Cụ thể, Cục Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh quốc gia của Trung Quốc thông tin, bệnh nhân là một phụ nữ 63 tuổi tại tỉnh An Huy, có bệnh nền và bị ho, đau họng, sốt và các triệu chứng khác từ ngày 30-11-2023 và tử vong ngày 16-12-2023, theo nguồn tin từ TTO và TNO.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cho biết kết quả phân tích trình tự gene của vi rút cho thấy vi rút H10N5 có nguồn gốc gia cầm và không có khả năng lây nhiễm hiệu quả sang người. Trung Quốc có số lượng lớn chim hoang dã và nuôi nhốt, môi trường lý tưởng cho các chủng vi rút cúm trộn lẫn và biến đổi. Họ giải thích trường hợp nhiễm bệnh này là do “sự lây truyền xuyên loài theo từng giai đoạn từ gia cầm sang người”.
Một khu chợ gia cầm được khử trùng ở TP. Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Trong một diễn biến khác, TTXVN đưa tin, các nhà nghiên cứu vừa phát hiện xác 35 con chim cánh cụt tại quần đảo Falkland ở phía Nam Đại Tây Dương, trong số đó, 2 xác chim có kết quả dương tính với vi rút H5N1.
Theo Ủy ban Khoa học về Nghiên cứu Nam Cực (SCAR), đây là lần đầu tiên chủng vi rút cúm gia cầm H5N1 được tìm thấy ở chim cánh cụt Gentoo, đặt ra mối lo ngại vi rút này có thể lây lan trong đàn chim cánh cụt ở Nam Cực.
Người phát ngôn chính quyền quần đảo Falkland Sally Heathman xác nhận, tính đến ngày 30-1, hơn 200 con chim cánh cụt Gentoo non cùng một số con trưởng thành chết trong tình trạng tương tự. Con số này cho thấy chim cánh cụt Gentoo dễ nhiễm bệnh chết và vi rút H5N1 đang hủy hoại quần thể chim trên toàn thế giới trong những tháng gần đây.
Hiện tại, chính quyền quần đảo cũng đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của chim cánh cụt Rockhopper và đang lên phương án ứng phó với đợt bùng phát dịch trên quy mô lớn do hàng trăm ngàn con chim cánh cụt tập trung dày đặc ở Nam Cực và các đảo lân cận là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan vi rút H5N1.