Trên đất trấn ải Tén Tằn - Kỳ 2: Dưới chân dãy Pha Lăng Am

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bản Nà Pang hàng trăm năm nay là địa bàn cư trú của người Khơ Mú, những người nhất mực sùng kính quan Tư mã Hai Đào. Bên dòng suối Cánh Pang, còn đó một hang đá hình hàm ếch nhô ra từ vách núi đá, có một bàn thờ nhỏ đơn sơ. Người dân bản thường đến đây cúng lễ mỗi khi bản có sự kiện trọng đại hoặc bản thân có nguyện vọng gì muốn cầu xin.

 



1/ Từ năm 1994, bản người Khơ Mú chuyển ra gần sông Mã hơn để định canh, định cư và có tên mới là bản Đoàn Kết. Toàn bản hiện có 170 hộ gia đình, hơn 750 nhân khẩu. Ngược dòng suối Cánh Pang chừng ba km là đến thung lũng Tén Ăng, dưới chân dãy Pha Lăng Am, nơi bản Đoàn Kết tọa lạc. Con đường dẫn vào Đoàn Kết như sợi thừng vắt cheo leo bên sườn núi, quanh co, khấp khểnh. Trước đây, lối đi rộng chưa đầy mét rưỡi, nhưng không ít những đoạn dốc đứng, cành cây lòa xòa trước mặt, chỉ sơ sẩy một chút là trượt từ trên hàng chục thước xuống suối Cánh Pang lởm chởm đá dựng. Hiện nay, dẫu đường vào đã được nâng cấp nhiều, nhưng vào mùa khô còn đi được, chứ vào mùa mưa, Đoàn Kết như ốc đảo giữa núi rừng.

Trưởng bản Lò Văn Phòng niềm nở rót nước mời khách trên sàn căn nhà rộng rãi, nhưng đồ đạc khá cũ kỹ, sơ sài. Anh cho biết, mặc dù xã Tén Tằn nổi tiếng vì có vựa lúa nước rộng hơn bảy ha, bên bờ sông Mã, ngay sát biên giới Việt Lào, nuôi sống cả một vùng, nhưng bản Đoàn Kết cách đó mấy “quăng dao” lại chỉ có rất ít hộ trồng lúa nước. Tập quán canh tác của người Khơ Mú chủ yếu phát nương làm rẫy, chọc lỗ tra hạt, trồng ngô, khoai, sắn và lúa nếp nương. Cây ngô lai được coi là cứu cánh cho cuộc sống còn khá vất vả, nghèo nàn của đồng bào. Thung lũng Tén Ăng không rộng lắm nên tổng diện tích ruộng chỉ chừng 5,2 mẫu, chia bình quân mỗi nhà chỉ được 1 đến 2 sào ruộng. Nếu chỉ làm như vậy thì không đủ ăn, nên dân bản dồn ruộng cho những hộ dân chuyên tâm trồng lúa nước, còn mình tiếp tục lên nương làm rẫy. Nhưng có một lý do khác khiến đồng bào không mặn mà gì với cây lúa lai, bởi hạt lúa nương tuy năng suất thấp nhưng cho hạt gạo rất dẻo thơm, ăn vừa ngon vừa chắc bụng, no rất lâu.

2/ Cả tỉnh Thanh Hóa đất rộng, người đông là thế, nhưng chỉ ở huyện Mường Lát có người Khơ Mú sinh sống, tập trung ở hai bản là bản Lách (xã Mường Chanh) và bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn) với khoảng hơn 1.000 nhân khẩu. Cuộc sống khó khăn cùng nhiều hủ tục càng khiến người dân Khơ Mú thêm lam lũ.

Trước đây, người dân Khơ Mú có lệ cưới hai lần. Lần một, người con trai phải đến nhà gái ở rể, chừng một năm thì xin cưới lần hai để đón vợ về nhà. Việc tổ chức cưới xin cả hai lần, nhà trai đều phải chu toàn mọi thứ. Mỗi lần cưới chi dùng tối thiểu cũng từ 60 chai rượu, 100 cân thịt trở lên, nhưng nặng nề nhất là tiền thách cưới. Bao giờ nhà trai nộp đủ lễ thì mới được xin cưới lần hai, nếu không cứ ở rể làm công không vậy. Không phải nhà trai nào cũng có đủ được tiền tổ chức đám cưới, chứ chưa kể tiền thách. Nên mới có chuyện, nhiều chàng trai đã ở rể lâu năm, có con trai, con gái rồi, nhưng vẫn còn thiếu nợ, chưa được coi là có vợ. Việc vận động bà con đã nhiều, nhưng chưa dễ gì bỏ được tục cưới cheo này, cả việc cưới sớm nữa.

