận Năm Căn, Cà Mau. Giai đoạn 3, dự kiến hoàn thành, thông tuyến từ Vĩnh Phúc đến Cao Bằng vào giữa năm 2020.
(Nguồn: Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh)

Đến Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình hỏi thăm đường về các xã vùng núi cao huyện Tuyên Hóa, tìm lại dấu tích một thời các binh trạm, kho hàng trên các nhánh Tây Trường Sơn, chúng tôi gặp được anh Nguyễn Văn Bình, cựu chiến binh Trường Sơn, quê xã Quy Đạt, huyện Tuyên Hóa. Anh Bình còn nhớ khá rõ những di tích Trường Sơn, nguyên là Sở Chỉ huy tiền phương hậu cần Đoàn 559 còn lại trên vùng núi này.
Anh Bình cho biết, để lên đó, đường đi rất dễ dàng, không phải như ngày trước, mỗi lần về thăm quê ở xã Quy Đạt phải đi tàu hỏa từ Vinh vào ga Đồng Lê, sau đó từ ga Đồng Lê đi nhờ xe tải lâm trường mất gần một ngày đường. Còn bây giờ rất đơn giản, nhờ có đường Hồ Chí Minh mà Quy Đạt đã trở thành một thị trấn sầm uất. Không riêng Quy Đạt mà suốt tuyến đường Hồ Chí Minh từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh, mọi thứ đều đã đổi thay đến kinh ngạc, đặc biệt là đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Ở miền xuôi có gì thì thượng nguồn có nấy.
Gần 20 năm qua, khi tuyến đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa (thời kỳ chiến tranh chống Mỹ còn gọi là đường 15 - Đông Trường Sơn) được hoàn thành thông suốt và đưa vào sử dụng đã có hiệu quả cực kỳ rõ rệt trong phát triển kinh tế ở những địa phương có đường đi qua. Cùng với đó là các tuyến đường ngang nối Đông và Tây Trường Sơn, hình thành các tuyến giao thông liên hoàn, kết nối với các khu kinh tế, đô thị lớn của các địa phương trên dọc tuyến quốc lộ 1A và vùng biển từ Bắc miền Trung đến tận phía Nam.
Hoài Nam-Duy Cường (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.