Trở lại Hang Kia - Pà Cò: Ký ức người lính vây bắt Vàng A Khua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi trở lại Hang Kia - Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình) sau 12 năm kể từ ngày hai địa danh là chảo lửa ma túy khu vực Tây Bắc. Giờ, nơi đây đang thay da đổi thịt từng ngày nhưng vết thương do ma tuý gây nên vẫn còn ám ảnh…
Sự kiện ngày 5/2/2010
Ngỏ ý muốn quay trở lại Hang Kia - Pà Cò, nơi vốn là chảo lửa ma túy nổi tiếng của cả vùng Tây Bắc, Trung tá Hà Công Thiếm, Đội trưởng Đội Tổng hợp (Công an huyện Mai Châu) dứt khoát: “Để chúng tôi trực tiếp đưa các anh vào!”. Nói rồi, anh điện thoại báo cáo lãnh đạo và kéo theo một người nữa (mặc thường phục) lên xe cùng chúng tôi. Di chuyển được mươi phút, Trung tá Thiếm giới thiệu, người đi cùng là Thiếu tá Lường Văn Sơn, Phó đội trưởng Đội kinh tế - ma tuý Công an huyện Mai Châu, phụ trách Tổ Công an cắm bản đóng ở Hang Kia - Pà Cò. Sự có mặt của các chiến sỹ công an, đặc biệt là Trung tá Thiếm trong chuyến đi này không hề tình cờ vì sẽ giúp chúng tôi dựng lại được sự kiện động trời mà chúng tôi sẽ đề cập ngay sau đây.
Hang Kia - Pà Cò là hai xã cạnh nhau, cách trung tâm huyện 50 km, cách thành phố Hòa Bình khoảng 100km về phía Tây Bắc, giáp ranh với xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Quãng đường từ huyện lị Mai Châu vào tới hai xã này hiện vẫn là đường độc đạo và đèo dốc cao, sương mù dày đặc nên xe không thể chạy nhanh.
 
Con đường độc đạo men theo triền núi vào xã Hang Kia
Con đường độc đạo men theo triền núi vào xã Hang Kia
Trên xe, Trung tá Thiếm cho biết, 10 năm trước, cây rừng còn rậm rạp, sương mù còn kéo dài xuống chân dốc, gần trung tâm huyện. Đường giao thông đến trung tâm hai xã là con đường độc đạo, hạn chế giao lưu với các xã lân cận nên địa bàn này càng cách biệt, khó quản lý.
Khu vực này vốn là nơi người Thái sinh sống. Hang Kia, theo tiếng Thái là “Hang Dơi”, còn Pà Cò có nghĩa là “Rừng Dê”. Sau đó, do không phù hợp địa hình phức tạp, núi cao, người Thái dời đi và nơi đây dần trở thành một trong những “đại bản doanh” của đồng bào dân tộc Mông từ những năm 50 của thế kỷ trước...
Vào ngày 5/2/2010, khi những cánh đào phai e ấp trên sườn núi, người dân hân hoan chuẩn bị đón Tết, cái tên Hang Kia, Pà Cò dân dã kia bỗng chốc nổi tiếng khắp cả nước vì một vụ chống người thi hành công vụ. Khi đó, Công an tỉnh Hoà Bình tổ chức vây bắt Vàng A Khua (trú tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia), đối tượng bị truy nã 4 năm trước vì buôn bán trái phép chất ma túy. Cuộc truy bắt đó, ba chiến sĩ công an đã hy sinh.
Trung tá Thiếm cho biết, lúc vây bắt Vàng A Khua, anh đang là chiến sĩ Cảnh sát hình sự và một trong 50 chiến sĩ trong chuyên án vây bắt đối tượng này. “Sau khi được tin của trinh sát báo về, Vàng A Khua sau một thời gian lẩn trốn đã về ẩn tích tại gia đình mình. Phương án vây bắt Vàng A Khua được Ban chuyên án lên kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng. Chúng tôi được lệnh lên đường trong đêm 4/2”, Trung tá Thiếm kể.
“Đó là ngày sát Tết (ngày 23 tháng Chạp). Trên đường đi bắt Khua chúng tôi còn vui vẻ hẹn người quen xin cành đào rừng trên đó về chơi Tết. 5 giờ, ban chuyên án đã có mặt tại xã Hang Kia, các tổ di chuyển bao vây nhà Vàng A Khua. 6 giờ cán bộ ban chuyên án dùng loa gọi Vàng A Khua ra mở cửa.