Trưởng bản Lò Văn Phòng vui vẻ trò chuyện, không giấu giếm chuyện cũ. Do tục lệ chỉ cưới người cùng tộc Khơ Mú, nên ngày trẻ anh phải sang tận tỉnh Sơn La xa xôi tìm vợ. Ngày cưới, người dân bản trèo đèo lội suối, đi bộ đón dâu ròng rã cả tuần mới đến nhà gái. Rùng rình tế lễ hội hè, cũng phải mất chừng ấy ngày nữa đoàn người mới đưa cô dâu về bản, báo cáo với tổ tiên. Hai vợ chồng trẻ chăm chỉ làm lụng, tích cực học hỏi những điều hay từ các cán bộ, bộ đội biên phòng, cuộc sống gần đây cũng đã có nhiều khởi sắc so với chính cha mẹ mình và người dân trong bản.


 

Cuộc sống của người Khơ Mú ở Tén Tằn đang dần thay đổi.
Cuộc sống của người Khơ Mú ở Tén Tằn đang dần thay đổi.


Hiện nay cuộc sống của người dân Khơ Mú đã có nhiều đổi thay tích cực. Trưởng bản Lò Văn Phòng khẳng định: “Thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư và đề án Ổn định đời sống và phát triển kinh tế-xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa, giờ đây tất cả các hộ dân đã có phương tiện nghe, nhìn, hộ nào cũng có xe máy, các công trình phục vụ đời sống dân sinh đã và đang phát huy hiệu quả”. Việc lễ, Tết, cưới xin, ma chay, giỗ chạp… đều đã thực hiện theo chủ trương chung, người Khơ Mú đã và đang dần bước ra khỏi cửa rừng hòa nhập với cuộc sống văn minh, nếp sống mới của thời cuộc.

“Bản Đoàn Kết ít học sinh quá, chưa có đứa nào tốt nghiệp cấp 3, toàn bỏ học giữa chừng hết thôi. Làm sao để chúng có chữ, có nghĩa, đi ra ngoài học được điều hay lẽ phải mà về giúp bản sau này?”-tôi còn day dứt mãi với tiếng thở dài của ông Lò Văn Khằng, nguyên trưởng bản Đoàn Kết, cũng là bố của Lò Văn Phòng trong cuộc gặp gỡ hơn 10 năm về trước.

Nỗi lo âu ấy cũng đang được các cấp chính quyền và bản thân đồng bào Khơ Mú nỗ lực thay đổi. Các tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn thường xuyên bám dân, mở lớp xóa mù và chống tái mù chữ cho người dân trong bản. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thường xuyên vận động, giúp đỡ các em nhỏ đến tuổi đi học được cắp sách đến trường, giúp cho nhận thức của bà con về giáo dục thay đổi tích cực, cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em thất học và người mù chữ ở Đoàn Kết. Đã có nhiều học sinh người Khơ Mú theo học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học, trở về làm cán bộ, giáo viên… phục vụ bà con trong địa phương. Lò Văn Tường, người thanh niên có vóc dáng khỏe mạnh, phong thái tự tin mà tôi gặp ở văn phòng Huyện ủy Mường Lát cũng sinh ra, lớn lên từ bản Đoàn Kết đổi mới của người Khơ Mú.

3/ Quan Tư mã Hai Đào sống với miền biên ải và cũng về với tổ tiên ngay trên đất Tén Tằn. Mộ ông được chôn cất bí mật đâu đó trên dãy Pu Tam Lăm, Pha La Ngam hoặc Pha Sét, bên tả ngạn sông Mã. Không ai biết chính xác ngôi mộ của ông ở đâu. Những người già thường kể, từng có người được dẫn lối đến viếng mộ ông, nhưng khi trở về bản thì không còn nhớ nổi đã đi lối nào và bằng cách gì đến đó. Có thể là chuyện hoang đường hoặc kết quả của niềm tin và sự sùng kính lớn lao nào đó với người đàn ông hiển hách ở miền đất này chăng?

Nhưng dưới chân Pha Lăng Am, câu chuyện về những người Khơ Mú đi theo quan Tư mã Hai Đào vẫn đang được viết tiếp. Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: “Toàn huyện Mường Lát có gần 8.600 hộ dân, 41.000 nhân khẩu, gồm các dân tộc Thái, H’Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Kinh cùng sinh sống ở tám xã, thị trấn nhưng đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 38% tổng số hộ. Tén Tằn là xã vùng biên giới, với diện tích đất tự nhiên khoảng hơn 12 nghìn ha, có ba dân tộc sinh sống là Thái, Kinh và Khơ Mú. Đây là vùng đất lâu đời có nhiều yếu tố về kinh tế-xã hội, lịch sử và văn hóa đặc sắc, nhân dân chăm chỉ, hiếu học, chịu thương, chịu khó. Tuy đời sống còn đang rất khó khăn, nhưng bà con đều rất quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc nơi thượng nguồn sông Mã, đồng thời bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nơi đường biên giới. Chúng tôi đang tìm nhiều biện pháp đồng bộ để cùng bà con tháo gỡ và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội chung của địa phương”.

Theo LÊ QUÂN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…