(GLO)- Những năm qua, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục Sức khỏe (TT-GDSK) tỉnh Gia Lai phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều hoạt động phòng-chống tác hại của thuốc lá trong trường học và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Kết quả điều tra thực hiện năm 2017 của Chương trình phòng-chống tác hại thuốc lá quốc gia về thực trạng sử dụng thuốc lá của học sinh ở độ tuổi từ 13 đến 15 trong cả nước cho thấy: có 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ có ý định hút thuốc lá, trên 60% học sinh thường xuyên hút thuốc lá thụ động tại nhà,15% học sinh cho rằng hút thuốc lá là hành vi bình thường, không đáng phê phán.
Đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của thuốc lá đến với học sinh (ảnh minh họa). |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mẩy-Giám đốc Trung tâm TT-GDSK tỉnh Gia Lai: Trước thực trạng trên, cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động phòng-chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là trong trường học nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ thanh-thiếu niên hút thuốc lá xuống 18% theo Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Thuốc lá rất dễ nghiện và khó từ bỏ. Đa phần học sinh chưa lường hết tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và kinh tế gia đình nên dễ dàng bị lôi kéo sử dụng. Phòng-chống tác hại thuốc lá tại các trường học, nhất là đối với học sinh rất được chú trọng nhằm mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá.
Hàng năm, Trung tâm TT-GDSK tỉnh thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền tác hại của thuốc lá. Năm 2017, Trung tâm TT-GDSK tỉnh đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức 19 đợt sinh hoạt ngoại khóa và cử cán bộ xuống nói chuyện với học sinh về tác hại do thuốc lá gây ra. Từ đầu năm 2018 đến nay, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phòng-chống tác hại của thuốc lá tại các trường trên địa bàn TP. Pleiku. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho treo các băng rôn với nội dung phòng-chống tác hại của thuốc lá trên các tuyến đường ở TP. Pleiku để cảnh báo và vận động người dân từ bỏ thuốc lá”-bác sĩ Mẩy cho biết.
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, phòng-chống tác hại của ma túy, thuốc lá và các tệ nạn xã hội trong học đường được xem là một trong những nội dung hoạt động quan trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn xây dựng mô hình trường học không khói thuốc gắn với xây dựng mô hình trường học xanh-sạch-đẹp. Tại các trường học đều treo biển không hút thuốc lá và vận động các giáo viên từ bỏ thuốc lá hoặc không hút thuốc lá trong khuôn viên trường để làm gương cho học sinh. Nhiều trường học tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Các trường học cũng vận động hàng quán gần khuôn viên trường không bán thuốc lá cho học sinh.
Thầy Nguyễn Phước-Hiệu trưởng Trường THPT A Sanh (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Nhà trường rất chú trọng xây dựng mô hình trường học không khói thuốc. Chúng tôi vận động giáo viên hạn chế sử dụng thuốc lá. Nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở các em học sinh không nên hút thuốc lá. Trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên của trường cũng tuyên truyền tác hại thuốc lá để phụ huynh nhắc nhở con em mình. Nhờ đó, tình trạng sử dụng thuốc lá trong trường giảm mạnh”.
Nguyễn Tú