Đến hơn 7 giờ 30, nhóm trinh sát vẫn thấy con dâu Khua lấy nước, vo gạo nấu cơm”, Trung tá Thiếm nhớ lại, và kể tiếp, lúc đó, ban chuyên án đã quyết định phá khóa. Khi chiếc khóa được phá, cánh cổng sắt chưa mở thì đối tượng Khua ở trong bếp bắn ra 3 phát súng chỉ thiên. Thấy tình hình “nóng”, anh em chiến sỹ lùi ra. Ban chuyên án lại họp. 11 giờ anh em chiến sĩ nghỉ ăn bánh mỳ.
Cánh đào phai thấm máu các anh
“Đến 3 giờ chiều 5/2, có lệnh vào nhà bắt Khua. Lúc đó, lựu đạn cay được ném vào, khói bay mù mịt. Tấn công vào nhà Khua thì đối tượng trốn lên nhà con trai. Đại tá Hà Thái Yềm (khi đó là Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, chỉ huy chuyên án), Trung úy Sùng A Trư và Thượng úy Bùi Quốc Đại tiến đến sát ngôi nhà của Khua. Sau khi vận động, người nhà Khua ra ngoài hết, trong nhà chỉ còn Vàng A Của, con trai lớn của Khua, chưa ra.
Anh Của là thầy giáo ở trường tiểu học xã Hang Kia. Nghe tiếng loa, Của từ trong nhà chạy về phía lực lượng công an. Nhưng khi anh Trư và anh Đại vừa chạy lên để đón Của đưa ra ngoài, Khua từ trong nhà xả đạn xối xả vào chính con trai mình. Anh Yềm đứng gần đống củi nên cũng trúng đạn. Cả bốn người gần đó cùng đổ gục. Lúc đó là 3 giờ 30 chiều”, Trung tá Thiếm kể. Phút chốc, giọng anh chùng xuống: “Tình huống Khua chống đối được chúng tôi lường trước nhưng không nghĩ hắn quyết liệt như thế”.
Hôm đó, ngày cuối tháng Chạp nhưng trời nắng chang chang, khoảng sân nhà Vàng A Khua đẫm máu. Chỉ một lúc sau khi các chiến sĩ ngã xuống, Khua cũng bị tiêu diệt ở ngay trên miệng căn hầm được xây trong ngôi nhà Khua lẩn trốn. “Chúng tôi đưa anh Yềm lên cáng, khiêng anh ra xe cứu thương rồi đưa anh cùng Đại về Bệnh viện Mai Châu. Giây phút trên xe cứu thương về trung tâm, thời gian như ngưng lại. Lúc đó, anh em chiến sỹ mới được làm thẻ ngành mới, nên tôi biết anh Yềm nhóm máu O. Nhìn bộ cảnh phục thủng lỗ chỗ vết đạn, tôi nắn bên hông còn vài vết khác rồi chỉ cho bác sĩ sơ cứu.
Tình hình căng, anh Yềm mất máu nhiều, nhưng sóng điện thoại phập phù. Tay tôi run bần bật liên tục tháo máy, thay sim để gọi điện về bệnh viện chuẩn bị máu. Lúc này, mới hơn 4 giờ, trời bất ngờ tối sập, sương mù đổ xuống dày đặc, đường mù mịt… xe cứu thương cứ hú còi và chạy. Sau hơn 30 phút, cả anh Yềm và anh Đại đều hi sinh mà chưa kịp nhắn nhủ gì”, Trung Tá Thiếm kể và cho biết, anh Yềm vừa là thủ trưởng, vừa là cậu ruột của mình. Tết năm đó là một cái tết rất xót xa cho thân nhân và đồng đội của ba liệt sĩ.
Sau vụ nổ súng, rất nhiều người Mông ở Hang Kia là họ hàng, người thân của Vàng A Khua bị kích động. Họ tập trung đông người ở đó, không cho xe cộ đi qua, hô bằng tiếng dân tộc Mông “đánh, ném đá”. Đến ngày hôm sau những người này đã tập trung đập phá ôtô của công an có mặt tại xã Hang Kia. Tình hình ở đây căng thẳng tột độ…
Năm 2006, Công an tỉnh Hoà Bình phát lệnh truy nã đặc biệt Vàng A Khua (SN 1956, trú bản Hang Kia I, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, Hòa Bình). Khua là đối tượng phạm tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy (5 bánh heroin). Sau 4 năm truy lùng, ngày 5/2/2010, phát hiện y đang có mặt tại nhà, Công an tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lực lượng vây bắt. Khi phát hiện có lực lượng bao vây, Vàng A Khua đã cố thủ trong nhà, dùng súng AK bắn xối xả làm Vàng A Của (con trai Vàng A Khua) chết và 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh.
Theo Đ.A (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null