Trẻ nhập cư 'khát' chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lớp học tình thương 'Chắp cánh ước mơ' tại khu phố 2, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM) mà người dân quen gọi, thực chất nằm trong chốt dân phòng tự quản, là nơi dạy chữ cho trẻ nhập cư nghèo mấy năm nay…

Tâm (áo trắng - hồng, bên phải) đã theo học lớp tình thương 3 năm nay. ẢNH: SONG MAI
Tâm (áo trắng - hồng, bên phải) đã theo học lớp tình thương 3 năm nay. ẢNH: SONG MAI
Không tưởng tượng được ở quê, con sông, mái nhà như thế nào 
Hai chị em Ngọc Xuyên (12 tuổi) và Ngọc Giàu (8 tuổi) đã thay phiên nhau học ở đây. Xuyên đã biết chữ và học tiếp ở một nhà thờ, còn Giàu mới đến lớp chừng vài tháng.
Chị Trần Thị Thiệp (31 tuổi, quê ở xã Hòa Lạc, H.Phú Tân, An Giang) - mẹ Xuyên, Giàu, mới sinh em bé, và chưa tính tới chuyện đứa trẻ này sẽ đi học ở đâu. Chị kể: “8 năm trước, gia đình tôi chuyển hết lên Sài Gòn vì căn nhà dưới quê nằm gần bờ sông bị sạt lở. Ba má tôi trọ ở Q.12, làm trong một xưởng gỗ. Còn tôi sống với gia đình chồng, cùng mẹ chồng bán xôi dạo trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức”.

Căn gác trọ chừng 10m2 của gia đình Xuyên, Giàu. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Căn gác trọ chừng 10m2 của gia đình Xuyên, Giàu. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
“Lúc trước chồng tôi làm trụ cột gia đình, giờ anh đau nặng, chỉ làm được công việc nhẹ. Tôi với mẹ chồng thay nhau bán xôi, mẹ bán từ chiều tối đến khuya, tôi từ 3 giờ sáng đến khi tan chợ. Khoảng thu nhập 300.000 - 400.000 đồng/ngày cả hai cộng lại là nguồn sống duy nhất của gia đình”, chị Thiệp nói rồi cười trừ: “Tới đâu hay tới đó, về quê cũng không nghề ngỗng gì, thành thử phải gửi Xuyên và Giàu ở lớp tình thương”.
Với đôi mắt rất trong, hai đứa trẻ ngồi trầm ngâm nghe mẹ kể chuyện, bảo không tài nào tưởng tượng ra hình ảnh mái nhà, con sông quê như thế nào. Khu phố nhỏ này mới là chốn gắn bó với hai chị em. Xuyên và Giàu đôi lúc tự hỏi tại sao mình không được mặc đồng phục đến trường và tiếc mình sẽ đọc được chữ nhanh thôi nếu không phải bị gián đoạn việc học vì dịch Covid-19.
Mỗi buổi học, Giàu - cô bé đen nhẻm, gầy còm vẫn mang chiếc cặp do một trường mầm non tặng, đến lớp rồi tỉ mẩn dọn từng quyển sách, vở ra viết chữ. Hỏi cô bé ước mơ của em là gì, Giàu lắc đầu không biết, vẩn vơ suy nghĩ như thể “ước mơ” đang lượn qua lại trong đầu nhưng chưa có nơi hạ cánh.
Biết chữ rất... vui
Lớp học này do ông Trần Văn Anh (trước đây là Phó ban điều hành khu phố 2, nay ông Anh đã nghỉ) và Bí thư khu phố Trương Huy Mân lập năm 2015. Các cô giáo của lớp mới… 15, 16 tuổi - đều là tình nguyện viên của chi đoàn khu phố.
Ba năm trước, khi chúng tôi ghé thăm, sỉ số lớp học tình thương này hơn 40 em, nay giảm còn chục đứa. Cậu sinh viên năm hai Nguyễn Văn Mạnh là chủ nhiệm của lớp học, nói, dẫu đây là lớp học tình thương nhưng nhiều phụ huynh đến xin con nghỉ học với lý do cho bé học trường công; vài hôm sau Mạnh lại thấy học trò mình đứng trên cầu... bán vé số.
Ba năm trước, cậu bé Tâm mới “nhập học” và còn đau đầu với nét chữ, nay lên 9 tuổi, Tâm đã đánh tốt các vần, nay còn theo học những bài tập cuối cho xong “chương trình”.

