Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị cho biết: kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2019), Quảng Trị sẽ tổ chức nhiều hoạt động tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
Cụ thể, Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông diễn ra vào sáng 30-4 tại Kỳ đài phía bắc cầu Hiền Lương. Nối tiếp là Lễ khánh thành công trình "Bảo tồn, tôn tạo bờ nam thuộc Khu du tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải". Cùng với đó là các hoạt động văn hóa, thể thao cùng diễn ra như Giải đua thuyền "Thống nhất non sông" trên sông Bến Hải; hội Bài chòi ở phía bờ bắc khu di tích diễn ra từ đêm 29-4 đến trưa 30-4.
Cầu Hiền Lương lịch sử. |
...Trong không khí rộn ràng ấy, mỗi câu chuyện về Hiền Lương - Bến Hải trong hơn 21 năm đất nước chia cắt một lần nữa được ôn lại, nâng niu và đầy tự hào. Từ bờ nam Hiền Lương, chúng tôi chia tay những người công nhân đang đẫm mồ hôi gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối công trình bảo tồn, tôn tạo để hướng về thôn Hiền Lương (xã Vĩnh Thành, H.Vĩnh Linh), ở phía bắc cầu, là quê hương của những người Mẹ huyền thoại vá cờ Tổ quốc bên vĩ tuyến 17 những năm chiến tranh ác liệt. Đó cũng là nơi có ngôi nhà ấm áp của vợ chồng thương binh Hoàng Nghi với câu chuyện tình yêu lấp lánh dọc dài năm tháng bên dòng Bến Hải với đám cưới đi vào lịch sử là đám rước dâu đầu tiên qua cầu Hiền Lương sau hơn 20 năm đất nước chia cắt. Đây là câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng thông điệp mãnh liệt về tình yêu thủy chung, vượt qua mọi khốc liệt của chiến tranh. Chú rể của đám cưới đặc biệt 45 năm trước nay đã ở tuổi 76. Sau đợt tai biến và bị TNGT nặng cùng những di chứng của bom đạn chiến tranh khiến sức khỏe giảm sút nhiều nhưng những ký ức về những năm tháng chiến đấu ở bờ cầu Hiền Lương, bên dòng sông Bến Hải, nơi ông gặp được người bạn đời son sắt Hoàng Thị Hoa, dệt nên câu chuyện tình yêu thủy chung lấp lánh... vẫn rõ mồn một trong tâm trí ông.
Câu chuyện tình yêu của vợ chồng ông Nghị là minh chứng của sự chung thủy, vượt qua tàn khốc của chiến tranh |
...Năm 1967, ông Nghi tham gia lực lượng bán vũ trang dân quân tại Hiền Lương, vừa là chỉ huy Đội sản xuất. Trong quá trình chiến đấu, ông bị trúng pháo địch, chấn thương nặng, ảnh hưởng đến thính giác, mảnh pháo găm vào vị trí hiểm dưới lưng đến nay vẫn chưa thể "giải phóng" vẫn hành hạ ông từng ngày. Tuy nhiên, đối với ông, ký ức cảnh đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, ngã xuống cho non sông thống nhất chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm can. Những khi nói về những điều ấy, ông trầm lặng, đôi mắt dần đỏ hoe, hướng ra bờ Hiền Lương... Năm 1972, khi đó ông là đội trưởng du kích địa phương tại Hiền Lương, còn bà Hoa là du kích từ thôn Tam Hữu, xã Triệu Trung (H.Triệu Phong) đưa người dân sơ tán ra bờ bắc Bến Hải, trong đó, có người cha đang bị thương nặng. Ông bà gặp nhau tại Hiền Lương khi ông Nghị là người trực tiếp chăm sóc cha bà Hoa. Ánh mắt đầu tiên của họ khi nhìn thấy nhau đã đầy tin tưởng, mến thương. Rồi bà tiếp tục trở vào nam Bến Hải chiến đấu, gửi lại thương nhớ ngày càng lớn lên trong chàng thương binh dũng cảm, tốt bụng. Đêm ngóng ngày trông, có lần, ông vào Triệu Trung tìm cô du kích gan dạ. hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi trong chốc lát, viết vội vài dòng khắc ghi nhớ thương, trao tay làm tín vật rồi ai nấy trở lại vị trí chiến đấu. Trở về, nhớ bóng dáng chiếc cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập vào năm 1967 và con sông Bến Hải giới tuyến vẫn từng ngày chở đau thương chia cắt, khao khát đất nước thống nhất càng trỗi mạnh trong ông. Khi Hiệp định Paris được Ký kết vào tháng 1-1973, ông Nghi, bà Hoa đã thấy ngày về chung một nhà đến gần hơn bao giờ hết. Và hơn cả giấc mơ khi vào đầu năm 1974, cầu Hiền Lương được xây dựng lại bằng bê-tông cốt thép, dài 186m, rộng 9m, có hành lang người đi bộ rộng 1,2m. Người dân đôi bờ sướng vui qua về, nắm tay nhau vỡ òa hạnh phúc. Trong niềm vui lớn ấy, ông Nghị và bà Hoa tổ chức đám cưới. Từ quê bà Hoa, chèo đò qua sông, đạp xe thêm hơn 50km mới đến bờ nam Hiền Lương. Lễ rước dâu được nhiều người đón đợi ở cả đôi bờ vì đây là đám rước dâu đầu tiên qua cầu Hiền Lương sau hơn 20 năm chia cắt. Ngày cưới trọng đại hôm ấy, ông ân cần dắt tay bà đi trên chiếc cầu lịch sử, phơi phới nghĩ về tương lai, đặc biệt là niềm tin đón đợi ngày miền Nam giải phóng, sạch bóng quân thù...
Lắng nghe ông Nghị hồi nhớ ngày cưới của 45 năm trước, bà Hoa cứ cười vui hạnh phúc. Ông bà có tất cả 5 người con, đều hiếu thảo, hòa thuận, trách nhiệm. Mỗi dịp 30 - 4 đến, anh em anh Hiền lại đưa các con về sum vầy bên ông bà, rồi cùng ông bà ra chiếc cầu lịch sử Hiền Lương, lắng nghe huyền thoại dòng sông Bến Hải, trong đó có câu chuyện tình yêu mãnh liệt, chung thủy, thiết tha của cha mẹ mình trong những năm bom đạn chiến tranh.
BẢO HÀ (cand)