Trên đỉnh mù sương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ mùa mưa mà cả những ngày nắng trên những cung đường đèo ở tuyến đường Hồ Chí Minh thường xuyên xuất hiện sương mù dày đặc khiến việc lưu thông khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hỗ trợ cho người và phương tiện đi qua cung đường đèo này được an toàn, lực lượng chức năng vẫn âm thầm ngày đêm tuần tra, hướng dẫn, nhắc nhở đảm bảo an toàn giao thông.

Ám ảnh sương mù

Đèo Lò Xo, nằm trên đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận làng Măng Khen, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, Kon Tum được xem là “điểm đen” xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. Với chiều dài khoảng 30km, đèo Lò Xo từ lâu đã được gọi là “đèo tử thần” và cung đường đèo này cũng là nỗi ám ảnh đối với lái xe đường dài, lạ đường.

Lực lượng CSGT trực tại đèo Lò Xo. Ảnh: P.N

Lực lượng CSGT trực tại đèo Lò Xo. Ảnh: P.N

Những ngày tháng 8 này, đi trong cơn mưa tầm tã, từ thành phố Kon Tum, chúng tôi vượt hơn 150 km lên đỉnh đèo Lò Xo thuộc xã Đăk Man (huyện Đăk Glei, giáp ranh với tỉnh Quảng Nam) để ghi nhận những nỗi vất vả của cánh lái xe đường dài, cũng như lực lượng chức năng ngày đêm túc trực trên đỉnh đèo để gìn giữ sự bình yên cho cung đường đèo này. Gặp chúng tôi trên đỉnh đèo, một chiến sĩ liền nói vui: Hôm nay nhà báo đi may quá, trời lại hửng nắng! Cả tuần trước ở đèo mưa tầm tã, thối đất thối cát, sương mù dày đặc. Anh em chúng tôi thay phiên nhau trực để điều tiết giao thông và nhắc nhở lái xe cẩn thận khi đi qua đèo nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Khác với những con đèo chạy dọc theo dải miền Trung, đường đèo Lò Xo qua tỉnh ta nổi tiếng nguy hiểm vì đèo dốc thoai thoải kéo dài hàng chục cây số, với nhiều khúc ngoặt, dốc dài và ngoằn ngoèo. Đáng nói trên cung đường đèo này, thời tiết khắc nghiệt mùa nắng thì gió, mùa mưa thì lạnh “thấu da thấu thịt” gần như quanh năm mây mù bao phủ, sương mù dày đặc bao phủ khắp đèo. Vì vậy, nhiều tài xế khá ám ảnh và cẩn trọng khi đi trên cung đường đèo này.

Anh Nguyễn Văn Cường (34 tuổi, trú tại Huế)- tài xế xe khách chuyên tuyến cố định Gia Lai- Huế cho biết, mặc dù anh thông thuộc đèo Lò Xo nhưng mỗi lần qua đây anh đều đi cẩn thận và ám ảnh bởi sương mù dày đặc. Những ngày mưa thì tầm nhìn chỉ khoảng chục mét. “Một tuần ít nhất 3 lần tôi đi qua đèo Lò Xo nhưng lần nào cũng rất lo lắng bởi đường xấu và sương mù”- anh Cường cho hay.

Cũng theo tài xế Cường, đầu tháng 7, khi anh đi xe từ Gia Lai ra Bắc suýt bị nạn ở đèo Lò Xo. Vào đúng hôm trời sương mù dày đặc, khoảng cách tầm nhìn 10 m chỉ thấy vệt đèn xe. Ngay khi đến đoạn cuối đèo thì gặp một chiếc xe tải bóp còi inh ỏi có dấu hiệu mất kiểm soát chạy xuống. Cũng may, sau đó tài xế xe tải lao vào hộ lan lốp mới dừng lại được.

Lực lượng CSGT nhắc nhở lái xe cẩn trọng khi qua đèo. Ảnh: P.N

Lực lượng CSGT nhắc nhở lái xe cẩn trọng khi qua đèo. Ảnh: P.N

“Đường đèo không có đèn đường chiếu sáng, tài xế phải bám vạch phản quang nhích từ từ khi gặp thời tiết mưa hoặc sương mù phủ kín. Đặc điểm đường đèo dài thoai thoải, nếu để số lớn thì tài xế phải thường xuyên rà phanh. Rà phanh nhiều sẽ khiến hệ thống phanh nóng lên và mất tác dụng. Vậy nên, việc đi xuống đèo với tốc độ chậm, đi số nhỏ sẽ đảm bảo an toàn”- tài xế Cường chia sẻ.

Tài xế Nguyễn Văn Phong (41 tuổi, trú tại Đà Nẵng) chuyên chở hàng tuyến Kon Tum - Đà Nẵng cho biết: Do đường dốc kéo dài lại thường xuyên có sương mù nên đèo Lò Xo là ám ảnh của cánh tài xế vì không biết phía trước đường dốc có gì. Do đó, mỗi khi đi qua đèo tôi rất cẩn thận và đi chậm để bảo đảm an toàn”, tài xế Phong nói.