Lớp học tình thương “Chắp cánh ước mơ” do những cô giáo 15, 16 tuổi đứng lớp dạy. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Lớp học tình thương “Chắp cánh ước mơ” do những cô giáo 15, 16 tuổi đứng lớp dạy. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Tâm không biết mặt cha, cũng không có ấn tượng sâu sắc về mẹ. Từ nhỏ, Tâm đã sống với ông bà ngoại dưới mái trọ thường bị ngập khi mưa. Các tối thứ tư, năm, sáu, Tâm lại lội bộ một mình ra lớp học, còn ban ngày cậu mon men ôm sả phụ cho bà ở một vựa rau.
Bà Hiếu (66 tuổi, quê Sóc Trăng), bà ngoại Tâm, ngồi xoa những vết đứt do chặt sả trên tay, bảo: “Thằng nhỏ mỗi lần ôm sả gần chục ký. Hôm nào thấy Tâm mệt, tôi kêu nó nghỉ ở nhà chứ ra đó làm, quần áo lấm lem thấy đứt ruột. Tôi chặt sả mướn từ 4 giờ sáng với giá 500 đồng/1 kg sả, làm mỗi ngày được 70.000 - 150.000 đồng, còn ông ngoại Tâm giờ đau yếu, chỉ ở nhà”.
Bà Hiếu là lao động nhập cư tới Sài Gòn chục năm nay. Tôi bèn đánh bạo hỏi tại sao ở tuổi này, bà không ở dưới quê an dưỡng. Bà mới lắc đầu: “Hồi đó dưới quê, tôi giăng lưới, nhổ bông súng…, không chết đói nhưng không có tiền... Tôi mới một mình lên đây lấy vé số bán. Tối lang thang ngủ ở mấy vựa dưa hấu. Sau này có dư mới thuê trọ, kêu chồng tôi lên phụ vì lúc đó mẹ Tâm đưa nó qua ở với tôi rồi”, bà Hiếu kể lại.
“Giờ không mong gì ngoài để thằng Tâm biết đọc, biết viết chứ tôi không biết đủ sức nuôi nó đến ngày nào”, bà Hiếu nói.
Tâm ngồi lặng thinh, phụng phịu, buồn xo. Nhưng nhắc tới chữ cậu bé lại hứng khởi ra mặt. Tâm bảo mình rất vui khi biết chữ và một mực tin sau này lớn lên sẽ kiếm thật nhiều tiền lo cho ngoại...
Đông Nam Bộ có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao
Theo báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tại TP.HCM năm 2017 do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và UBND TP.HCM thực hiện, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM tổng hợp dữ liệu về trẻ em ngoài nhà trường (trẻ em trong độ tuổi học giáo dục phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) trong năm học 2014 - 2015. Tính riêng trong tổng số trẻ em ngoài nhà trường ở độ tuổi 5 tuổi và tiểu học thì trẻ nhập cư chiếm phần lớn, lần lượt chiếm tỷ lệ 92% ở độ tuổi 5 tuổi và 86,4% ở độ tuổi tiểu học. Điều này cho thấy trẻ em nhập cư tiếp cận giáo dục rất hạn chế. 
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, có 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đến trường. Con số này giảm 2/3 so với năm 1999 (chiếm 20,9%) Tỷ lệ trẻ em nam không đến trường cao hơn nữ. Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường thấp nhất. Còn Đông Nam bộ, một trong hai vùng kinh tế phát triển nhất nước, lại có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường cao (chiếm tới 9,5%).
Lớp học tình thương, 'cứu tinh' cho trẻ nhập cư nghèo
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết TP.HCM hiện nay tồn tại 2 mô hình lớp học cho trẻ nhập cư nghèo. Dạng thứ nhất là lớp học “xóa mù chữ” mà ta vẫn hay gọi là “lớp học tình thương”, học sinh không có học bạ, hồ sơ theo dõi, không lên lớp hay chuyển cấp được. Dạng lớp thứ hai, có sự bảo trợ của một trường tiểu học công lập cùng địa bàn, có học bạ, hồ sơ theo dõi của giáo viên, có thể lên lớp và chuyển cấp, việc thành lập căn cứ theo Nghị định 46/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
“Cá nhân tôi rất trân trọng cả hai vì nó là cứu tinh cho trẻ nhập cư nghèo. Trước mắt, địa phương cần phải quy hoạch, quản lý và chuẩn hóa dạng lớp học thứ nhất thành dạng thứ hai để các em lên lớp hay chuyển cấp; xem xét nguồn hỗ trợ như học bổng, BHYT tại địa phương... cho các em này”, ông Nghinh nói.
Ông Phạm Đình Nghinh cũng lưu ý thêm việc chuẩn hóa cũng có thể dẫn đến hệ lụy các gia đình nhập cư chỉ muốn con mình đi học những lớp học trên để khỏi tốn phí nên về lâu dài cần có biện pháp quản lý chặt hơn, nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, nâng sự ưu việt của trường công, có thêm chính sách đồng hành, hỗ trợ cho nhóm trẻ này…
Theo Phạm Thu Ngân-Song Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.