Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku: Tháo gỡ các "điểm nghẽn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua hơn 1 tháng đưa vào vận hành thử nghiệm, bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) TP. Pleiku vẫn còn bộc lộ một số bất cập trong vận hành, tiếp nhận và xử lý thông tin. Hiện tại, UBND TP. Pleiku và các phòng ban chức năng đang tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”.  
Còn khó khăn, bất cập
Sau hơn 1 tháng triển khai thử nghiệm, IOC TP. Pleiku đã đạt được một số kết quả nhất định. Trung tâm đã tích hợp được 8 công nghệ gồm: phản ánh hiện trường, phần mềm giám sát vô tuyến, camera an ninh, camera giao thông, cơ sở dữ liệu y tế, cơ sở dữ liệu giáo dục và báo cáo kinh tế-xã hội. Theo đó, hiện có 1.630 lượt người sử dụng phần mềm phản ánh hiện trường thông qua app Pleiku Smart (trên 2 hệ điều hành Android và iOS). Trung tâm đã tiếp nhận 50 trường hợp phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan môi trường, giao thông, nước thải, lấn chiếm lòng lề đường… (hiện đã xử lý 20 trường hợp, đang xử lý 28 trường hợp, trùng lặp thông tin 2 trường hợp).  
Các đại biểu tham quan Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku (ảnh chụp ngày 19-4). Ảnh: Quang Tấn
Các đại biểu tham quan Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku (ảnh chụp ngày 19-4). Ảnh: Quang Tấn

Từ ngày 10-5 đến 10-6, hệ thống giám sát Reputa đã kiểm soát 3.000 tin tức liên quan đến các vấn đề an ninh, xã hội, trong đó có 82 nội dung tích cực, 300 nội dung tiêu cực và 2.558 nội dung trung lập. Dữ liệu y tế được tích hợp lên IOC TP. Pleiku đã thể hiện cụ thể các thống kê như: số trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi hay tổng số hộ dân, nhân khẩu, tiến độ lập hồ sơ, số người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mãn tính; tỷ lệ người mắc các bệnh này trên tổng số dân… Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ứng dụng khai báo y tế cũng được tích hợp lên phần mềm Pleiku Smart để người dân dễ dàng sử dụng. Dữ liệu về giáo dục cũng đã được tích hợp lên Trung tâm, thể hiện cụ thể các thống kê như: số trường học, số cán bộ, giáo viên, học sinh, phổ điểm học sinh và rất nhiều thống kê khác…

Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Vinh-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố, hiện nay, hệ thống phản ánh hiện trường đang thực hiện việc tiếp nhận, phân phối và xử lý các phản ánh, kiến nghị bằng thủ công (cán bộ, công chức quản lý trực tiếp kích chuyển xử lý công việc) nên còn gây ra chậm trễ trong việc xử lý phản ánh của người dân. Quy trình xử lý của các cơ quan, đơn vị theo hệ thống hành chính chưa được cập nhật rõ ràng theo từng lĩnh vực, dẫn đến hệ thống phần mềm nhận biết và xử lý chậm. Một số cơ quan, đơn vị, xã, phường chưa cung cấp thông tin về cán bộ, công chức để đăng ký tạo lập user hoạt động; công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua app Pleiku Smart của một số đơn vị, địa phương chưa thuần thục, chưa nắm rõ quy trình kết thúc xử lý thông tin vì thế chưa đánh giá được sự hài lòng của người dân đối với việc xử lý thông tin của chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, sử dụng phần mềm Pleiku Smart để phản ánh các thông tin chưa được sâu rộng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Lê Phương Minh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku-cho rằng: “Cơ chế vận hành của Trung tâm vẫn còn nhiều bất cập. Các phòng, ban chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng, vận hành phần mềm này. Cá nhân tôi cũng chỉ mới sử dụng phần mềm phản ánh hiện trường thông qua app Pleiku Smart trên điện thoại di động. Tuy nhiên, làm thế nào để đăng thông tin, liên kết, phản hồi, sử dụng như thế nào, đăng tải kết quả xử lý ra sao thì chúng tôi chưa được hướng dẫn cụ thể”.
Tiếp tục hoàn thiện
Ông Trần Mạnh Trường-Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị-cho biết: Qua quá trình vận hành thử nghiệm, IOC TP. Pleiku vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều phối, xây dựng user hướng dẫn các đơn vị trong quá trình triển khai vận hành tiếp nhận và xử lý thông tin. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hoàn thành tài khoản để đăng nhập xử lý công việc. “Thời gian tới, Trung tâm phối hợp với Viettel Gia Lai hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, xã, phường xử lý dứt điểm vấn đề này. Đặc biệt, sẽ kiện toàn công tác quản lý, điều hành cũng như phối hợp xử lý thông tin phản ánh đối với các thành viên điều hành Trung tâm. Phần mềm phản ánh hiện trường thông qua app Pleiku Smart chỉ là bước khởi đầu trong quá trình xây dựng đô thị thông minh; theo lộ trình sẽ tiếp tục đưa vào vận hành các ứng dụng liên quan đến quản lý đô thị, quy hoạch đô thị, xây dựng và phát triển đô thị. Chúng tôi đang phối hợp các đơn vị liên quan để hoàn thành cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, quản lý cây xanh...”-ông Trường nhấn mạnh.
Thượng tá Phan Nhật Toàn-Trưởng Công an TP. Pleiku-cho hay: Hiện nay, IOC TP. Pleiku chỉ kết nối với Công an 22 xã, phường mà chưa kết nối với 12 đội nghiệp vụ của Công an thành phố nên gây khó khăn trong việc chuyển tải thông tin, truy cập, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh tích hợp các camera xử phạt vi phạm giao thông về Trung tâm nhưng hiện vẫn chưa tích hợp được. Để nâng cao hiệu quả trong việc giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn thì IOC TP. Pleiku cần nhanh chóng tích hợp cũng như phân cấp, phân quyền để Công an thành phố có thể tiếp nhận, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. “Hiện Công an thành phố đã phối hợp với Viettel Gia Lai khảo sát và chọn ra các điểm đặt camera giám sát ở các cửa ngõ ra vào thành phố và ở khu vực trung tâm gồm: ngã tư Lâm nghiệp, ngã tư Biển Hồ, ngã ba Chư Á, ngã tư Lý Thái Tổ-Hùng Vương, ngã tư Phan Đình Phùng-Lý Thái Tổ nhằm phục vụ cho công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông”-Thượng tá Phan Nhật Toàn cho biết thêm.
Thành phố Pleiku sẽ lắp đặt camera tầm cao có bán kính 10-15 km tích hợp với các phần mềm nhận diện, trí tuệ nhân tạo nhằm giúp quản lý đô thị tốt hơn. Ảnh: Phan Nguyên
Thành phố Pleiku sẽ lắp đặt camera tầm cao có bán kính 10-15 km tích hợp với các phần mềm nhận diện, trí tuệ nhân tạo nhằm giúp quản lý đô thị tốt hơn. Ảnh: Quang Tấn

Trong khi đó, Thượng tá Trần Văn Thuân-Giám đốc Viettel Gia Lai thì cho rằng, để thu hút đông đảo người dân tham gia cài đặt, sử dụng ứng dụng Pleiku Smart thì các phản ánh của người dân qua app này phải được xử lý nhanh chóng. Khi tiếp nhận phản ánh thì phải thông tin cho người dân quá trình và kết quả xử lý, đồng thời không quên cảm ơn họ. Có như vậy mới tạo được niềm tin và mang đến sự hài lòng cho người dân, từ đó thu hút đông đảo các thành phần tham gia sử dụng ứng dụng này.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Toàn Thắng, IOC TP. Pleiku đang trong giai đoạn thử nghiệm nên vẫn còn bất cập. Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ sở hạ tầng; phân cấp, phân quyền trong tiếp nhận, xử lý; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu… “Hiện UBND thành phố đang tiến hành khảo sát một số vị trí để lắp đặt camera tầm cao có bán kính 10-15 km tích hợp với các phần mềm nhận diện, trí tuệ nhân tạo nhằm giúp quản lý tốt hơn trong công tác điều hành về trật tự xây dựng, quản lý lâm nghiệp và một số công tác khác. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban, xã, phường thông báo rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động tải và sử dụng ứng dụng Pleiku Smart. Các phòng, ban liên quan cần chủ động xây dựng kế hoạch, cơ chế tài chính để triển khai hợp phần đô thị thông minh trong giai đoạn tiếp theo. Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến sự hài lòng của người dân, từng bước xây dựng Pleiku trở thành đô thị thông minh, thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”-ông Thắng thông tin.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.