Tương tự, anh Nguyễn Tiến Việt- tài xế chạy xe cho Công ty Con đường Xanh, chuyên chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh- Đà Nẵng cho biết: Trong mấy năm nay, gần như ngày nào tôi cũng chạy trên tuyến đường Hồ Chí Minh và đã khá quen với những khúc cua, đường dốc trên cung đường này. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đoạn đường đèo Lò Xo không chỉ có nhiều khúc cua, dốc dài nguy hiểm mà thêm vào đó là đoạn đường này xuống cấp hư hỏng nhiều quá. Ngoài ra, trên đèo thường xuyên có sương mù, nhất là những hôm trời mưa, sương mù càng nhiều khiến tầm nhìn bị hạn chế. Vì vậy, mỗi khi đi qua đèo, tôi rất cẩn thận, đi chậm và bật đèn cảnh báo và thường xuyên bóp còi để báo hiệu cho xe đối diện biết tránh va chạm.

Cho đường đèo an toàn

Cung đường đèo dốc quanh co với những khúc cua ngoặt bất ngờ là nỗi ám ảnh của cánh lái xe đường dài. Để đảm bảo an toàn giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã cho khắc phục, sửa chữa nhiều điểm đen, nguy cơ mất ATGT trên đoạn đường này. Ngoài việc thực hiện giải pháp bạt núi, mở rộng khúc cua để mở rộng tầm nhìn cho lái xe, khắc phục những đoạn hư hỏng, trên đoạn đường đèo Lò Xo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng các đường lánh nạn, hốc cứu nạn, đặc biệt, tiến hành làm hàng nghìn mét tường lốp cao su làm hộ lan mềm tại những khúc cua nguy hiểm và bổ sung hệ thống bộ tiêu, biển báo, chỉ dẫn phản quang để hướng dẫn lái xe an toàn. Bên cạnh đó, xây dựng, bố trí vài điểm dừng để lái xe nghỉ ngơi, kiểm tra kỹ thuật trước khi xuống dốc dài, đồng thời lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tốc độ trên tuyến đường đèo Lò Xo, bàn giao cho lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh theo dõi và xử lý các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Song song với giải pháp kỹ thuật, Phòng Cảnh sát giao thông cũng bố trí một tổ tuần tra thường xuyên túc trực tại đèo Lò Xo để triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Lái xe cần cẩn trọng mỗi xe đi qua đèo Lò Xo. Ảnh: PN

Lái xe cần cẩn trọng mỗi xe đi qua đèo Lò Xo. Ảnh: PN

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Xuân Hướng - Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Trên đỉnh đèo Lò Xo, Trạm CSGT Ngọc Hồi (thuộc Phòng) bố trí một tổ CSGT túc trực 24/24h trên đèo vừa làm công tác hướng dẫn ATGT vừa tuần tra, nhắc nhở đối với các lái xe cần cẩn trọng, nhất là khi trời mưa, có sương mù để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ của tổ CSGT trên đèo thường xuyên nhắc nhở các lái xe khi di chuyển qua đèo Lò Xo phải tuân thủ các quy tắc lái xe, dừng nghỉ, kiểm tra phương tiện trước khi lên xuống đèo nhằm đảm bảo an toàn.

Chia sẻ với chúng tôi, đại úy Trần Nhật Minh- Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Ngọc Hồi cho biết: Đèo Lò Xo là cung đường rất nguy hiểm, tiềm ẩn tai nạn giao thông, vì vậy, Trạm đã bố trí một tổ công tác thường xuyên tuần tra kiểm soát trên địa bàn huyện Đăk Glei và trên đèo Lò Xo để kịp thời nhắc nhở các phương tiện qua đèo tuân thủ các quy tắc lái xe lên xuống đèo an toàn. Có biện pháp dừng nghỉ để kiểm tra thiết bị của kỹ thuật trước khi lên đèo, xuống đèo.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hướng cho biết: Từ khi có tổ túc trực trên đèo nên vài năm trở lại đây, TNGT trên đoạn đèo Lò Xo giảm rõ rệt. Đây thực sự là điều rất mừng bởi chúng ta đã làm khá tốt công tác kiềm chế TNGT trên đoạn cung đường đèo này.

Theo ông Hướng, dù tai nạn giao thông tại đèo Lò Xo đã được kiềm chế nhưng lái xe cũng không nên chủ quan khi đi qua đoạn đường này. Khi qua đèo Lò Xo, các lái xe cần cẩn trọng, trước khi đổ đèo cần dừng xe, kiểm tra kỹ độ an toàn; khi đổ đèo cần giảm tốc độ và đi số thấp, đồng thời chú ý quan sát để bảo đảm an toàn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Vượt nắng, thắng mưa, đối diện với nhiều khó khăn, vất vả bởi khí hậu khắc nghiệt, thời tiết nắng mưa thất thường và phải sống xa gia đình nhưng các chiến sĩ trực tại đèo Lò Xo vẫn luôn tận tụy, âm thầm khắc phục, vượt qua khó khăn để bảo đảm cho cung đường được an toàn, tạo niềm tin tưởng cho những lái xe đường dài khi đi qua đèo. Ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, mỗi người lái xe cần nêu cao ý thức, cẩn trọng, tập trung cao độ mỗi khi đi qua đèo bảo đảm an toàn cho chính mình và cho người khác.

Ông Phan Mười- Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, trước thực trạng sương mù trên các điểm đèo thường xuyên xảy ra TNGT, Ban ATGT đã đề nghị tăng cường công tác tuần kiểm tra, sớm phát hiện các vị trí biển báo hư hỏng để thay mới, bổ sung biển cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Đồng thời, kiến nghị các đơn vị chức năng bổ sung các biển cảnh báo, đinh và vạch phản quang và khắc phục các vị trí điểm đen TNGT nhất là tại các vị trí đèo dốc.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...