Trù phú Trà Đa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ một vùng đất nghèo khó giáp ranh với thị xã Pleiku, xã Trà Đa hôm nay đã có bước chuyển mình phát triển vượt bậc và trở thành “vệ tinh” của Phố núi.
Chuyện đất, chuyện người
Anh Nguyễn Quốc Việt-bạn tôi-vừa về thăm Pleiku sau nhiều năm sống ở TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi có dịp cùng nhau dạo quanh một số nơi đã gắn bó nhiều kỷ niệm những ngày là học sinh. Khi ngang qua Khu công nghiệp Trà Đa, anh Việt bất chợt thốt lên, giọng đầy hứng khởi: “Pleiku mình thay đổi nhiều quá! Nhớ hồi học lớp 11 (năm 1987) cả khóa tụi mình được triệu tập đi làm cỏ bạch đàn để gây quỹ Công đoàn nhà trường. Ngày ấy, để ra đến Trà Đa, mình phải đi trên con đường mòn hun hút với rãnh mương xói lở, hai bên mọc đầy dã quỳ, thỉnh thoảng thông thốc những cơn gió bụi mù đất đỏ”. Dừng chân ngay bên đường, nhìn sang hai bên thấy san sát những căn nhà xây khang trang, một số căn biệt thự nằm nép mình dưới bóng cây xanh, rồi Khu công nghiệp, Trung tâm Đăng kiểm, Trung tâm Sát hạch lái xe…, anh Việt không thôi trầm trồ về diện mạo của một đô thị mới đầy năng động đang trên đà phát triển.
 Một đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc thôn 5, xã Trà Đa hôm nay. Ảnh: L.V.N
Một đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc thôn 5, xã Trà Đa hôm nay. Ảnh: L.V.N
…Những câu chuyện về một thời gian khó vẫn còn in sâu trong ký ức người dân nơi đây. Bà Lê Thị Tư (thôn 5) nay đã bước sang tuổi 82 kể cho chúng tôi nghe chuyện hồi năm 1977 cùng nhiều gia đình từ nội thị Pleiku ra Trà Đa lập nghiệp theo diện kinh tế mới trong bời bời cảm xúc. Bà Tư hồi tưởng: Trà Đa cách Pleiku chưa đầy 10 km nhưng con đường về thị xã ngày ấy xa thật xa. Khi gia đình có việc cần, muốn bán ký thóc, con gà phải đi từ đầu giờ chiều để kịp ra chợ đêm Pleiku mới có người mua. “Ngày trước, Trà Đa đất rộng bạt ngàn nhưng lại quá cằn cỗi, cây trồng phụ thuộc vào thiên nhiên nên cái đói, cái nghèo đeo bám người dân quanh năm. Đó là chưa kể bom mìn sót lại sau chiến tranh ở những quả đồi. Thỉnh thoảng mà nghe tiếng nổ thì y như rằng có người chết, bị thương. Đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn, nhà cửa lụp xụp được thưng từ những tấm tôn thùng phuy, ván ép”-bà Tư kể.
Diện mạo mới

Xã Trà Đa được thành lập năm 1981 trên cơ sở điểm kinh tế mới thuộc phường Hoa Lư (cũ). Hiện xã có 6 thôn với 1.400 hộ, 5.400 khẩu. Năm 2015, Trà Đa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện là một trong 4 xã toàn tỉnh được UBND tỉnh chọn đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. 

Tháng 4 này, đi dọc trên con đường Trần Văn Bình về trung tâm xã, chúng tôi thấy ngày một nhiều hơn những căn nhà mới. Ngoài kia là Khu công nghiệp Trà Đa đã được lấp đầy hơn 80% diện tích với 53 dự án của 48 nhà đầu tư có tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 1.800 lao động, trong đó không ít lao động là người dân tại chỗ. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã còn có Trung tâm Đăng kiểm, Trung tâm Sát hạch lái xe, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Tâm thần kinh, Trường Trung học Y tế… thu hút hàng ngàn lao động, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng đất này.
Theo ông Bùi Văn Phúc-Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đa, đến nay trên 10% trong tổng số 1.410 hộ dân trên địa bàn xã chuyển dịch theo hướng thương mại-dịch vụ và trồng công nghiệp; gần 15% số hộ có thu nhập 300-500 triệu đồng/năm. Toàn xã hiện có trên 300 hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chia sẻ chuyện vươn lên làm giàu của người dân, ông Phúc kể tên hàng loạt hộ triệu phú như: hộ bán tạp hóa Nguyễn Tam Huấn (thôn 2), hộ mua bán cà phê Nguyễn Văn Thảo (thôn 6), hộ bán vật liệu xây dựng Mai Thanh Phong (thôn 2), hộ trồng cà phê Nguyễn Văn Thiện (thôn 4), hộ cựu chiến binh đào ao nuôi cá, nuôi vịt trời Phạm Ngọc Bốn (thôn 4), hộ chăn nuôi heo Nguyễn Khắc Phố (thôn 3)...
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đa cho hay, thành quả đó chính là nỗ lực học hỏi vươn lên thoát nghèo của chính người dân. Đây cũng là kết quả của việc phát huy tốt vai trò gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương của cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua việc triển khai thực hiện những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà nghị quyết Đảng ủy xã đề ra qua từng năm. 
Sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của Trà Đa hôm nay cho ta thấy rõ hơn cái duyên hòa hợp giữa đất và người. Đất không phụ người, người nâng tầm một vùng đất. Tôi chợt nhớ câu thơ trong bài thơ “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đúng vậy, ở đâu có nỗ lực của con người thì ở đó đất lại nở hoa, dâng đời trái ngọt.
 LÊ VĂN NHUNG

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.